Giải trình đầy đủ với Quốc hội về kinh phí công đoàn

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải báo cáo, giải thích, giải trình với Quốc hội về việc tiếp tục duy trì quy định kinh phí công đoàn.
Nhiều bất cập của tài chính công đoàn đang là vấn đề được cả giới chủ và người lao động rất quan tâm.

Nhiều bất cập của tài chính công đoàn đang là vấn đề được cả giới chủ và người lao động rất quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo, giải thích, giải trình với Quốc hội về việc tiếp tục duy trì quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Còn quan điểm khác nhau

Luật Công đoàn được sửa như thế nào trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra khá nhiều bất cập của tài chính công đoàn đang là vấn đề được cả giới chủ và người lao động rất quan tâm.

Trong phiên họp thứ 48 (tháng 9/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Kết luận phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Đồng thời, đề nghị Tổng liên đoàn lưu ý một số vấn đề, trong đó có tài chính công đoàn.

Liên quan đến tài chính công đoàn, trong một báo cáo mới phát hành, Kiểm toán Nhà nước cho biết, mặc dù chưa thu đủ, nhưng số dư tích lũy tài chính công đoàn đã lên đến gần 29.000 tỷ đồng, một phần trong số này được mang đi đầu tư vào những nơi khó có khả năng thu hồi.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sự tùy nghi trong chi tiêu, mà nguyên nhân là quy định của Luật Công đoàn hiện hành tạo sự chủ động cho Tổng liên đoàn quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đoàn, quản lý tài sản mà không phải lấy ý kiến hoặc có thỏa thuận trước khi ban hành với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, dẫn đến một số văn bản ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại hồ sơ dự án luật, Tổng liên đoàn khẳng định, tỷ lệ thu 2% là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn trong thực tiễn, đang phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức công đoàn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ to lớn của Đảng và Nhà nước giao phó.

Được biết, trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm tra sơ bộ dự án luật còn có quan điểm khác nhau về tài chính công đoàn.

Bên cạnh ý kiến cần tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để có thể có quy định nhằm điều chỉnh giảm mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp, không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động. Ý kiến khác đề nghị không quy định mức thu 2% kinh phí công đoàn để đảm bảo sự thống nhất giữa các tổ chức chính trị - xã hội.

Phải chứng minh được hiệu quả

Kết luận phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc cần thiết quy định để duy trì nguồn tài chính công đoàn, nhưng phải bảo đảm có đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu.

Một là, báo cáo, giải thích, giải trình với Quốc hội về việc tiếp tục duy trì quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Hai là, báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề cụ thể mà Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã nêu, nhất là đối với quy định về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, chặt chẽ và chứng minh được hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu lý, cần quán triệt đầy đủ tinh thần Hiến pháp năm 2013 về địa vị pháp lý của Công đoàn, trong đó khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”.

Đối với việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, lưu ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần quy định để không chỉ bảo đảm được tính linh hoạt, đáp ứng với đặc trưng của hoạt động công đoàn, mà còn phải tạo cơ sở pháp lý để thực hiện việc đổi mới, cải cách hệ thống tổ chức bộ máy của công đoàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và hướng về cơ sở với trọng tâm là người lao động, nhất là trong bối cảnh phát triển mới của quan hệ lao động, thị trường lao động.

Về bảo đảm tổ chức, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, cần cân nhắc kỹ để quy định nhằm tạo sự chủ động, độc lập cho công đoàn trong công tác cán bộ, nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phân cấp, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới.

Tin bài liên quan