GDP năm 2021 tăng 6%: “Chính phủ khẳng định sẽ đạt, tôi tin”

0:00 / 0:00
0:00

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang.

Ông Nguyễn Hữu Quang cho biết: “Chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tôi thấy cao, nhưng Chính phủ khẳng định sẽ điều hành để đạt được mục tiêu đó, thì mình phải tin Chính phủ”.

Thưa ông, trong tuần này, Quốc hội sẽ thông qua cả Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu còn băn khoăn về một số chỉ tiêu của hai bản kế hoạch này. Vậy quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo các nghị quyết có dẫn đến thay đổi chỉ tiêu nào không, thưa ông?

Sáng 11/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021, chiều 12/11, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ được quyết định.

Về quy trình, từ dự thảo ban đầu, đại biểu thảo luận, cơ quan thẩm tra ngồi lại với nhau, xem xét lại tất cả những vấn đề đại biểu đã phát biểu, Chính phủ tiếp thu và giải trình. Những ý kiến nào hợp lý và khả thi thì tiếp thu điều chỉnh, còn những ý kiến nào hợp lý nhưng chưa thể điều chỉnh được thì nêu rõ lý do. Trong dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình các cơ quan Quốc hội đang tổng hợp, các ý kiến cơ bản đồng ý với giải trình của Chính phủ tại các báo cáo, cũng như trình bày của các bộ trưởng tại hội trường.

Khi thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cho rằng, trong khi chưa có vắc-xin, dịch bệnh chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu thì để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao. Đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng có những giải pháp đột phá nào để đạt mức tăng trưởng đó khi hầu hết các nền kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm và Chính phủ đã xây dựng kịch bản cho GDP tăng trưởng thấp hơn 6% hay chưa. Điều đó chứng tỏ, còn khá nhiều băn khoăn quanh con số 6%. Nhận định của ông thì sao?

Trong các cuộc họp thẩm tra, tôi cũng là người đã lưu ý Chính phủ con số tăng trưởng 6% của năm 2021 là sẽ có rủi ro vì nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm. Việt Nam cũng chỉ tăng trưởng 2-3% năm 2020, mà chưa ai có thể nói trước điều gì về đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6% liệu có an toàn hay không?

Trong báo cáo giải trình, Chính phủ có nói là có khó khăn, nhưng với quyết tâm, Chính phủ khẳng định sẽ quyết liệt điều hành để đạt được mục tiêu đó, như thế thì mình phải tin Chính phủ thôi.

Cũng phải khẳng định, đây không phải Quốc hội “ép” Chính phủ về con số đó, mà Quốc hội lưu ý. Cá nhân tôi cũng cho rằng, 6% là cao nếu không có giải pháp quyết liệt và thoả đáng. Nhưng Chính phủ đã khẳng định như vậy thì giả sử sau này, hết năm 2021 mà không đạt, thì sẽ xem lại trách nhiệm của Chính phủ, vì Quốc hội đã lưu ý rồi.

Ở dự thảo kế hoạch năm 2021, có nội dung Chính phủ từng đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành, như sắp xếp các ngân hàng yếu kém, xử lý các dự án thua lỗ..., sau đó chưa thể hoàn tất. Nay Quốc hội lại tiếp tục nêu yêu cầu...

Có phải ý bạn hỏi là đề ra mục tiêu, không thực hiện được thì xử lý thế nào? Tôi nhớ chắc chắn là, khi kiểm điểm kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước, bao giờ Quốc hội cũng có lưu ý về tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Báo cáo của Chính phủ cũng tự nêu ra những hạn chế, những mục tiêu chưa làm được. Còn đặt mục tiêu rồi mà không hoàn thành thì việc xử lý từng việc còn tuỳ vào nội dung cụ thể.

Là Phó chủ nhiệm cơ quan giúp Quốc hội “gác cửa” về ngân sách, trong bối cảnh hụt thu lớn, nhu cầu chi cũng lớn, vấn đề nào khiến ông đặc biệt quan tâm trong các kế hoạch năm sau?

Điều tôi lo nhất chính là cân đối các nguồn để thực hiện các mục tiêu, khi mà hiện nay, chi nhiều hơn thu. Bội chi để dành cho đầu tư phát triển, bội chi có nghĩa là đi vay, có nghĩa là sẽ tăng nợ công. Tất cả những chỉ số về nợ công, bội chi đều có những con số cụ thể trong dự thảo nghị quyết. Nhưng điều tôi quan tâm là khi đưa ra con số bội chi, phải làm rõ mức độ an toàn của năm tài chính này và những năm tiếp theo.

Bội chi là cần thiết, nhưng không phải cứ vay thoải mái rồi chi thoải mái, để rồi kéo theo hệ lụy trả nợ cho năm sau. Khi Chính phủ đã đề ra mục tiêu thu - chi, trong đó có bội chi, thì Chính phủ phải điều hành được các con số đã được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nêu ra không ít con số đầy tính cảnh báo, đó là thu ngân sách hụt đến 189.200 tỷ đồng, bội chi có thể tăng tới 5,59% GDP (dự toán là 3,44% GDP). Đặc biệt, năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước, là dấu hiệu nguy hiểm, có thể gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia. Ông có lo lắng về hai chỉ tiêu này?

Tôi cũng như các đại biểu khác đều lo lắng và phải nêu ra những vấn đề để Chính phủ lưu ý và khi Chính phủ giải trình hợp lý thì tôi đồng ý, yên tâm hơn. Các đại biểu không phải là các nhà chuyên môn mà chỉ nêu vấn đề để Chính phủ lưu ý là bội chi tăng lên, khả năng trả nợ như thế nào, để đảm bảo khả năng trả nợ thì phải có nguồn thu thế nào. Hai là chỉ số về nghĩa vụ trả nợ đang có dấu hiệu vượt 25% tổng thu ngân sách thì Chính phủ có giải trình là đã cân nhắc và đã lưu ý ý kiến các đại biểu nêu.

Tóm lại là sẽ xem xét ý kiến đại biểu và điều hành để đảm bảo khả năng trả nợ nằm trong an toàn tài chính quốc gia.

Tin bài liên quan