Fed siết chính sách "mềm mại" như dự đoán, giới đầu tư hưởng ứng tích cực

Fed siết chính sách "mềm mại" như dự đoán, giới đầu tư hưởng ứng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đảo chiều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/12) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào tháng 3 và dự diến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022.

Sau cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) cho biết, sẽ giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng với tốc độ nhanh hơn so với mức 15 tỷ USD đưa ra vào tháng 11 và sẽ nâng mức giảm lên 30 tỷ USD trong tháng 12 này. Từ tháng 1/2022, Fed chỉ mua 60 tỷ USD tài sản mỗi tháng, bằng một nửa so với mức mua tài sản 120 tỷ USD trước đây.

Fed đã mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng kể từ tháng 3/2020 nhằm giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp và thị trường tín dụng lưu thông. Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào khoảng tháng 3, Fed kỳ vọng sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng cho thấy kỳ vọng nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, 2 lần trong năm 2023 và 2 lần nữa trong năm 2024.

Các quan chức của Fed đều nhất trí thông qua mức điều chỉnh. Tuyên bố sau cuộc họp cũng ghi nhận tác động từ lạm phát.

“Sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch và tái mở nền kinh tế thúc đẩy lạm phát tăng không ngừng”, tuyên bố của FOMC nhấn mạnh.

FOMC nâng triển vọng lạm phát cho năm 2021 lên 5,3% từ mức 4,2% đối với lạm phát tổng thể và lên 4,4% từ 3,7% đối với lạm phát lõi. Đối với năm 2022, cơ quan này nâng dự báo lạm phát tổng thể lên mức mức 2,6% và lạm phát lõi lên mức 2,7%. Đã không còn “nhất thời” đi đôi với lạm phát như trước đây, Fed đã bỏ đi cụm từ này trong các thông báo sau cuộc họp lần này.

Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với các động thái đã được lường trước trên và được đánh giá là "mềm mại" của Fed.

Cổ phiếu Apple vọt gần 3%, thúc đẩy các chỉ số trên thị trường. Các cổ phiếu công nghệ lớn khác như Microsoft và Netflix cũng tăng. Hầu hết 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giao dịch tích cực.

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại hôm thứ Tư cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,3% trong tháng trước, mặc dù đây là mức thấp hơn dự báo song vẫn cao hơn trước đại dịch ​​do người Mỹ bắt đầu mua sắm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hoá cuối năm.

Giá cả các mặt hàng nhập khẩu cũng ghi nhận tăng trong tháng 11, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tháng 10.

Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa sắc xanh. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Nasdaq Futures và Dow Futures cũng trong xu hướng đi lên.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Dow Jones tăng 383,25 điểm (+1,08%), lên 35.927,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 75,76 điểm (+1,63%), lên 4.709,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 329,94 điểm (+1,25%), lên 15.565,58 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên ngày thứ Tư nhờ đà tăng của cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe, song đà giảm của cổ phiếu bán lẻ và năng lượng đã hạn chế mức tăng sau thông báo chính sách của Fed.

Dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tháng 11 của Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 10 năm, đạt 5,1% so với cùng kỳ trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 47,89 điểm (-0,66%), xuống 7.170,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,79 điểm (+1,15%), lên 15.476,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 32,32 điểm (+0,47%), lên 6.927,63 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng không đáng kể khi giao dịch tiếp tục trở nên thận trọng trước cuộc họp của Fed.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do áp từ nhóm cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe bởi lo ngại Mỹ sẽ đưa một số cái tên vào danh sách đen. Chứng khoán Hồng Kông giảm theo chân thị trường Đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc gần như đi ngang khi các nhà giao dịch đứng ngoài, chờ đợi cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,08 điểm (+0,09%), lên 28.459,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,90 điểm (-0,38%), xuống 3.647,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 215,19 điểm (-0,91%), xuống 23.420,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 1,44 điểm (+0,05%), lên 2.989,39 điểm.

Giá vàng tăng nhẹ trở lại trong bối cảnh Fed cảnh báo lạm phát tăng cao, đẩy nhanh tốc độ giảm bơm tiền vào nền kinh tế vào và dự kiến 3 lần tăng lãi suất cơ bản vào năm 2022.

Kết thúc phiên 15/12, giá vàng giao ngay tăng 6,10 USD (+0,34%), lên 1.777,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 giảm 7,70 USD (-0,43%), xuống 1.763,60 USD/ounce.

Giá dầu tăng nhẹ trở lại vào thứ Tư sau khi dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, bên cạnh các thông báo chính sách từ Fed.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước và các kho dự trữ sản phẩm chưng cất và xăng cũng giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô tăng mạnh và sản phẩm do các nhà máy lọc dầu cung cấp, tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng, đạt mức sản lượng kỷ lục 23,2 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 15/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,14 USD (+0,2%), lên 70,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD (+0,2%), lên 73,88 USD/thùng.

Tin bài liên quan