Các ngân hàng đã hỗ trợ ngành thuế đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh.

Các ngân hàng đã hỗ trợ ngành thuế đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh.

Giảm thanh toán tiền mặt, cần thêm sự phối hợp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế, cần có sự chỉ đạo sát sao hơn của chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan thuế và các cơ quan ban ngành trên địa bàn để thúc đẩy mạnh hơn thanh toán không dùng tiền mặt.

Sau 5 năm thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, thói quen thanh toán không tiền mặt đã dần được định hình trong đời sống xã hội người dân. Nếu cụ thể hóa nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của ngành thuế bằng con số, bà có thể cho biết những số liệu gì?

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm định hướng, chỉ đạo ban hành các cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động này.

Là một trong những khu vực đầu tiên đẩy mạnh triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành thuế đã ghi nhận những kết quả tích cực.

Cụ thể, tính đến nay, đã có 777.152 doanh nghiệp trên tổng số 791.676 doanh nghiệp đang hoạt động hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng, chiếm tỷ lệ 98,17%.

Về giá trị, từ 1/1-18/9/2020, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.406.122 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền đạt hơn 454.055 tỷ đồng và 24.775.058 USD.

Đối với cá nhân, khai điện tử của cá nhân cho thuê nhà đạt 198.936 tài khoản đăng ký. Số lượt nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy là 42.142 lượt trên tổng số 720.452 lượt đăng ký ô tô, xe máy tại các điểm đăng ký xe trên toàn quốc.

Sự thành công ban đầu trong nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của ngành thuế chắc hẳn không thể thiếu vắng các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán?

Đúng vậy, các ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành thuế đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, đặc biệt đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh.

Tính đến 18/9/2020, Tổng cục Thuế đã kết nối với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, phối kết hợp với 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.

Để có được vị trí quan trọng đó, các ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán đã đẩy mạnh việc áp dụng nhiều công nghệ, giải pháp hỗ trợ thanh toán tiên tiến, hiện đại, dễ sử dụng như ví điện tử, mã QR, ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking… nhằm tăng tiện ích cho người dùng và nâng cao bảo mật thanh toán, giúp khuyến khích người dùng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.

Trong quá trình triển khai, bên cạnh sự thuận lợi, có những vướng mắc nào theo bà nếu giải quyết được thì chính sách thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đạt được kết quả khả quan hơn?

Về thuận lợi trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, có thể khẳng định đó là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách cũng như triển khai thực hiện, sự ủng hộ, phối hợp tham gia đóng góp nhiệt tình của các đơn vị liên quan trong quá trình thực thi.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu đó là sự ủng hộ, đồng tình của người dân khi sử dụng các dịch vụ do ngành thuế cung cấp.

Bà Lý Thị Hoài Hương.
Bà Lý Thị Hoài Hương.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, nhưng trên thực tế, cho đến nay, đối với người nộp thuế là doanh nghiệp thì việc triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực, còn đối với người nộp thuế là cá nhân thì chưa thực sự khả quan do đa phần người dân vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, cũng như hạn chế trong việc nắm bắt công nghệ mới.

Để giải quyết những tồn tại, tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen và nhận thức, giúp cho mỗi người dân hiểu rõ được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.

Đồng thời cũng cần có sự chỉ đạo sát sao hơn từ chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan thuế và các cơ quan ban ngành trên địa bàn để việc thực thi chính sách thanh toán không tiền mặt đạt kết quả khả quan hơn.

Vậy ngành thuế có chuẩn bị gì để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế?

Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai toàn diện hạ tầng cơ sở cho hoạt động quản lý thu, quản lý giao dịch trực tuyến và các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.

Theo đó, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử tới người dân, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ thống dịch vụ thuế điện tử nhằm tích hợp toàn bộ dịch vụ kê khai thuế của doanh nghiệp, cá nhân và dịch vụ nộp thuế, hoàn thuế của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai với các ngân hàng trong nước và nước ngoài, phối hợp cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử qua cổng của cơ quan thuế; mở rộng cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử với các đơn vị T-VAN; tăng cường công tác giám sát vận hành hệ thống dịch vụ đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định, đặc biệt là các kỳ cao điểm tháng/quý; tăng cường nhân sự đáp ứng yêu cầu phối hợp với các ngân hàng, kho bạc nhà nước để hỗ trợ và xử lý các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia công tác xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là các quy định về chính phủ điện tử để triển khai khai thuế điện tử đối với hoạt động cho tài sản của cá nhân, dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử, hóa đơn điện tử…

Trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt như Thông tư số 328/2016/TT-BTC về hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; Thông tư 84/2016/TT-BTC về hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa; Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Thông tư số 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại; Nghị định số 11/2019/NĐ-CP về thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước, trong đó quy định cụ thể quy trình các cơ quan thuế, kho bạc phối hợp với ngân hàng thương mại trong việc tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng các phương thức điện tử, bổ sung đối tượng tham gia phối hợp thu ngoài ngân hàng thương mại, cụ thể tiêu chí mở tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại…

Tin bài liên quan