Giao dịch chứng khoán chiều 30/1: VN-Index giảm sâu, thanh khoản tăng vọt

Giao dịch chứng khoán chiều 30/1: VN-Index giảm sâu, thanh khoản tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều, với tâm điểm chính là dòng bank, đã khiến thị trường giảm sâu, chỉ số VN-Index lùi về sát mốc 1.110 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản thị trường tăng vọt, đạt cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Sau 8 phiên tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng đầu tuần ngày 30/1, đây là một nhịp nghỉ cần thiết để thị trường có thể bước tiếp. Cùng thanh khoản tăng khá tốt với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, vật liệu xây dựng đang trở thành những điểm tựa chính giúp VN-Index bảo toàn ngưỡng hỗ trợ 1.110 điểm.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục gia tăng đã kéo VN-Index tiến sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số này chưa thể lấy lại thăng bằng đã nhanh chóng bị “vùi dập” bởi nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng.

Trong khi thị trường chung khá phân hóa thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt nới rộng đà giảm, ngoại trừ điểm sáng duy nhất ngược dòng thành công là HDB, đã đẩy VN-Index ngày một lùi sâu.

Chỉ số VN-Index kết phiên rơi xuống mức thấp nhất ngày, về sát ngưỡng 1.100 điểm khi để mất gần 15 điểm với gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là thanh khoản thị trường tăng vọt, lên mức cao nhất trong khoảng 1 tháng qua.

Đóng cửa, sàn HOSE có 210 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index giảm 14,53 điểm (-1,3%) xuống 1.102,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 798,68 triệu đơn vị, giá trị 13.627,5 tỷ đồng, tăng 29,3% về khối lượng và 16,18% về giá trị so với phiên trước đó (27/1). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,21 triệu đơn vị, giá trị 1.040,46 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm sâu nhất thị trường với hầu hết các mã đều đóng cửa ở mức giá đỏ và thấp nhất ngày, điển hình như VCB giảm 3,33%; ACB, EIB và STB cũng đều giảm hơn 3%; còn CTG, TCB, SHB, TPB… giảm trên dưới 2%...

Trong khi đó, cổ phiếu duy nhất dòng bank là HDB tiếp tục lội ngược dòng và nới rộng biên độ khi đóng cửa tăng 3,1% lên vùng giá cao nhất ngày 18.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3,77 triệu đơn vị. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng khá mạnh với hơn 2,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng nới rộng đà giảm với tác nhân chính đến từ họ nhà Vingroup. Cụ thể, VHM giảm 3,38%, VIC giảm 2,53%, VRE giảm 1,65%; ngoài ra VCG giảm 3,47%, KBC giảm 1,5%, DXS giảm 2,7%, HDG giảm 1,3%...

Một số mã vừa và nhỏ trong nhóm vẫn duy trì đà khởi sắc như HQC, ITA, HU1, PTL, TDH, HDC đều tăng trần. Đáng chú ý là DIG tăng vọt trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm chạm trần và đóng cửa đứng tại mức giá 17.000 đồng/CP, tăng 5,3% với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 17,89 triệu đơn vị; hay DXG cũng đóng cửa tích cực khi tăng 2,1% lên 14.400 đồng/CP và khớp 16,46 triệu đơn vị…

Các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, bảo hiểm, chế biến thủy sản, bán lẻ đều giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu thép cũng trở nên đuối sức hơn so với phiên sáng, với HPG chỉ còn tăng nhẹ 1,2% lên 21.750 đồng/CP, trong khi HSG và NKG cùng lùi về mốc tham chiếu. Trong đó, HPG vẫn có thanh khoản vượt trội, đạt hơn 42,34 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa cổ phiếu đứng thứ 2 là SHB khớp 28,98 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong phiên giao dịch, cánh đồng tím đã lan rộng hơn với sự góp mặt của nhiều mã khác như APH, AAA, TLD, HHS, JVC, ABS, PLP, TDH…

Trên sàn HNX, thị trường cũng đi giật lùi và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, sàn HNX có 123 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 220,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 103,79 triệu đơn vị, giá trị 1.508,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,65 triệu đơn vị, giá trị 57,7 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu than với la liệt sắc tím như CLM, MDC, TDN, THT, HLC, NBC, TVD, TC6, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đóng cửa tăng kịch trần như AMV, TVC, BII, NFC, TTH, VC2, MST, TTL, V21, KVC…

Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản dẫn đầu với hơn 25,25 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa duy trì mốc tham chiếu 9.700 đồng/CP. Trong khi đó, MBS giảm nhẹ 0,7%, APS tăng 1% với thanh khoản một vài triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO đứng ở vị thứ thứ 2 với khối lượng khớp lệnh đạt 12,12 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,2% lên 22.800 đồng/CP. Trái lại, IDC sau chuỗi ngày khởi sắc đã bị chốt lời và lùi về mức thấp nhất ngày khi đóng cửa giảm 2,7% xuống 39.200 đồng/CP và khớp 3,73 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,55%), lên 75,4 điểm với 169 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,25 triệu đơn vị, giá trị 542,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,71 triệu đơn vị, giá trị 11,12 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đảo chiều giảm 1,8% và đóng cửa đứng tại mức giá 16.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 12,3 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đại diện cho nhóm đầu tư công là C4G cũng đảo chiều giảm 2,4% xuống vùng giá thấp trong ngày 12.200 đồng/CP và khớp 3,92 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG duy trì đà tăng tốt +4% lên mức 2.600 đồng/CP và thanh khoản vẫn đứng thứ 2 thị trường với 4,83 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác như PXS, PXL, SCJ, GTH, XMC, SBR đều đóng cửa tăng kịch trần.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2302 đáo hạn gần nhất là ngày 16/2 giảm 17,2 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.109,8 điểm, khớp lệnh 209.140 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.340 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo, tuy nhiên, mã CHPG2221 vẫn có khối lượng giao dịch cao nhất với hơn 7,22 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 110 đồng/cq.

Tin bài liên quan