Giá dầu có tuần tăng thứ 7 liên tiếp lên 80 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tiếp tục hướng tới tuần tăng thứ 7 liên tiếp, mức tăng dài nhất kể từ tháng 12/2020 khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khuấy động các thị trường từ châu Âu sang châu Á.

Giá dầu WTI tăng 1,1% vào ngày 7/10 sau khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, không có kế hoạch khai thác nguồn dự trữ dầu quốc gia vào thời điểm này. Động thái này theo sau nhận xét một ngày trước đó từ Bộ trưởng Năng lượng rằng việc giải phóng các kho dự trữ chiến lược đang được xem là biện pháp để chống lại giá xăng dầu tăng cao.

Tỷ lệ % thay đổi giá dầu WTI theo tuần

Tỷ lệ % thay đổi giá dầu WTI theo tuần

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 vào đầu tuần này sau khi OPEC+ quyết định tiếp tục duy trì nguồn cung tăng dần vào tháng tới mà không tăng thêm sản lượng, mặc dù thị trường đang thiếu cung trước khi bước vào mùa Đông.

Hôm thứ Tư (6/9), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị tăng nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng, Nga có thể tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu lên khoảng 15% vào mùa Đông, góp phần hạ nhiệt giá khí đốt.

Đề nghị của Nga và một báo cáo của Financial Times rằng, Mỹ sẽ xem xét giải phóng lượng dự trữ đã khiến giá dầu có thời điểm giảm hơn 3% vào ngày 7/10, nhưng đã nhanh chóng hồi phục trở lại ngay sau đó.

Sự phục hồi kinh tế từ đại dịch cùng với sự gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Mexico sau cơn bão Ida càng làm trầm trọng hơn chênh lệch cung cầu. Việc này càng trầm trọng hơn khi mùa Đông đang đến gần.

Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ cho biết: “Nhu cầu mạnh hơn, trong khi nguồn cung không tăng kịp có thể là động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng hơn nữa trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi dự báo hàng tồn kho sẽ tiếp tục giảm xuống do kinh tế phục hồi và người tiêu dùng chuyển đổi từ khí đốt sang dầu khi bước vào mùa Đông. Điều đó sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa”.

Ở châu Á, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình trạng mất điện và Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty quốc doanh bằng mọi giá phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho mùa Đông.

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang tâng hết công suất để đáp ứng nhu cầu nội địa tăng nhanh khi kinh tế hồi phục sau làn sóng dịch Covid thứ 2, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy nhu cầu về dầu diesel.

Tin bài liên quan