Đừng để ghi danh thu tiền thật

Đừng để ghi danh thu tiền thật

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Luật Doanh nghiệp sửa đổi phải quy định chặt chẽ việc góp vốn vào công ty cổ phần để tránh tình trạng “tay không bắt giặc”.

Thưa ông, Luật Doanh nghiệp hiện hành có quy định về việc góp vốn điều lệ của cổ đông sáng lập?

Theo quy định hiện hành, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký, thì số cổ phần này phải được chào bán và bán hết trong vòng 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Có nghĩa là, trong vòng 3 năm đầu hoạt động, doanh nghiệp sẽ không đủ vốn điều lệ như đã đăng ký nếu như không bán được số cổ phần bị “dội chợ” này. Sau 3 năm, nếu số “cổ phần ế” vẫn không bán được hết, thì doanh nghiệp mãi mãi bị thiếu vốn điều lệ như đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Và hệ quả là gì, thưa ông?

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, phần chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Ví dụ, các thành viên sáng lập một công ty cổ phần đăng ký vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng thực tế họ chỉ góp (thanh toán tiền mua cổ phần) được 10 tỷ đồng. Để hoạt động, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng 10 tỷ đồng, thì chi phí lãi tiền vay 10 tỷ đồng này không được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, do chưa đủ vốn điều lệ so với đăng ký.

Trường hợp như vậy không chỉ khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên, mà còn tạo điều kiện để không ít người “tay không bắt giặc”, thậm chí thành lập doanh nghiệp không phải để kinh doanh, mà nhằm trục lợi các chính sách thuế, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Tình trạng “tay không bắt giặc” không chỉ diễn ra ở khu vực kinh tế tư nhân, mà còn diễn ra với cả khu vực kinh tế nhà nước, thậm chí cả với tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đơn cử, có doanh nghiệp thành viên của Vinashin (cũ) được tập đoàn này cam kết góp vốn với tỷ lệ rất lớn, nhưng sau nhiều năm hoạt động, Vinashin không góp đồng nào, toàn bộ vốn hoạt động phải đi vay và phần chi phí lãi vay đối với số vốn điều lệ còn thiếu do Vinashin không góp không được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo ông, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần tới có giải quyết được vấn đề này không?

Mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề vốn điều lệ của công ty cổ phần. Cụ thể, theo quy định của Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập phải thanh toán toàn bộ tiền mua cổ phần đã đăng ký. Nếu cổ đông sáng lập không mua toàn bộ số cổ phần đã đăng ký, thì doanh nghiệp được điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn mà các cổ đông đã thực góp và thay đổi cổ đông sáng lập. Việc này sẽ chấm dứt tình trạng “tay không bắt giặc”.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn chấm dứt cả tình trạng nhiều người tiềm lực tài chính có hạn, nhưng cứ thấy có cơ hội là tham gia thành lập công ty cổ phần và khi thấy cơ hội thu lợi không được như dự kiến thì bỏ luôn hoặc chỉ đóng góp một phần nhỏ so với số tiền đã cam kết mua cổ phần. Lý do là, Dự thảo có quy định, cổ đông chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đầy đủ số tiền đã cam kết vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày phải thanh toán đầy đủ số tiến đã đăng ký mua cổ phần.

Quy định như vậy sẽ giải quyết được vấn đề liên quan đến vốn điều lệ của công ty cổ phần. Vậy vì sao ông cho rằng, mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề này?

Pháp luật cho phép người dân được quyền tự do kinh doanh. Trong kinh doanh, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, khi thuận lợi, công ty cổ phần phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành ra bên ngoài để tăng vốn điều lệ, mở rộng hoạt động. Vậy thì khi gặp khó khăn, công ty cổ phần cũng có quyền giảm vốn điều lệ để thu hẹp hoạt động.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa có điều khoản nào quy định về trình tự, thủ tục giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần. Do vậy, tôi sẽ kiến nghị bổ sung vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi một số điều khoản liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần.

Tin bài liên quan