Việc chuẩn bị tài chính cho tuổi già nên được thực hiện sớm

Việc chuẩn bị tài chính cho tuổi già nên được thực hiện sớm

Già hóa dân số và bài toán an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ cuối năm 2036 với nhiều khó khăn thách thức khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển và nguy cơ “già trước khi giàu” trong bối cảnh vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA), dù Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 7% năm 2011 lên 7,71% năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới, ước đạt 12% vào năm 2030; 14% vào năm 2035 và gần 17% vào năm 2045.

Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 với chủ đề “Già hóa dân số - Cơ hội và thách thức cho thế hệ Millennials” do Prudential Việt Nam tổ chức mới đây, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng ILSSA cho biết, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trung niên chưa cao.

Mặt khác, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số nhanh, nguồn lực kinh tế của đất nước và hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế. Số liệu khảo sát của ILSSA cho thấy, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi tại Việt Nam chủ yếu tới từ sự hỗ trợ của gia đình và việc làm hiện tại. Tỷ lệ người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí chưa cao (23%) do tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong giai đoạn trước còn thấp...

Thích ứng với già hóa dân số và phát triển bền vững xã hội là vấn đề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cũng như người dân và cùng với ngành bảo hiểm xã hội, sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm vào tiến trình này là rất cần thiết. Bên cạnh các hoạt động phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu có chuyên môn, hỗ trợ các đề án liên quan đến già hóa dân số, một mục tiêu khác mà Prudential đặt ra xuyên suốt dự án, đó là nâng cao nhận thức và hành động của người dân về việc chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị cho một tương lai độc lập ở cả 3 khía cạnh: Sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính.

Trước đó, Manulife Việt Nam ra mắt chiến dịch “Bước đến Hạnh phúc” nhằm nâng cao nhận thức về sự “thiếu hụt bảo vệ” và một trong những ưu tiên của nhà bảo hiểm này trong chương trình “Lan tỏa Sức ảnh hưởng” được giới thiệu gần đây là mở ra các cơ hội kinh tế toàn diện cho tất cả mọi người, thúc đẩy sự đi lên của các nhóm thiểu số và làm cho các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn.

Xuyên suốt chiến dịch này, Manulife Việt Nam sẽ xây dựng kho kiến thức tài chính thông qua các bài báo, các đoạn phim ngắn và các trò chơi tương tác trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về khoản thiếu hụt bảo vệ, cũng như tầm quan trọng của việc có các kế hoạch bảo hiểm nhân thọ đúng và đủ. Khoản “thiếu hụt bảo vệ” là khoản thiếu hụt khi nguồn lực tài chính hiện hữu của khách hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo vệ trong trường hợp sự kiện không may xảy ra.

Tại Việt Nam, năm 2021, chỉ 11% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Mức độ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tính theo GDP chỉ chiếm khoảng 2,47% tổng GDP năm 2021. Bên cạnh đó, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm khoảng 43% tổng chi phí y tế, cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Một giải pháp quan trọng để thu hẹp khoản ‘thiếu hụt bảo vệ’ là đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách thiết kế các gói sản phẩm phù hợp”, ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối sản phẩm và sức khỏe của Manulife Việt Nam chia sẻ.

Vì mức độ tham gia bảo hiểm của Việt Nam thấp, thu nhập chưa cao nên mức đóng bảo hiểm chỉ ở mức thấp. Chính vì vậy, việc chuẩn bị tài chính cho tuổi già nên được thực hiện sớm. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần tăng cường giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên để tạo thói quen lập kế hoạch tài chính từ sớm.

Theo một chuyên gia bảo hiểm xã hội, quá trình chuyển biến nhận thức của người lao động về các loại hình bảo hiểm là rất quan trọng. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa ra những cơ chế để kết nối các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm y tế nhằm nâng cao thu nhập cũng như phúc lợi cho người lao động khi về già.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, cả nước có trên 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ngành bảo hiểm xã hội đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 25,33 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội.

Tin bài liên quan