Giao dịch chứng khoán chiều 12/5: Tiếp tục bán tháo, VN-Index xuống đáy 10 tháng

Giao dịch chứng khoán chiều 12/5: Tiếp tục bán tháo, VN-Index xuống đáy 10 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tin đồn và tin không tốt từ thị trường thế giới khiến chứng khoán lại có thêm một phiên lao dốc cực mạnh trong ngày gió mùa đông bắc muộn.

Sau phiên sáng không khả quan với lực bắt đáy mất hút, chứng khoán Việt Nam phiên chiều nay đã tiếp tục lao dốc không phanh với hàng trăm mã giảm sàn. Trong đợt giảm điểm của thị trường chứng khoán, đây là phiên thứ 3 VN-Index mất đi tới trên 50 điểm/phiên.

Với phiên lao dốc ngày hôm nay, thị trường cũng trở lại mức điểm thấp nhất của đợt sụt giảm gần 2 tháng qua ở khu vực 1.240 điểm, tức là mất đi gần 300 điểm (18,9%) so với mức đỉnh thị trường 1.530 điểm. Đây là mức mất điểm tương đối lớn, xấp xỉ bằng những đợt sụt giảm mạnh nhiều năm trước (20-24%).

Nguyên nhân của đợt sụt giảm kéo dài này có khá nhiều bắt đầu từ việc xử lý một số sai phạm trên thị trường chứng khoán và sau đó là những tin đồn vẫn cứ âm ỉ lan rộng, kết hợp với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán quốc tế sau khi Fed tăng lãi suất để chống lại lạm phát đang gia tăng. Gần đây nhất là việc bán tháo của thị trường tiền điện tử thế giới diễn ra đặc biệt mạnh từ đầu tuần này.

Trước diễn biến sụt giảm nhanh và mạnh của thị trường, nhiều dự báo cho thấy thị trường còn có thể giảm tiếp. Trong Talkshow Chọn danh mục tuần này diễn ra sau phiên giao dịch chiều nay, các chuyên gia trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán cho biết thậm chí VN-Index còn có thể giảm tiếp dưới 1.000 điểm trong trung hạn.

Tuy nhiên, thị trường xuống không có nghĩa là không có cơ hội, nhiều cổ phiếu đã đến thời điểm mua vào cho chu kỳ 6 tháng – 1 năm bởi đã có mức P/E thấp nhất trung bình 10 năm, bất chấp “thị trường xấu, còn có thể xấu hơn”.

Đóng cửa, sàn HOSE có 39 mã tăng và 424 mã giảm (164 mã giảm sàn), VN-Index giảm 62,69 điểm (-4,82%), xuống 1.238,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 557,9 triệu đơn vị, giá trị 15.775,9 tỷ đồng, tăng gần 35% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn hơn 41 triệu đơn vị, giá trị 1.772,8 tỷ đồng.

Các bluechip trong rổ VN30 có tới 11 mã giảm sàn là PLX, MSN, GVR, SSI, VRE, POW, BVH, TCB, BID, VPB, STB. Nhóm ngân hàng MBB, ACB, CTG cũng giảm về sát mức giá sàn, mất từ 6,4% đến 6,7%.

Các cổ phiếu khác cũng không tránh khỏi kết cục giảm sâu, như FPT -6,2% xuống 95.600 đồng, PDR -6,1% xuống 57.000 đồng, HPG -5,9% xuống 38.250 đồng, PNJ -5,5% xuống 101.100 đồng, TPB -5,5% xuống 31.600 đồng, HDB -5,4% xuống 22.950 đồng.

Các cổ phiếu GAS, KDH, VCB, VNM, NVL, MWG giảm từ 3% đến 4,7%, VHM và VIC giảm 2,3% và 1,9%, riêng VJC may mắn chỉ giảm nhẹ 1,3% xuống 124.800 đồng. Trong đó, nhóm bốn 4 cổ phiếu HPG, STB, VPB và SSI dẫn đầu thanh khoản và cũng có khối lượng giao dịch lớn nhất HOSE, khớp từ 15,87 triệu đến 25,25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, số mã nằm sàn la liệt không thể liệt kê hết và xuất hiện ở tất cả các nhóm ngành, từ bất động sản, ngân hàng, thép, dầu khí, phân bón, công ty chứng khoán…, nhưng có thể nhắc đến các cổ phiếu HAG, FLC, GEX, DIG, HQC, VND, LPB, HSG, PVD, ITA, DXG, HNG, DCM, HCM…Những cổ phiếu này đều là nhóm thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 3,7 triệu đến 10,89 triệu đơn vị.

Các mã khác như SHB, ROS, TTF, LCG, KBC, HAX, DLG…cũng giảm về gần mức giá sàn, với SHB khớp hơn 11,9 triệu đơn vị, ROS khớp hơn 10 triệu đơn vị…

Một số đi ngược thị trường chỉ còn FIR +4,4% lên 40.600 đồng, ACC +3,4% lên 15.300 đồng và các sắc xanh nhạt tại CRE, CTF, EIB, STG, FDC…

Các cổ phiếu trong phiên sáng tăng như như CII, GMD cũng không thoát được áp lực bán trên thị trường và đảo chiều giảm, với CII -3,9% 19.700 đồng, GMD -1,1% xuống 55.900 đồng, khớp trên dưới 6 triệu đơn vị mỗi mã.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng dần chìm xuống các mức thấp hơn cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 31 mã tăng và 200 mã giảm, HNX-Index giảm 17,51 điểm (-5,26%), xuống 315,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,3 triệu đơn vị, giá trị 1.539 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,81 triệu đơn vị, giá trị 63,5 tỷ đồng.

Số cổ phiếu nằm sàn cũng la liệt, với những cái tên như PVS, CEO, KLF, TNG, PVC, IDJ, BII, MBS, SCG, PVL, DVG, TIG…

Còn lại cũng giảm sâu như SHS -7,4% xuống 15.100 đồng, HUT -8,6% xuống 21.300 đồng, ART -7,6% xuống 6.100 đồng, APS -8,5% xuống 17.200 đồng, TCV -8,3%, MBG -8,3%, TAR -8,4%, IPA -9,3%...

Thanh khoản trong phiên này, PVS cao nhất với 10,75 triệu đơn vị, SHS khớp 6,78 triệu đơn vị, CEO khớp 6,14 triệu đơn vị, KLF khớp 4,11 triệu đơn vị, TNG khớp 3,47 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu áp lực chung từ thị trường và lui về các mức thấp hơn trong phiên, trước bật nhẹ trở lại vào cuối ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,35 điểm (-2,38%), xuống 96,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,3 triệu đơn vị, giá trị 501,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,95 triệu đơn vị, giá trị 74,2 tỷ đồng.

Top 40, 50 cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM thì chỉ còn PAS tăng nhẹ 1,2% và SDD đứng tham chiếu 4.900 đồng.

Còn lại đều giảm, với SSN yên vị ở giá sàn -14,7% xuống 5.800 đồng, các cổ phiếu quen thuộc đều giảm sâu như BSR -6,3% xuống 19.200 đồng, khớp 4,56 triệu đơn vị, ABB -4,3%, VHG -7,4%, CG4 -9,9%, VGT -7,9%, SBS -9%, OIL -3,8%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2205 giảm 67 điểm (-5,01%), xuống 1.270 điểm, khớp lệnh hơn 346.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, với CVPB2202 phiên này giao dịch sôi động nhất với hơn 2,02 triệu đơn vị, và giảm mạnh hơn 37% xuống 440 đồng/cq.

Tin bài liên quan