Dự báo giá dầu thế giới vượt mốc 180 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
Giới phân tích cho rằng, kịch bản giá dầu 180 USD/thùng sẽ xảy ra cùng với siêu lạm phát.
Sau khi OPEC+ quyết định vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, giá dầu thô của Mỹ và dầu thô Brent lần lượt phá đỉnh. Ảnh: AFP.

Sau khi OPEC+ quyết định vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, giá dầu thô của Mỹ và dầu thô Brent lần lượt phá đỉnh. Ảnh: AFP.

"Hiệu ứng rắn hổ mang" là có thật

Năm ngoái, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, các chính phủ ở khắp nơi đã công bố các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch.

Theo tổng hợp của chuyên trang năng lượng Oil Price, các chính phủ đã bơm 15.000 tỷ USD để kích thích kinh tế.

Mỹ nhanh chóng nhập cuộc chống đỡ tác động của Covid-19 bằng một loạt biện pháp kích thích kinh tế, từ việc bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào nền kinh tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, tăng trợ cấp thất nghiệp, đến triển khai một số chương trình tài trợ và cho vay mới cho doanh nghiệp.

Không lâu sau, những nhân vật có ảnh hưởng chính trị như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey của bang Pennsylvania bắt đầu cảnh báo về "giá tài sản tăng cao và dấu hiệu lạm phát" do mức độ bơm tiền vào nền kinh tế và sự hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã lên mức chưa từng có trong lịch sử.

Đáng báo động hơn, các chuyên gia kinh tế còn đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng hơn về nguy cơ "siêu lạm phát".

Năm ngoái, ông Lawrence 'Larry' McDonald, nhà sáng lập hệ thống báo cáo Bear Traps Report - một ấn phẩm đầu tư phát hành hàng tuần đi sâu phân tích tác động của rủi ro chính trị thế giới lên các ý tưởng đầu tư kinh doanh - đã cảnh báo về "hiệu ứng rắn hổ mang" (một giải pháp được đề ra nhằm giải quyết vấn đề lại khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, gây ra hậu quả không lường trước được).

Nghĩa là, những gói kích thích vốn được thiết kể để cứu nền kinh tế trước tác động của đại dịch, nhưng trên thực tế lại gây ra "siêu lạm phát" và hủy hoại kinh tế.

Thật vậy, lạm phát của Mỹ thời gian qua đã tăng nhanh chóng và hiện đang neo ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng gia tăng, trong khi nút thắt của các chuỗi cung ứng chưa được tháo gỡ, khiến giá cả hàng hóa tăng cao theo giá dầu.

Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2008.

Giá dầu và lạm phát là cặp song trùng?

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu (gọi tắt là OPEC+) hôm 4/10 đã nhất trí tiếp tục thực hiện thỏa thuận tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng ít nhất đến năm 2022.

Sau quyết định của OPEC+, giá dầu thô của Mỹ và giá dầu Brent lần lượt phá đỉnh giá. Trong phiên giao dịch 5/10, giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm tăng hơn 2% lên mức 79,48 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 7 năm qua. Tương tự, giá dầu Brent cũng khoan thủng đỉnh giá 3 năm qua khi đạt mốc 83,13 USD/thùng.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu giá dầu lập đỉnh có mối quan hệ cùng chiều với mức lạm phát kỷ lục như hiện nay không. Nhìn lại lịch sử, khi giá dầu leo thang, thì lạm phát thường bám theo.

Ngược lại, lạm phát có xu hướng giảm cùng với chiều giảm của giá dầu. Nguyên lý này được đúc kết từ thực tế rằng dầu mỏ là hàng hóa đầu vào chính của nền kinh tế Mỹ, và nếu chi phí đầu vào tăng cao, thì ắt hẳn giá thành sản phẩm cuối cùng cũng tăng theo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã tìm cách xoa dịu lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của Mỹ và phá hoại kế hoạch chi tiêu 4.000 tỷ USD của ông. Lo ngại xuất hiện sau khi lạm phát của Mỹ vẫn tăng vọt ngay cả khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi sau các đợt đóng cửa do Covid-19.

Lạm phát gia tăng chủ yếu do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ vượt quá khả năng cung ứng của doanh nghiệp, do nguồn cung và chuỗi cung ứng đều đang mắc kẹt vì Covid-19, cản trở sự phục hồi của các ngành công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực bán dẫn và năng lượng mặt trời.

Các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Mỹ cùng với mức tiết kiệm của người dân tăng mạnh, càng đẩy lạm phát của nước này đi lên.

Phe Cộng hòa đã sớm nhận ra xu hướng lạm phát đáng báo động và lên tiếng phản đối các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden.

Giờ đây, chính quyền Mỹ có lẽ sẽ cảm thấy lo lắng khi giá dầu và giá xăng cùng tăng cao không chỉ bởi vai trò lịch sử của dầu mỏ trong việc điều chỉnh xu hướng lạm phát mà còn bởi rủi ro mà chúng gây ra cho tham vọng chính trị trong tương lai của Tổng thống Biden.

Một thực tế ai cũng biết là giá xăng có tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Giá xăng ở Mỹ hiện đang ở mức trung bình 3,20 USD/gallon. Mặc dù chỉ nhỉnh hơn khoảng 25 xu so với mức trung bình trong 10 năm qua, nhưng mức giá này đang cao hơn hẳn 1 USD so với năm ngoái.

Mặt khác, lịch sử cũng chứng kiến tương quan lạm phát và dầu mỏ có lúc suy yếu, đơn cử như giai đoạn những năm 1980. Vào những năm 1990 và cuộc khủng hoảng dầu mỏ thời Chiến tranh Vùng Vịnh, lạm phát vẫn ổn định trong khi giá dầu thô tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng lên khoảng 30 USD/thùng, từ mức 14 USD.

Sự tách biệt giữa lạm phát và giá dầu trở nên rõ ràng hơn trong giai đoạn 1999 - 2005 khi giá dầu danh nghĩa trung bình hàng năm nhảy từ mốc 16,50 USD/thùng lên 50 USD/thùng, trong khi chỉ số CPI của Mỹ tăng với biên độ nhỏ hơn nhiều lên 196,80 vào tháng 12/2005, từ mức 164,30 ghi nhận vào tháng 1/1999.

Tương quan giá giữa dầu thô và xăng cũng đã thay đổi khá nhiều trong những năm qua, nhưng theo hướng không có lợi cho người tiêu dùng. Hầu hết các bang tại Mỹ đều tăng thuế xăng, trong khi các nhà máy lọc dầu phải đối mặt với các quy định mới làm tăng thêm chi phí và tình trạng thiếu tài xế xe bồn.

Vậy lạm phát tại giá dầu?

Từ phân tích trên cho thấy, "mối quan hệ nhân quả" giữa giá dầu và lạm phát không hoàn toàn dễ cắt nghĩa. Một số chuyên gia thậm chí còn đưa ra lập luận hơi vòng vo rằng lạm phát tăng cao và đồng đô la Mỹ suy yếu sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn chứ không có chiều ngược lại.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn năng lượng Opportune LLP, nền kinh tế Mỹ đang di chuyển tới ngưỡng siêu lạm phát do đại dịch. Các chuyên gia Opportune LLP lý giải mức nới lỏng định lượng (QE) trước kia thường mất 5 năm để đạt được, nhưng nay đã được nhân đôi trong vòng chưa đầy 1 năm. Họ cho rằng với đà mở rộng cung tiền nhanh chóng như vậy, thì hiện chỉ đợi câu trả lời bao giờ siêu lạm phát sẽ đến.

Mô hình dự đoán trên của các chuyên gia Opportune LLP được dựa trên kịch bản giá dầu WTI ở ngưỡng 90 USD/thùng, cao hơn khoảng 16% so với giá dầu hiện tại. Nhưng với kiểu chi tiêu vô độ của chính phủ Mỹ như thời gian qua, các chuyên gia Opportune LLP cho rằng đồng đô la Mỹ sẽ bị phá giá mạnh, đẩy giá dầu WTI lên mức 180 USD/thùng vào cuối năm 2022.

Patrick De Haan, nhà phân tích thị trường xăng dầu của Công ty công nghệ nhiên liệu GasBuddy dự đoán, giá dầu ở ngưỡng 100 USD/thùng có thể đẩy giá xăng tiến sát 4 USD/gallon - ngưỡng giá được coi là nỗi đau hằn sâu của cánh tài xế Mỹ. Giá xăng từng đạt mức cao nhất lịch sử 4,17 USD/gallon sau khi giá dầu chạm mốc 145 USD/thùng vào mùa hè năm 2008.

Còn các nhà phân tích của Công ty quản lý đầu tư Pimco cho rằng chính phủ Mỹ vẫn có quyền lựa chọn là bán ra lượng dầu dự trữ chiến lược của mình nếu đà tăng giá dầu không có dấu hiệu hạ nhiệt và nếu OPEC+ hay thậm chí các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ không thể khống chế được tình hình.

Tin bài liên quan