Foxconn lấy ASEAN là trọng tâm trong chiến lược sản xuất xe điện

0:00 / 0:00
0:00
Foxconn vừa ký kết MOU về hợp tác sản xuất xe điện tại Indonesia, vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Đây là dự án thứ hai của Foxconn tại Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất xe điện.
Foxconn lấy ASEAN là trọng tâm trong chiến lược sản xuất xe điện

Hướng trọng tâm sản xuất sang ASEAN

Tại buổi lễ động thổ xây dựng trụ sở Foxconn tại thành phố Tân Bắc đầu tháng 2/2022, đích thân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Foxconn Young Liu chia sẻ với báo giới việc Foxconn đã ký kết MOU để đầu tư dự án sản xuất xe điện với diện tích hơn 200 ha tại Khu công nghiệp Batang, Indonesia.

Mặc dù Chủ tịch Young Liu không tiết lộ về số vốn đầu tư, tuy vậy, truyền thông Đài Loan đã dẫn nguồn từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết, nhà máy của Foxconn đầu tư sẽ sản xuất xe điện, linh kiện xe điện và pin, tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD.

Cũng theo báo giới Đài Loan thì năm 2015, Indonesia đã thất bại trong việc lôi kéo Foxconn đầu tư vào một tổ hợp dự án lớn tại Jakarta (mà khi đó Tổng thống Joko Widodo còn làm thị trưởng). Mặc dù không nêu rõ hai bên đàm phán dự án sản xuất xe điện nêu trên từ khi nào, tuy nhiên chuyến đi Đài Loan trong hai ngày của Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia cuối năm 2021 được cho là tác nhân chính để Indonesia giành được dự án lớn nhất của Foxconn về sản xuất xe điện cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài thu hút được gã khổng lồ Foxconn để sản xuất xe điện, Indonesia còn thu hút được tập đoàn lớn khác của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất xe máy điện là Gogoro trong hợp tác liên doanh với 2 tập đoàn Industri Baterai Indonesia và Indika Energy để sản xuất pin cho xe điện.

Ngoài Indonesia, trước đó vào tháng 9 năm 2021, Foxconn đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Thái Lan (PTT) để thành lập liên doanh sản xuất xe điện có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Làn sóng đầu tư của các hãng xe Nhật Bản vào Thái Lan thập niên 70 đã tạo nên nền móng cho ngành công nghiệp ô tô của nước này nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Foxconn rõ ràng nhìn ra tiềm năng này và không muốn bỏ phí cơ hội tại trung tâm của ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á, ngay cả khi có sự dịch chuyển sang xe điện.

Foxconn hy vọng năm 2024 sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và ra những sản phẩm xe điện đầu tiên từ Thái Lan.

Tại Việt Nam, Foxconn được cho là vẫn đang trong quá trình đàm phán với Vinfast của Việt Nam để trở thành đối tác sản xuất xe điện.

Mặc dù hai bên đều không đưa ra các bình luận gì cụ thể về nguồn thông tin trên, tuy nhiên Foxconn không phải không có lý khi nhắm đến Vinfast để đề xuất hợp tác bởi dự án này gần như là lớn nhất và được Vingroup tập trung dồn toàn lực để phát triển trong thời gian tới với những tham vọng lớn lao tại thị trường Mỹ.

Foxconn với tham vọng mở rộng, đặt trọng tâm sản xuất xe điện vào khu vực ASEAN không chỉ tận dụng các chính sách ưu đãi hấp dẫn, nguồn nhân lực dồi dào của khu vực này mà còn nhắm tới một thị trường hơn 600 triệu dân (tương đương với dân số châu Âu), trong đó đa số là dân số trẻ, có mức chi tiêu ngày càng tăng cao, đây chính là các khách hàng tiềm năng của thị trường xe điện trong tương lai.

Tham vọng làm chủ cuộc đua sản xuất xe điện

Foxconn đang tăng tốc mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất chip bán dẫn sử dụng trong xe hơi, cùng với các dây chuyền sản xuất linh kiện chính, thiết kế các phần mềm tự lái hiện đại và dây chuyền lắp ráp xe điện.

Song song với đó, đối tác lớn nhất của Apple cũng đã hình thành MIH EV Open Platform - nền tảng mở về phần mềm và phần cứng, nhằm định vị tiêu chuẩn sản xuất xe điện. Đây là nền tảng đầu tiên, mặc dù được xây dựng chỉ mới 2 năm nhưng đã thu hút nhiều tên tuổi như Qualcomm, Microsoft và nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology (CATL) cùng với 2.000 thành viên khác đến từ 50 quốc gia tham gia. Nền tảng này sẽ giúp các hãng xe điện, đặc biệt những hãng non trẻ, rút ngắn thời gian phát triển dòng xe điện mới.

Ngoài ASEAN, nhà máy ở Mỹ của Foxconn là “để dành” cho startup chế tạo xe điện như hãng Fisker của Mỹ. Dự kiến, các EV đầu tiên sẽ xuất xưởng cuối năm 2023. Hiện Foxconn vẫn đang thảo luận với ba tiểu bang của Mỹ về địa điểm mở nhà máy, bao gồm bang Wisconsin vốn đã chuẩn thuận cho Foxconn điều chỉnh kế hoạch đầu tư 10 tỷ đô la vào tiểu bang này trong năm 2017.

Trước đó, Foxconn được cho là đang đàm phán mua lại một nhà máy sản xuất chip ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan trong chiến lược đảm bảo nguồn cung chip của Tập đoàn. Đây cũng là kế hoạch để cạnh tranh với các đối thủ như Pegatron của Đài Loan và Luxshare của Trung Quốc trong việc giành hợp đồng lắp ráp từ Apple với Foxconn.

Ngoài phân khúc xe con, trên cơ sở nền tảng MIH, tháng 10 năm 2021, Foxconn đã ra mắt chiếc xe buýt điện đầu tiên và vừa được trang bị để sử dụng cho một cơ sở sản xuất phía Nam. Dự kiến trong năm nay Foxconn sẽ hợp tác để triển khai tại xe buýt điện này tại một số thành phố ở Đài Loan.

Chế tạo một chiếc xe điện có thể đơn giản hơn việc chế tạo một chiếc xe chạy xăng, nhưng vẫn phức tạp hơn việc tạo ra một chiếc iPhone. Sản xuất xe điện đòi hỏi số linh kiện nhiều hơn smartphone ít nhất 10 lần và yêu cầu an toàn cao hơn nhiều so với thiết bị cầm tay.

Bởi vậy, việc Foxconn rốt ráo và có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng như trên đã minh chứng cho tham vọng dẫn đầu cuộc đua sản xuất xe điện trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế, lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt mốc ít 150 triệu chiếc vào năm 2030, và nếu Chính phủ các nước có thêm gói hỗ trợ cho sử dụng xe điện, lượng xe có thể sẽ đạt tới 230 triệu chiếc, gấp 13 lần so với lượng xe điện hiện có.

Tin bài liên quan