Giá vàng hôm nay ngày 4/7: Đi ngược xu hướng chung, một thương hiệu vàng trong nước tiếp tục mất giá

Giá vàng hôm nay ngày 4/7: Đi ngược xu hướng chung, một thương hiệu vàng trong nước tiếp tục mất giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi vàng SJC bật hồi đồng pha với thế giới, thì thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tiếp tục trong xu hướng điều chỉnh và đã giảm 110.000 đồng/lượng trong phiên sáng 4/7.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 4/7 tăng 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 110.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 55,37 – 56,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 1,9 USD lên 1.921,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục nhích nhẹ lên mức 1.922,8 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,1 USD, tương ứng tăng 0,01% lên 1.929,5 USD/ounce.

Vàng nhích nhẹ khi các nhà giao dịch hợp đồng tương lai có khả năng bù đắp sau áp lực bán gần đây.

Đây vẫn là một tuần bận rộn đối với thị trường vì báo cáo tình hình việc làm của Hoa Kỳ cho tháng 6 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Con số bảng lương phi nông nghiệp chính được dự báo tăng 240.000 so với mức tăng 339.000 trong báo cáo tháng 5.

Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Heraeus Precious Metals, một Cục Dự trữ Liên bang hiếu chiến có thể giữ áp lực lên giá vàng lâu hơn.

Báo cáo mới nhất hôm thứ Hai từ công ty nghiên cứu kim loại quý cho biết, triển vọng diều hâu mới của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sau cuộc họp tháng 7, kết hợp với dữ liệu đáng khích lệ cho nền kinh tế Mỹ trong tháng qua, đã làm tăng kỳ vọng về việc tăng lãi suất nhiều hơn.

“Các nhà giao dịch lãi suất hiện đang dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2024, với mức cao nhất vào cuối năm 2023, đây có thể là một cơn gió ngược đối với vàng trong 10 tháng tới vì đồng đô la có thể vẫn mạnh và hấp dẫn. Tất nhiên, rủi ro là chính sách tiền tệ quá thắt chặt sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, một kết quả được chỉ ra bởi nhiều chỉ số hàng đầu. Sự không chắc chắn về kinh tế đi kèm với suy thoái kinh tế có thể tạo ra chất xúc tác cho vàng nếu nó đến”, theo các nhà phân tích.

Họ lưu ý rằng kim loại màu vàng đã suy yếu khi sự không chắc chắn của thị trường từ sự sụp đổ của ngân hàng khu vực Hoa Kỳ vào tháng 5 đã tan biến.

Với mức giá khoảng 1.922,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 55,89 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 11,18 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,97 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 4/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.804 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.614 – 24.994 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.944 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.400 – 23.900 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.620 đồng/USD và bán ra là 23.700 đồng/USD.

Tin bài liên quan