Ước tính 800.000 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất

Ước tính 800.000 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất

Đủ công cụ để gói hỗ trợ lãi suất đi đúng hướng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các bộ ngành, địa phương… để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất hiệu quả, đúng mục tiêu, mục đích.

“Cho vay nào chẳng đầy rủi ro”

Thời điểm này, khi ngành ngân hàng bắt tay vào triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với quy mô 40.000 tỷ đồng, giới đầu tư có sự liên tưởng nhất định tới gói hỗ trợ lãi suất 4% được triển khai vào năm 2009. Có ý kiến e ngại rủi ro sẽ phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ, chẳng hạn như nhân viên ngân hàng cố tình giả mạo hồ sơ, giấy tờ để cho vay không đúng đối tượng nhằm tìm kiếm lợi ích cho cá nhân, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho ngân hàng cũng như không thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2009 - 2011.

Đem câu chuyện này tới Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng thì ông Hùng cho rằng, “không chỉ riêng chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, mà tất cả các hoạt động cho vay của ngân hàng đều có những rủi ro”.

Theo ông Hùng, Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định có 26 loại hình đối tượng được hỗ trợ lãi suất, trong đó quy định chi tiết nhiều đối tượng, nhưng các ngân hàng rất sợ áp dụng sai vì đó là rủi ro, nhưng nếu từ chối thì có thể dẫn đến những phức tạp khác.

“Nhất là những trường hợp đối tượng gần giống với quy định mà không thể cho vay và việc này có thể tạo phản ứng trong dư luận xã hội”, ông Hùng nói.

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối thừa nhận, trong hoạt động tín dụng, đâu đó cũng có những rủi ro liên quan đến đạo đức của nhân viên ngân hàng. Không ít lần ông rơi vào tình huống “bên trên” điện thoại nhắn nhủ “đây là người nhà anh, em xem ưu tiên hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giải ngân nhanh…” và trong những tình huống này, “cho vay cũng chết, không cho vay cũng chết”.

Cũng theo vị giám đốc chi nhánh, các quy định trong hệ thống ngân hàng đủ chặt chẽ để đảm bảo việc cho vay an toàn một cách tối đa. Nếu chiểu theo quy định thì số lượng doanh nghiệp được vay rất ít và nếu được vay thì lượng vốn cũng không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của doanh nghiệp.

Lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối cũng chia sẻ quan điểm: “Cho vay bình thường cũng đầy rủi ro, chứ chưa nói đến việc hỗ trợ lãi suất 2% là một đòn bẩy tài chính nên sẽ còn nhiều rủi ro, mà chính các ngân hàng có thể chưa lường hết”.

Để gói hỗ trợ đúng mục tiêu, mục đích

Nếu bị phát hiện vốn được hỗ trợ lãi suất sử dụng sai mục đích, người vay phải trả lại số tiền đã được cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại cho vay phải có trách nhiệm thu hồi khoản hỗ trợ sai đối tượng.

Các ngân hàng đang thể hiện quyết tâm rất cao, cam kết triển khai đồng bộ và hiệu quả gói hỗ trợ, đặc biệt là nhóm Big4 - 4 ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022 - 2023 sẽ chiếm khoảng 30% dư nợ của Ngân hàng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank thì thông tin, hiện tại, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt trên 1 triệu tỷ đồng; trong đó, các đối tượng được thụ hưởng của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ, với số lượng khách hàng là hơn 30.000.

“Ngân hàng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan để thống nhất các quy trình nội bộ, truyền thông… nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, không trục lợi chính sách. Vietcombank cam kết thực hiện tốt và toàn diện gói chính sách ưu đãi này”, ông Cường nói.

Tại BIDV, theo ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng, qua rà soát, có hơn 10.000 khách hàng hiện hữu đáp ứng đầy đủ điều kiện, khoảng 200.000 khoản vay đáp ứng tiêu chí của gói hỗ trợ lãi suất. Ban lãnh đạo Ngân hàng đang chỉ đạo tập trung rà soát toàn hệ thống, để xác định chính xác và đầy đủ số lượng khách hàng, khoản vay trong cả hai năm.

“BIDV sẽ tổ chức công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, chủ động đối với việc hỗ trợ lãi suất; đảm bảo chương trình hỗ trợ lãi suất trên nguyên tắc công khai minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng”, lãnh đạo BIDV cam kết.

Trong khi đó, tại Agribank, Phó tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng cho biết, ngày 20/5/2022, ngay khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN được ban hành, Ngân hàng đã ban hành quy định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và hướng dẫn hạch toán kế toán.

Theo đó, Ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023. Agribank sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được Ngân hàng Nhà nước thông báo, tuỳ theo thời điểm nào đến trước.

Trong khối ngân hàng cổ phần tư nhân, ACB cho biết, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng này đã đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 2.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô tín dụng 100.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm.

Để gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai hiệu quả, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu kỹ các ngành và tiểu ngành của các ngành theo Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với nhóm ngành)/Bộ Xây dựng (đối với nhóm nhà ở) để được giải đáp.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, gói hỗ trợ lãi suất lần này là dùng vốn ngân sách nhà nước nên quy trình sử dụng vốn rất chặt chẽ theo đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Khách hàng phải sử dụng vốn được hỗ trợ lãi suất đúng những lĩnh vực mà Chính phủ quy định. Các ngân hàng thương mại cho vay cũng có trách nhiệm giám sát, theo dõi mục đích sử dụng vốn vay. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập tổ giám sát hoạt động này.

Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành, tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp các bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương… để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đúng hiệu quả, mục tiêu, mục đích. Nếu bị phát hiện vốn được hỗ trợ lãi suất sử dụng sai mục đích, người vay phải trả lại số tiền đã được cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại cho vay phải có trách nhiệm thu hồi khoản hỗ trợ sai đối tượng và ngân sách cũng không quyết toán với những trường hợp này.

“Như vậy mới đảm bảo mục tiêu gói hỗ trợ lãi suất 2% được tới đúng đối tượng, minh bạch, rõ ràng, không để trục lợi chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, khôi phục nền kinh tế”, ông Tú khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Thực tế tại Quảng Bình, nhiều chủ cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng để tu sửa cơ sở vật chất đón khách, dù nhu cầu du lịch hiện nay đang phục hồi tốt. Nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng dù có quy định, ngân hàng cũng không dám cho vay khi hộ kinh doanh không có tài sản thế chấp.

Tin bài liên quan