Khu du lịch và giải trí Sông Lô là dự án đầy “tai tiếng” ở Khánh Hòa trong hàng chục năm qua.

Khu du lịch và giải trí Sông Lô là dự án đầy “tai tiếng” ở Khánh Hòa trong hàng chục năm qua.

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô: Ai đã chôn vùi những “bí ẩn”? (Bài 4): Phần chìm của “tảng băng”

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô cần phải tiếp tục được “mổ xẻ”, nếu không, sẽ chỉ thấy được “phần nổi” của “tảng băng chìm”.

Bài 4: Phần chìm của “tảng băng”

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô cần phải tiếp tục được “mổ xẻ”, nếu không, sẽ chỉ thấy được “phần nổi” của “tảng băng chìm”.

“Bí ẩn” của các tờ bản đồ

Tính pháp lý của các tờ bản đồ áp dụng cho Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tạo ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, vị trí, ranh giới khu đất của dự án này được xác định theo các tờ trích đo bản đồ địa chính khu đất (từ số 24, 25, 26, 27, 28, 29 đến số 30/2001/BĐ.ĐC) tỷ lệ 1/2.000, do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập ngày 30/1/2001.

Đến ngày 9/7/2007, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND, kèm theo tờ bản đồ ranh giới sử dụng đất Khu du lịch và giải trí Nha Trang, do Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập ngày 22/1/2007 (bản đồ này không có số hiệu), với nội dung: “Điều 1. Điều chỉnh ranh giới và diện tích đất tại Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo chỉ định sau…”.

Trường hợp bản đồ trích đo không dẫn chiếu trích đo từ tờ bản đồ địa chính nào và số thứ tự thửa đất trên bản đồ trích đo cũng không trùng với số thứ tự thửa đất ở bản đồ địa chính nền đang lưu tại UBND xã có khu vực trích đo, thì bản đồ trích đo đó có bị xem là không đúng quy định về đo đạc bản đồ không?

Với câu hỏi này của người dân, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời: “Theo quy định, trường hợp bản đồ trích đo không dẫn chiếu trích đo từ tờ bản đồ địa chính nào là không đúng theo quy định tại khoản 4, Phần 2, Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000 và 1/25.000 (ban hành kèm theo Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC, ngày 30/12/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính)”.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phản ứng ra sao?

Ngày 15/7/2022, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về hàng loạt nội dung mà Báo cáo số 541/BC-TTCP (ngày 20/4/2022) của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, như cấp đất ở không hình đơn vị ở; nhiều phân khu của Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô không được triển khai xây dựng; chủ đầu tư lấn biển, sử dụng đất lấn biển 10 năm qua chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Chỉ được thuê đất 50 năm, tại sao lại được sử dụng ổn định lâu dài.

- Ông Nguyễn Đình Hải, nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Phước Đồng

Ông Tuân không trả lời quan điểm xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề trên và nói: “Thanh tra Chính phủ đang làm”. Khi chúng tôi nhắc lại là, những vấn đề đó đã được nêu tại Báo cáo số 541 của Thanh tra Chính phủ, quan điểm xử lý, cũng như mong muốn của chính quyền tỉnh hiện nay như thế nào, thì ông Tuân đề nghị để lại câu hỏi cho Văn phòng UBND tỉnh.

“Khu du lịch và giải trí Sông Lô là dự án đầy “tai tiếng” mà tôi đã có ý kiến rất nhiều, đặc biệt là tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri. Các ý kiến của tôi dù được tiếp nhận, nhưng quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng chưa đi đến tận cùng. Theo tôi, vụ việc này chỉ được xử lý dứt điểm khi các bên cùng đặt cái chung lên hàng đầu.

Vì sao 2 quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu được chuyển mục đích đất sản xuất kinh doanh sang “đất ở không hình thành đơn vị ở” (không có trong quy định của Luật Đất đai - PV) không được nhắc đến trong Báo cáo số 541/BC-TTCP (ngày 20/4/2022) của Thanh tra Chính phủ.

Nhiều khuất tất cần tiếp tục làm rõ.

- Luật gia Nguyễn Công Phức, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia TP. Nha Trang

Đó là Quyết định số 1843 (ngày 9/7/2015) cho phép Công ty Hoàn Cầu được chuyển 254.714 m2 đất sản xuất, kinh doanh sang đất ở nông thôn để xây biệt thự (đất ở không hình thành đơn vị ở) và Quyết định số 2805 (ngày 7/11/2013) cho phép công ty này chuyển 85.426,6 m2 từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất ở (xây dựng biệt thự du lịch, không hình thành đơn vị ở).

Điều rất lạ ở đây là, việc cho phép chuyển đổi đất sản xuất, kinh doanh sang “đất ở không hình thành đơn vị ở” với diện tích “đặc biệt” lớn như trên lại có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài. Trong khi, theo Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 9/3/2001) của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Hoàn Cầu chỉ được thuê đất có thời hạn sử dụng 50 năm để thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô. Những dữ liệu này đặt ra câu hỏi: có gì “mờ ám” ở đây không?

Tôi không tán thành việc Thanh tra Chính phủ tại Báo cáo số 541/BC-TTCP (ngày 20/4/2022) cho rằng, Luật Đất đai năm 1993 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành không quy định về việc sau khi có quyết định thu hồi đất và cho thuê đất của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân có đất trong khu vực thu hồi. Bởi vì, Điều 21, Luật Đất đai (năm 1993) đã nêu rõ: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.

Việc UBND tỉnh Khánh Hòa trước đây cho Công ty Hoàn Cầu thuê đất với giá rẻ như cho (210 đồng/m2/năm), dù trước đây đã yêu cầu chủ đầu tư nộp thêm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức nộp hơn 9 tỷ đồng là quá thấp, gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

“Trong tổng diện tích đất mà UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Hoàn Cầu thuê có rất nhiều “chủng loại” đất khác nhau, nhưng tại sao UBND tỉnh Khánh Hòa lại không tính giá đất cho từng loại, mà áp dụng “tổng” cho tất cả các loại với giá chỉ 210 đồng/m2/năm? Việc này đến nay được xử lý ra sao, không thể chỉ yêu cầu Công ty Hoàn Cầu nộp thêm một khoản tiền thuê đất là xong.

Theo Mục 6, Phần I, Nhóm A của phụ lục Bảng phân loại dự án đầu tư theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, vốn của Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô là hơn 343 tỷ đồng (trên 75 tỷ đồng), nên dự án này được xác định là dự án nhóm A.

Đề xuất đưa vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

- Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Nghị định 52/1999/NĐ-CP quy định: “Đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, chủ đầu tư trực tiếp trình Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mới tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tiếp tục thăm dò, đàm phán, ký thỏa thuận giữa các đối tác tham gia đầu tư trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi’’.

Công ty Hoàn Cầu làm việc này chưa, trình cho ai, đã được chấp thuận chưa? Các quy định này nếu không được thực hiện, là có sự lạm quyền.

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô không có quyết định thu hồi đất của ai, mà vẫn thu hồi được đất của người dân là “làm bậy”. Điều 21, Luật Đất đai (năm 1993) quy định rõ: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.

Công ty Hoàn Cầu có địa chỉ tại TP. HCM (theo Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhưng sau đó, tại nhiều văn bản liên quan đến Dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa nêu là “Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang”, trong khi Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang chỉ là một chi nhánh. Việc lúc áp dụng pháp nhân này, khi áp dụng pháp nhân khác như vậy đã được làm rõ chưa?

Điều 10, Nghị định số 52/1999/NĐ-CP quy định, đối với dự án nhóm A, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư hoặc ủy quyền quyết định đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền chưa, hay tự ra quyết định đầu tư?

Mong muốn những khuất tất được sáng tỏ.

- Ông Nguyễn Văn Bình, người dân có đất trong vùng Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô

Tôi cho rằng, không thể có chuyện pháp luật quy định một đằng, cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra lại đi giải thích một nẻo. Kết luận phải dựa trên các căn cứ của pháp luật, không phải muốn kết luận sao cũng được”.

“Việc giao Thanh tra Chính phủ tiến hành “kiểm tra, rà soát” Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tốn nhiều thời gian, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của người dân.

Vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tiến hành thanh tra lại toàn bộ dự án này. Cần làm rõ kết quả, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 9/3/2001) của Thủ tướng Chính phủ; công khai quyết định phê duyệt và bản đồ quy hoạch chi tiết Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô; làm rõ quy hoạch có bao nhiêu héc-ta; có vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt không. Đồng thời, xem xét xử lý theo pháp luật cá nhân, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có sai phạm trong quá trình lập, phê duyệt, thực hiện dự án (nếu có). Trong trường hợp phát hiện sai phạm, có dấu hiệu tội phạm, chuyển cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật.

Tôi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Dân nguyện phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát đối với vụ việc liên quan đến dự án này.

Tôi cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét theo thẩm quyền, đưa vụ việc này vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo”.

“Đòi công bằng, công lý tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô trong 2 thập kỷ qua, chúng tôi thực sự sức cùng, lực kiệt. Khi chúng tôi đang kiến nghị xử lý, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô bất ngờ đổi tên thành Dự án Khu du lịch và giải trí Nha Trang. Dự án Khu du lịch và giải trí Nha Trang đến ngày 8/7/2011 mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu. Vậy, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô hoạt động từ năm 2001 - 2011 theo giấy chứng nhận đầu tư nào?

Chúng tôi mong muốn những khuất tất tại dự án này tiếp tục được làm sáng tỏ, đưa ra ánh sáng pháp luật. Những ai làm sai phải bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ”.

Tin bài liên quan