Ông Lâm Minh Chánh

Ông Lâm Minh Chánh

Dự đoán VN-Index theo bài toán xác suất

LTS: Chỉ số VN-Index sắp tới sẽ ra sao là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm và cố gắng tìm câu trả lời, dù mọi câu trả lời đều chỉ có tính tương đối. Với mong muốn góp một góc nhìn, trong số báo đặc biệt này, ĐTCK xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Lâm Minh Chánh, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sỹ quản trị kinh doanh, Viện Công nghệ châu Á (AIT), với đề tài về TTCK Việt Nam.

Theo nhận định của cá nhân tôi, từ nay đến tháng 6/2007, có 4 kịch bản cho chỉ số VN-Index:
Kịch bản 1: VN-Index tăng trở lại và lên đến mức 1.200 điểm;
Kịch bản 2: VN-Index giằng co, dao động chung quanh mức 1.000 điểm;
Kịch bản 3: VN-Index giảm dần và sau đó lên xuống dao động quanh mức 900 điểm;
Kịch bản 4: VN-Index giảm mạnh đến mức 700- 750 điểm.

Nhìn tổng quan, VN-Idex đã phát triển quá nóng từ mức 521,3 điểm vào 1/11/2006 lên đến hơn 1.100 điểm vào tháng 2 và 3/2007. Đây là sự tăng trưởng quá nóng. Giả sử có một công ty nào đó là tập đoàn mẹ của tất cả các công ty niêm yết trên sàn thì giá trị nội tại của tập đoàn này không thể nào tăng trưởng đến mức phi mã như vậy. Nếu theo quy luật của thị trường thì sau khi tăng mạnh, giá thị trường của tập đoàn phải giảm để gần hơn với giá trị nội tại của mình.  
Nếu dùng phương pháp phân tích kỹ thuật (tức nghiên cứu xu hướng đồ thị giá, khối lượng giao dịch, tỷ số giữa lượng giao dịch và số cổ phiếu hiện có, sự tương tác giữa giá và khối luợng giao dịch, cũng như những “thông tin tác động” khác), thì khoảng 2/3 số công ty trên sàn đang có đồ thị giá theo xu hướng giảm giá. Phương pháp phân tích cơ bản (tức phân tích tình hình chung của Việt Nam, tình hình ngành, tình hình hoạt động công ty và đặc biệt là các chỉ số tài chính của công ty), theo tôi tiến hành, cũng cho kết quả tương tự. Hơn 70% số công ty trên sàn đang có giá vượt quá giá trị nội tại.
Theo những phân tích trên, mặc dù là người hết sức lạc quan, tôi cũng chỉ dám dự đoán 5% xác suất xảy ra kịch bản 1: VN-Index tăng trở lại và lên đến mức 1.200 điểm. Vậy bao nhiêu phần trăm dành cho kịch bản 2 - VN-Index bình ổn, dao động xung quanh mức 1.000 điểm? Đậy  là một kịch bản đẹp. 1.000 điểm là mức điểm tâm lý của rất nhiều nhà đầu tư. Tuy vậy, theo những phân tích trên, kịch bản này cũng không dễ xảy ra. Tôi dự đoán xác suất xảy ra là 25%.
Như vậy còn lại 70% cho hai kịch bản cuối. Kịch bản 4: VN-Index giảm mạnh đến mức 700- 750 điểm. Đây là một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra. Ngoài những lý do cơ bản nói trên, còn có hiệu ứng gọi là “overreactions” (phản ứng nghịch lại thái quá của thị trường) góp phần vào dự đoán này. Sự vận hành của các TTCK cho thấy rằng, các nhà đầu tư sẽ phản ứng khi nhận thông tin mới (reaction) và sau đó sẽ phản ứng nghịch (overreaction) lại khi cảm nhận mình và đám đông đã hưởng ứng thái quá với thông tin trên. Thường thì phản ứng nghịch sẽ mạnh mẽ hơn phản ứng thuận trước đó. Tức là nếu tăng giá đi trước thì giảm giá - phản ứng nghịch sẽ sâu hơn. Hay nói theo ngôn ngữ tâm lý thì sự lạc quan và kỳ vọng lợi nhuận và cao  hơn nữa là lòng tham của các nhà đầu tư ngắn hạn, đã đẩy giá cổ phiếu lên đến đỉnh điểm. Sau đó là sự cảnh báo, sự nhận biết về giá trị nội tại, sự bi quan và cao hơn hết là sự sợ hãi sẽ đẩy giá xuống sâu, thậm chí đôi khi còn thấp hơn hơn mức xuất phát, nhất là khi những nhà đầu tư ngắn hạn không chỉ sợ hãi mất những gì họ đang sở hữu, mà sợ mất cả những gì họ vay mượn. Sau khi đã phân tích kỹ, nếu đánh giá hoàn toàn khách quan, tôi dự đoán xác suất xảy ra của kịch bản 4 là 30%. Nhưng vốn là người nghiêng về tình cảm và với mong muốn TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, vững chắc, tôi giảm đi xác suất của kịch bản 4 còn 20%.
Như vậy kịch bản 3: VN-Index giảm dần và sau đó lên xuống dao động quanh mức 900 điểm, theo tôi, có xác suất cao nhất. Những điểm ủng hộ kịch bản này gồm có:
(1)    Phần lớn các nhà đầu tư/kinh doanh đã trở nên bản lĩnh hơn, hoặc là họ đã cắt lỗ nhanh trước đó khi giá cổ phiếu đi xuống; hoặc là họ sẵn sàng giữ những cổ phiếu (tốt) họ có trong tay.
(2)    Nhiều nhà đầu tư/kinh doanh đã tính được giá trị nội tại và xác định được những cổ phiếu tốt để giữ. Những cổ phiếu có giá trị nội tại cao hơn thị giá, những cổ phiếu có sức tăng trưởng, những cổ phiếu có hiệu ứng hàng hiệu, tuy không chiếm vị trí đa số, nhưng sẽ tăng hay giữ giá và tạo ra hiệu ứng “ăn theo” của các cổ phiếu khác.
(3)    Sự chống đỡ, cứu thị giá của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức và quan trọng hơn, là nhà đầu tư khổng lồ (Nhà nước), bằng các biện pháp thị trường (không cần và cũng không nên dùng đến biện pháp hành chính) cũng có thể góp phần chống đỡ khuynh hướng giá xuống.
(4)    Việt Nam cũng như các thị trường khác vẫn và sẽ chấp nhận  một sự khác biệt vừa phải giữa giá trị nội tại và thị giá. Giá đôi khi giảm chậm lại một nhịp để đợi giá trị nội tại vượt theo. Vì vậy, theo tôi, có khả năng 40% kịch bản 3 sẽ xảy ra. Cộng thêm ý muốn chủ quan của tôi, xác suất của kịch bản này là 50%.

Tóm lại, theo tôi, xác suất xảy ra của 4 kịch bản trong tương lai gần, 2 tháng, như sau:
5%  cho kịch bản 1: VN-Index tăng trở lại và lên đến mức 1.200 điểm;
25% cho kịch bản 2: VN-Index giằng co, dao động chung quanh mức 1.000 điểm;
50% cho kịch bản 3: VN-Index giảm dần và sau đó dao động quanh mức 900 điểm;
20% cho kịch bản 4: VN-Index giảm mạnh đến mức 700- 750 điểm.

Tuy vậy, trong thực tế, dù xác suất nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ, sau 10 lần ra chẵn thì xác suất ra chẵn lần nữa sẽ rất khó nhưng không có nghĩa sẽ không thể xảy ra. Thay cho lời kết, tôi xin gửi đến các nhà đầu tư một câu nói của nhà đầu tư tài chính thành công bậc nhất trên thế giới, Warren Buffet: “Để làm giàu, hãy sợ hãi khi người khác tham lam. Hãy tham lam khi người khác sợ hãi” và lời nhắn nhủ của tôi, với tư cách một nhà quan sát, một nhà nghiên cứu: “Xin các nhà đầu tư/kinh doanh hãy chú ý nhiều hơn đến 3 nhóm cổ phiếu: những cổ phiếu có giá trị thật nhỏ hơn giá thị trường, những cổ phiếu tăng trưởng cao, những cổ phiếu có hiệu ứng hàng hiệu. Đó là những cổ phiếu sẽ làm giàu cho bạn khi người khác sợ hãi”.