Giá cà phê dự báo tăng nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc

Giá cà phê dự báo tăng nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xứ sở trà Trung Quốc đang rộng cửa tiếp nhận loại thức uống phổ biến trên thế giới là cà phê, thúc đẩy bởi nhu cầu của giới trẻ.

Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho biết, kết thúc niên vụ 2022-2023, lượng cà phê tiêu thụ tại Trung Quốc đã tăng 15% lên 3,08 triệu bao.

Trong 12 tháng qua, số tiệm cà phê có thương hiệu hiệu ở quốc gia này đã có mức tăng đáng kinh ngạc là 58% lên tổng cộng 49.691 cửa hàng, theo Alegra Group, một công ty chuyên theo dõi sự tăng trưởng của các chuỗi cà phê.

“Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng phong cách sống phương Tây và cà phê rõ ràng là một trong những đồ uống đại diện cho điều đó”, ông Jason Yu, Giám đốc điều hành tại Trung Quốc đại lục của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết.

Nhu cầu cà phê ngày càng tăng của Trung Quốc đến chủ yếu từ giới trẻ, là cơ hội vàng cho các nhãn hàng quốc tế như Starbucks và Tim Hortons. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với cạnh tranh từ các thương hiệu nội địa.

Alegra Group ước tính năm vừa qua, hai nhãn hàng của Trung Quốc là Luckin Coffee và Cotti Coffee đã mở lần lượt là 5.059 và 6.004 cửa hàng. Trong cùng giai đoạn đó, Starbucks mở được 700 cửa hàng và cho biết họ đang lên kế hoạch sở hữu khoảng 9.000 cửa hàng tại nước này vào năm 2025.

Mới đây nhất, Trung Nguyên Legend, thương hiệu cà phê của Việt Nam đã mở của hàng thứ 2 của mình tại Thượng Hải, nhờ sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này.

Tình yêu cà phê đang lan ra nhiều thành phố nhỏ hơn, những nơi vẫn chưa bị các thương hiệu “xâm chiếm” như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Điều này có nghĩa còn hàng triệu khách hàng tiềm năng chờ các chuỗi cà phê đáp ứng.

Tín hiệu đáng mừng cho người trồng

Đây là một tin tốt cho các nhà xuất khẩu, bên cạnh dự báo về đà tăng của giá do áp lực thiếu hụt nguồn cung vì thời tiết khô hạn. Vào giữa tuần này, cà phê Arabica kỳ hạn được giao dịch ở xấp xỉ mức cao nhất trong tám tháng, và cà phê Robusta đạt giá kỉ lục trong 15 năm.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự đoán Trung Quốc sẽ tiêu thụ 5 triệu bao cà phê trong niên vụ 2023-2024, gần gấp đôi so với niên vụ trước, đưa nước này trở thành thị trường tiêu dùng cà phê lớn thứ bảy trên thế giới.

Mặc dù lượng tiêu thụ cà phê của Trung Quốc còn xếp sau những thị trường hàng đầu như Mỹ và Brazil với hơn 20 triệu bao mỗi năm, nhưng nhu cầu ngày càng tăng cho thức uống này báo hiệu sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng, giống như tại các quốc gia vốn có truyền thống dùng trà khác là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết: “Do sản lượng giảm cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 – 5 tỷ USD”.

Trung Quốc được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này thường ưu tiên các dòng sản phẩm pha sẵn từ các nhãn hàng phương Tây, trong khi cà phê Việt Nam xuất khẩu còn nhiều phần dưới dạng thô. Năm 2022, Trung Quốc giảm 11,1% nhập khẩu cà phê từ Việt Nam so với năm 2021.

Theo số liệu từ Bộ Công thương về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết: “Do sản lượng giảm cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 – 5 tỷ USD”.

Trung Quốc được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này thường ưu tiên các dòng sản phẩm pha sẵn từ các nhãn hàng phương Tây, trong khi cà phê Việt Nam xuất khẩu còn nhiều phần dưới dạng thô. Năm 2022, Trung Quốc giảm 11,1% nhập khẩu cà phê từ Việt Nam so với năm 2021.

Tin bài liên quan