Từ đầu tháng 5, các ngân hàng đã có động thái tăng nhẹ lãi suất huy động

Từ đầu tháng 5, các ngân hàng đã có động thái tăng nhẹ lãi suất huy động

Gói hỗ trợ lãi suất và sức ép thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vẫn hấp dẫn, các ngân hàng đang nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi nhằm phục vụ nhu cầu tín dụng tăng cao.

Sức ép từ cân đối nguồn vốn - cho vay

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đối tượng được hưởng lãi suất hỗ trợ phải thuộc 1 trong 2 trường hợp: có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành được ấn định, hoặc có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Nghị định có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng và mức hỗ trợ là 2%/năm.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, với việc Nghị định 31/2022/NĐ-CP được ban hành, ước tính, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đủ điều kiện sẽ được hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng các khoản vay với lãi suất thấp từ nay đến hết năm 2023. Nghị định này cũng là chất xúc tác giúp tín dụng của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được kích hoạt.

“Do đó, lãi suất sẽ khó có khả năng giảm sâu hơn mặt bằng hiện tại, thậm chí có thể sẽ nhích tăng để hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đồng quan điểm: “Tín dụng dự báo tăng cao trong năm 2022, đòi hỏi các tổ chức tín dụng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi”.

Thực tế, ngay từ cuối quý I/2022, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết “room” tín dụng được cấp cho cả năm, như MB đạt 14,8% (năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 25%).

Tương tự, 3 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại VPBank đạt 10,3%, ACB đạt mức 8% so với đầu năm 2022 và Techcombank đạt 7,9%. Tính đến ngày 29/4/2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 8,8% so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại TP.HCM cho biết: “Hầu như các ngân hàng hiện giờ đã kịch trần room tăng trưởng tín dụng. Khoảng tháng 6 và tháng 7 tới, sẽ có đợt điều chỉnh room và các ngân hàng đều đang đợi đợt này”.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 27/5/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không chia sẻ số liệu về huy động vốn, nhưng giới phân tích ước tính tăng trưởng huy động chỉ đạt khoảng 4,5%. Do vậy, áp lực tăng lãi suất huy động của ngành ngân hàng ngày càng rõ ràng.

Thực tế, ngay từ đầu tháng 5, các ngân hàng đã có động thái tăng nhẹ lãi suất. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy của SHB đã tăng 0,4%/năm lên mức 6,5 - 6,6%/năm. Tương tự, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng từ 5,7 - 5,8%/năm lên 6,1 - 6,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 6,7%/năm với kỳ hạn 36 tháng trở lên, tăng 0,35%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3% lên 6,4%/năm.

Tại MB, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng từ 0,15 - 0,24%/năm, tùy từng kỳ hạn. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng thêm 0,15%/năm, niêm yết ở mức 4,44%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm, niêm yết ở mức 5,39%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm, với lãi suất niêm yết là 5,75%/năm.

Eximbank vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại quầy, cao nhất là 6%/năm khi gửi từ 15 tháng trở lên. Nhưng đối với hình thức gửi online, lãi suất cao nhất tăng lên 6,5%/năm, tăng khoảng 0,2%/năm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 15 tháng trở lên. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi online tại Eximbank đã tăng từ 0,2 - 0,5%/năm.

Cạnh tranh thu hút dòng tiền với các kênh đầu tư khác

Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn bơm tiền qua kênh thị trường mở (OMO) với mức chào sẵn sàng 10.000 tỷ đồng mỗi ngày, động thái này của cơ quan điều hành đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm bớt căng thẳng. Lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh từ gần 2%/năm tiến về sát mốc 1%/năm, vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh́, với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023, dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022.

Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ phối hợp với chính sách tài khoá nhằm thực hiện thành công chương trình hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023) và chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm trong 2 năm. Lãi suất điều hành dự báo vẫn được giữ nguyên trong năm 2022 do dư địa giảm không còn nhiều, trong khi áp lực lạm phát tăng mạnh trong năm 2022.

Cũng theo ông Lực, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất huy động (gồm cả lãi suất liên ngân hàng) sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... vẫn khá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi và xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm kiểm soát lạm phát. Bối cảnh như vậy sẽ khiến chênh lệch lãi suất biên ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng sẽ thấp hơn 2 năm qua.

“Tín dụng được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022, đặc biệt là trong quý II và IV, dự kiến ở mức 14 - 15% (tính cả các gói tín dụng từ Chương trình phục hồi). Tín dụng tăng đến từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cung, các tổ chức tín dụng với năng lực tài chính tăng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tích cực sẽ được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2021. Về phía cầu, nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên”, TS. Lực nhận định.

Để Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được triển khai theo đúng mục tiêu, nguyên tắc, tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.

- Thứ hai, ban hành văn bản nội bộ để hướng dẫn các chi nhánh thống nhất thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-Ngân hàng Nhà nước, đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để theo dõi, giám sát việc thực hiện hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng.

- Thứ ba, tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước trong toàn hệ thống.

- Thứ tư, đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 -2023 và từng năm theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Văn bản số 3442/NHNN-TD ngày 24/5/2022 để Ngân hàng Nhà nước sớm tổng hợp, đăng ký kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch hỗ trợ lãi suất.

- Thứ năm, chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/TT-NHNN.

- Thứ sáu, đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách.

- Thứ bảy, bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

- Thứ tám, chủ động xử lý khó khăn và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh về các vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

- Thứ chín, đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.

Tin bài liên quan