Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, với chính sách thuế quan như Mỹ công bố, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu sẽ có lợi thế.
Theo ông Tùng, hiện nay doanh nghiệp như TCM mới nhận được thông tin Mỹ dự kiến áp thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và áp thuế 40% với hàng hóa trung chuyển từ Việt Nam, chưa có thông tin cụ thể đối với hàng hóa sản phẩm dệt may. Với mức thuế này, TCM nhận thấy đây là thông tin tốt cho ngành dệt may, nằm trong dự báo của ngành.
![]() |
Các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu sẽ có lợi thế |
“Có hai điểm cần chú ý với cách tính thuế của Mỹ sẽ áp. Điểm tốt dành cho những doanh nghiệp dệt may có nguồn nguyên liệu đầu vào chủ động như TCM và điểm khó đối với những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước thứ ba và may thành phẩm xuất đi. Hiện những sản phẩm trung chuyển (nhập về dán mác xuất đi) có mức áp thuế 40%, còn những sản phẩm có tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu lớn có mức áp thuế như nào chưa rõ. Đây vẫn là một câu chuyện khó, mọi diễn biến tiếp theo thế nào chúng tôi vẫn cần theo dõi chặt chẽ”, Chủ tịch TCM chia sẻ.
Theo lãnh đạo TCM, Công ty sẽ hưởng lợi khi nhu cầu mua vải nguyên liệu trong nước tăng lên. TCM có bán vải, sợi và khẳng định có đủ năng lực để sản xuất phục vụ nhu cầu chuyển dịch này.
Trong khi đó, là doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) nhận định, hàng có xuất xứ từ Việt Nam càng cao thì thuế càng nhẹ. Tôm cá nuôi và đánh bắt của FMC gần như có xuất xứ Việt Nam tuyệt đối, qua đó hy vọng thuế sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn trong tâm thế chờ đợi thông tin về mức thuế áp chính thức đối với tôm xuất khẩu vào Mỹ.
![]() |
Các doanh nghiệp thủy sản có nguồn nguyên liệu trong nước như FMC sẽ có nhiều lợi thế |
Ngoài ra, theo FMC, Công ty còn có mối quan tâm về diễn biến thuế chống bán phá giá (AD) ở kỳ xem xét hành chính thứ 19 (POR19). Theo lịch trình, tháng 8 tới phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cử người qua thẩm tra hồ sơ các doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc. Qua đó, doanh nghiệp bị đơn bắt buộc có cơ hội giải trình tường tận hơn để hy vọng ở phán quyết thuế cuối cùng cho POR19 diễn ra trong tháng 12 tới sẽ có mức thuế thấp nhất. Nếu mức thuế thấp nhất, FMC sẽ hồi thu tiền trích dự phòng ở năm 2023, tăng lãi. Chiều ngược lại, còn tùy thuộc mức thuế cụ thể… Cũng tháng 12 tới, vụ kiện chống trợ cấp (CVD) sẽ có POR1 và FMC sẽ là một trong hai bị đơn bắt buộc.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, FMC cho biết,sản lượng thành phẩm, sản lượng tiêu thụ và doanh số đều có mức tăng trưởng cao. Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng khoảng 170 tỷ đồng. Con số có thể cao hơn, do vừa qua tập trung xuất hàng qua Mỹ nhằm tránh hạn định thuế cao.
Theo FMC, mối quan tâm nội tại là tình hình nuôi tôm của Công ty nhằm cải thiện giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng sức cạnh tranh. Công ty luôn cải tiến quy trình nuôi riêng phù hợp đồng đất của mình, sẽ tính toán lại mùa vụ để hy vọng tăng hiệu quả tốt hơn. FMC cũng đang nỗ lực chủ động trong việc tham gia một số mắt xích chuỗi giá trị con tôm. Công ty cho biết, hiện nay vùng nuôi FMC đang thu hoạch, luôn đủ nguyên liệu cho chế biến.
“Với diễn biến hiện nay, xem xét hết các yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nếu mức thuế nhập khẩu tôm vào Mỹ như dự kiến, FMC sẽ hoàn thành tốt tất cả chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong tình huống có bất thường ở mức thuế của POR19 thì sự giảm sút lợi nhuận của FMC cũng không lớn, do có trích dự phòng. Tình huống không hay này, nếu xảy ra, thì FMC sẽ có đối sách cho thị trường nói trên và cơ bản trên tiến trình triển khai phương án dự phòng rủi ro này. Nhìn chung, việc chú trọng quản trị rủi ro ở FMC là khá ổn”, FMC thông tin.
“Vì sự phát triển ổn định, bền vững của ngành, các doanh nghiệp cần giảm thiểu tối đa rủi ro trong hoạt động, không tiếp tay “chuyển dịch” hàng hóa từ nước thứ ba vào thị trường Hoa Kỳ. Bởi điều này có thể ảnh hưởng tới cả chuỗi giá trị ngành hàng nếu phía Hoa Kỳ phát hiện, trừng phạt”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực gỗ xuất khẩu, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ đang nóng lòng chờ thông tin chính thức về mức thuế. Hiện nay sản lượng gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 50% tổng sản lượng gỗ xuất khẩu của cả nước, chủ yếu là gỗ nội ngoại thất tinh chế. Doanh nghiệp mong muốn sớm có mức thuế quan cụ thể để có kịch bản ứng phó.