Dòng tiền trên thị trường chứng khoán khô hạn

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán khô hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản vốn đã giảm dần từ khi thị trường điều chỉnh tháng 4 đến nay, lại càng tiếp tục cạn kiệt hơn trong vài tuần gần đây.

Giảm điểm vì tiền ít

“Chấp nhận thôi, chờ đợi tín hiệu vĩ mô ổn định hơn”, “ khi nào Nga - Ukraine giảm căng thẳng, giá dầu trung bình giảm thì thị trường mới giảm biến động”, là nhìn nhận của một số nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm trên thị trường chia sẻ với người viết.

Đây cũng là những tác nhân tác động đến lạm phát, lãi suất, qua đó tác động trực tiếp đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Thời kỳ tiền rẻ đã hết, giai đoạn huy hoàng về giá trị giao dịch lên đến 35.000 - 40.000 tỷ đồng đang tạm qua đi. Nhưng việc thanh khoản liên tục giảm cũng là tín hiệu cho thấy sự chán nản của nhà đầu tư chưa dừng lại. Điều này cũng dễ hiểu vì cổ phiếu chưa về tài khoản đã lỗ, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể “chịu đựng” và chủ động được với khoản đầu tư của mình.

Không ít nhà đầu tư chia sẻ, 1 - 2 tháng nay không giao dịch, nhiều môi giới cũng khuyến nghị hạn chế giao dịch, nâng tỷ trọng tiền mặt… bởi lo sợ đà giảm vẫn tiếp tục, trong khi các tin tức nền tảng về vĩ mô mà “có đủ sức nặng” trở thành động lực đi lên cho thị trường, kích thích dòng tiền tham gia - vẫn chưa thấy. Thậm chí, “tin xấu” theo họ là vẫn chưa ra hết, chẳng hạn gần nhất là ngày 27/7 với cuộc họp của Fed.

Thắt chặt tiền tệ đang và tiếp tục diễn ra, lấy đâu ra dòng tiền dồi dào trên thị trường.

“Thắt chặt tiền tệ đang và tiếp tục diễn ra, lấy đâu ra dòng tiền dồi dào trên thị trường. Fed tăng lãi suất, Việt Nam cũng có động thái hút tiền trên thị trường M2 trở lại. Điểm cộng duy nhất hiện nay là PE thị trường thấp, quanh 12x nhưng chưa đủ để bù đắp về các nỗi lo trên”, một nhà đầu tư kỳ cựu nhìn nhận.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, dòng tiền sẽ phản ánh chính xác nhất thực trạng thị trường hiện nay. Đơn cử tuần qua, dù rằng nhiều dự đoán thị trường vẫn còn những nhịp chỉnh nhưng VN-Index thủng mốc 1.160 điểm khiến họ khá ngỡ ngàng khi không có thêm yếu tố nào tác động đủ mạnh. Nhìn thị trường thế giới không giảm mạnh, có chỉ số còn tăng, vậy mà thị trường trong nước lại phá đáy, thì chỉ chủ yếu là do câu chuyện dòng tiền ngày càng hao hụt.

Vị này chia sẻ thêm, trước đây căng margin có thể tạo áp lực bán mạnh khi thị trường điều chỉnh, nhưng ước tính thời điểm này áp lực này không lớn, thậm chí rất nhiều công ty chứng khoán đang dư nguồn. Có những tài khoản trước kia cả ngàn tỷ đồng, sau đợt giảm và rút ra, chỉ còn vài trăm tỷ đồng, còn tài khoản 200 - 300 tỷ đồng thì giảm còn vài chục tỷ đồng, qua đó khiến thanh khoản thị trường giảm theo.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết, thanh khoản trên sàn HOSE trong tháng 6/2022 tiếp tục giảm, giá trị giao dịch bình quân thông qua giao dịch khớp lệnh đạt 13.071 tỷ đồng (giảm 4,7% so với tháng trước). Tuy nhiên, tốc độ suy giảm thanh khoản có dấu hiệu thu hẹp đáng kể so với con số -33,2% ở tháng trước đó. Điều này phản ánh đà bán tháo đã tạm ngưng, tuy nhiên tâm lý thị trường vẫn còn khá yếu.

Nếu tính từ đỉnh thị trường 1.528 điểm trong tháng 4/2022 đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã giảm 23% từ đỉnh. Giá trị khớp lệnh toàn thị trường (3 sàn) hiện chỉ ở mức 53.000 tỷ đồng/tuần, bằng 41% so với mức trung bình khoảng thời gian thị trường tạo đỉnh.

Theo quan sát của VDS, mức thanh khoản giảm đáng kể ở thời điểm hiện tại một phần đến từ việc giảm áp lực bán giải chấp và một số nhà đầu tư đã chấp nhận khoản lỗ và xem danh mục như một khoản đầu tư dài hạn. So sánh với quá khứ, mức điều chỉnh thanh khoản đến thời điểm hiện tại cũng đã thấp hơn so với mức điều chỉnh từ đỉnh hai đợt thị trường “gấu” (giảm) gần đây nhất của VN-Index trong các năm 2018 - 2019 và cuối năm 2019 đến giữa 2020 (giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19) lần lượt ở mức 43% và 78%.

Hành động thích ứng

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, điều hành Quỹ VESAF, VinaCapital kể, nhiều người hỏi mua được chưa, nhưng vào được 2 phiên là lỗ thì họ cũng không dám mua tiếp.

Bên cạnh đó, bà Phương ghi nhận, lãi suất ngân hàng có tăng nhẹ, nhiều ngân hàng cũng ra sản phẩm để thu hút dòng tiền ngắn hạn. Hiện các chi phí vốn của ngân hàng tăng lên, nhiều ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không cao nên họ đang tập trung cho chiến lược thu hút tiền ngắn hạn 3 - 6 tháng, với lãi suất nhỉnh hơn một chút.

“Nhà đầu tư đang không biết đầu tư vào đâu, bất động sản không mua được, chứng khoán thì rủi ro, các sản phẩm ngắn hạn của ngân hàng kể trên cũng là kênh hút tiền”, bà Phương nói.

Trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 11 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, thanh khoản nhìn chung đã thấp dần so với giai đoạn đầu năm cùng kỳ năm ngoái. Bởi khi thị trường đang rung lắc thì những nhịp hồi như hiện tại thanh khoản sẽ thấp hơn. Còn để thanh khoản quay trở lại thì thị trường về góc nhìn kỹ thuật thì phải quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. Ở góc nhìn kỹ thuật, ông Tâm đánh giá thị trường sẽ hút thanh khoản nhiều hơn khi VN-Index có thể vượt một số mốc kháng cự quan trọng hoặc vượt một số đường trung bình động như đường 20 ngày.

Vậy điểm tựa nào cho thị trường tháng 7 để có thể hút dòng tiền hơn? Ông Tâm cho rằng, nếu giao dịch dưới 1 tháng thì xếp tháng 7 vào trạng thái ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tập trung vào một bộ phận cổ phiếu nhóm ngành tài chính để có thể quan sát và lấy vị thế.

Nếu nhà đầu tư vẫn còn đang cầm cổ phiếu từ giai đoạn đỉnh thị trường 1.500 điểm thì không nên cắt lỗ nữa, vì biên độ hiện tại cũng đang rất âm rồi. Dựa trên câu chuyện này, ông Tâm khuyên nhà đầu tư nên tuân thủ các nguyên tắc dừng lỗ, khi cổ phiếu giảm từ 7 - 10% bắt buộc phải cắt lỗ.

Nói về cơ hội, đối với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn ông Tâm khuyến nghị tập trung vào những cổ phiếu khoẻ hơn thị trường. Còn đối với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn từ 2 - 3 năm nên tập trung vào cổ phiếu đang có định giá hấp dẫn, chẳng hạn một bộ phận cổ phiếu thuộc nhóm thép, tôn mạ, chứng khoán, hay một bộ phận cổ phiếu thuộc nhóm đầu ngành bán lẻ.

SSI Research cũng đánh giá, bên cạnh ngành bán lẻ còn những lĩnh vực có thể ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 như hoá chất, phân bón; ngành thuỷ sản hưởng lợi từ giá bán xuất khẩu ở mức cao; ngành logistics - nhóm ngành cảng và vận tải biển. Đó là những ngành sẽ có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, hai nhóm ngành có mức vốn hoá lớn nhất trên thị trường là nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng sẽ có xu hướng phân hoá. Tức là vẫn sẽ có những doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và cũng sẽ có những doanh nghiệp có trạng thái thận trọng đối với bức tranh kết quả kinh doanh.

Tin bài liên quan