Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/9: VN-Index tiếp tục giảm, nhóm FLC bất ngờ "bốc đầu"

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/9: VN-Index tiếp tục giảm, nhóm FLC bất ngờ "bốc đầu"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường sụt giảm nhanh khi nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng nới đà đi xuống, trong khi điểm nhấn thuộc về nhóm FLC, khi bất ngờ bốc đầu trước ngày bắt đầu bị đình chỉ giao dịch của FLC và HAI.

Sau phiên sáng giao dịch thận trọng và ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục diễn biến nhàm chán này, VN-Index rung lắc và giằng co nhẹ quanh tham chiếu và bất ngờ có nhịp giảm khá mạnh trong phiên ATC.

Lý do chính là lực bán mạnh ở nhóm ngân hàng khi dường như room tín dụng được nới không cao như kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư. Kể cả ngân hàng được nới room lớn nhất là Sacombank (STB), cổ phiếu cũng bị ép mạnh xuống mức thấp nhất ngày trong đợt ATC.

Ngân hàng có mức tăng room tín dụng thuộc loại thấp nhất đợt này là Lienvietpostbank (LPB) cũng là mã giảm mạnh nhất hôm nay khi mất 5,5%, trong khi mã đầu ngành VCB tiếp tục mất 2,5% đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, trở lại mức giá của đầu tháng 8 và đang về vùng giá hỗ trợ ở đường MA50.

Sức ép từ nhóm ngân hàng, cùng một vài mã bluechip khác như HVN giảm sàn, hay GVR, khiến VN-Index bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày sau khi kết thúc đợt ATC và cũng lùi về vùng hỗ trợ đường MA50 (1.228 điểm).

Trong khi nhóm ngân hàng gây thất vọng, thì nhóm cổ phiếu họ FLC lại gây bất ngờ cho thị trường khi đột ngột "bốc đầu" tăng trần hàng loạt dù ngày mai (9/9) là ngày FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch.

Thông tin về việc 2 cổ phiếu này tiếp bước ROS bị đình chỉ giao dịch đưa ra cuối tháng 8 lễ khiến nhóm FLC bị bán tháo khi thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ 2/9 với 3 phiên giảm liên tiếp đầu tháng 9, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Nhóm này chỉ thoát sàn nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt trong ngày hôm qua và bước sang phiên hôm nay, lực cầu bất ngờ gia tăng đã kéo cả nhóm lên mức kịch trần với dư mua trần còn khá lớn, dù mở cửa vẫn giảm giá, thậm chí HAI có lúc còn bị đẩy xuống mức sàn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 151 mã tăng và 317 mã giảm, VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,69%), xuống 1.234,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 599,6 triệu đơn vị, giá trị 14.415,3 tỷ đồng, giảm gần 30% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,8 triệu đơn vị, giá trị 1.692 tỷ đồng.

Như đã đề cập, nhóm trụ cột ngân hàng đồng loạt chìm trong sắc đỏ và không ít nới rộng đà đi xuống, trong đó, đầu tàu VCB -2,5% xuống 78.000 đồng và là mã tác động mạnh nhất đến chỉ số với hơn 2,3 điểm tiêu cực.

Trong khi đó, giảm sâu nhất là LPB -5,5% xuống 14.700 đồng, SHB -4,4% xuống 14.000 đồng, VIB -3,7% xuống 23.600 đồng, BID -2,9% xuống 36.700 đồng, HDB -2,3% xuống 25.500 đồng, MSB -2,1% xuống 18.300 đồng, các mã ACB, VPB, TPB, STB, CTG giảm từ 1,2% đến 1,8%, còn CTB, OCB và MBB may mắn giảm nhẹ và chỉ còn EIB xanh, nhưng cũng chỉ +1% lên 30.650 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, thì một số bluechip khác cũng góp thêm phần khiến tình tình xấu đi, với GVR -3,1% xuống 25.000 đồng, SSI -2,2% xuống 22.050 đồng, các mã VRE, PLX, BVH, GAS kết phiên trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, thị trường chỉ nhận được hai trụ trong phiên sáng là MSN +2,7% lên 115.000 đồng và SAB +2% lên 191.700 đồng và NVL +1,4%, MWG +1,1%, VJC +1%, trong khi VIC, HPG, VHM, PDR, FPT chỉ tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu giảm sâu như AGM, HDC, TNC, KPF, HVN khi đều giảm sàn.

Trong đó, HVN hôm qua đã nhận được công văn từ HOSE lưu ý về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết, do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 5.167 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2022. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giảm mạnh đáng kể khác có nhiều cổ phiếu quen thuộc, với thanh khoản tương đối cao như HTN -6,8% xuống 31.500 đồng, ASP -6% xuống 7.380 đồng, DRH -5,7% xuống 8.200 đồng, MHC -5,7% xuống 6.100 đồng, FTS -5,3% xuống 34.500 đồng, SJF -5,1% xuống 5.810 đồng, GEX -5% xuống 22.600 đồng, KBC -4,9% xuống 30.000 đồng.

Các cổ phiếu khác cũng nới đà giảm so với phiên sáng, với nhiều nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, thép, dịch vụ, nông nghiệp như SAM, NKG, IDJ, HSG, TTB, SGR, LCG, HAX, EVG, FCN, YEG, KSB, DIG, KHG, SCR, HAG, HNG, với mức giảm từ 3,3% đến gần 5%.

Trong đó, HAG -3,6% xuống 11.900 đồng, thanh khoản khớp lệnh cao nhất HOSE với 28,58 triệu đơn vị. Các cổ phiếu KBC, DIG, HSG, GEX, NKG cũng là những mã hút giao dịch nhất sàn, khớp từ 8,63 triệu đến hơn 13,2 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, họ cổ phiếu FLC nổi sóng với FLC, HAI, AMD cũng như ART và KLF trên sàn HNX đã bùng nổ, khi tất cả đều đóng cửa ở mức giá trần.

Theo đó các mã trên HOSE là FLC +6,9% lên 3.570 đồng, khớp hơn 18,4 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 4,5 triệu đơn vị, HAI tăng lên 1.580 đồng, khớp 3,86 triệu đơn vị, AMD tăng lên 2.250 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu FLC và HAI phiên này cũng là phiên giao dịch cuối cùng khi đã nhận quyết định vào diện đình chỉ giao dịch có hiệu lực từ ngày mai 9/9.

Ở những nơi khác, các cổ phiếu PDN, PTC cũng có được sắc tím khi đóng cửa, trong đó, PDN chỉ khớp được 900 đơn vị, PTC khớp hơn 214.000 đơn vị.

Tăng khá còn có DGC, APC NHA, PET, DCM, SII, VPI, VSH, VTO, với mức tăng từ 2,7% đến 4,4%, với VPI phiên này là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có nhịp giằng co quanh tham chiếu ngay khi giao dịch trở lại và chịu sức ép trong phần còn lại khi nhiều mã quay đầu giảm.

Đóng cửa, sàn HNX có 63 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index giảm 1,91 điểm (-0,67%), xuống 282,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,3 triệu đơn vị, giá trị 1.465,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,79 triệu đơn vị, giá trị 20,4 tỷ đồng.

Sắc đỏ chiếm ưu thế hơn so với cuối phiên sáng, với PVS, SHS, CEO, HUT, IDJ, AMV, TNG, MBS, APS, HDA, TVC, API, TAR…

Trong đó, PVS -2,3% xuống 25.100 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 11,93 triệu đơn vị, SHS -2,4% xuống 12.100 đồng, khớp 11,35 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, như đã đề cập, hai cổ phiếu liên quan đến FLC là KLF và ART đều tăng trần lên 2.300 đồng và 4.000 đồng, khớp lần lượt 5,44 triệu và 3,92 triệu đơn vị.

Tăng đáng chú ý khác còn có HTP +5,5% lên 50.100 đồng, S99 +3,6% lên 11.500 đồng, trong khi IDC, LAS, MST chỉ tăng nhẹ.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index dần lùi về dưới tham chiếu và tìm đến các mức thấp hơn, nhưng bất ngờ có nhịp nảy lên gần tham chiếu ở những phút cuối khi nhiều mã thu hẹp đà giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 90,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,4 triệu đơn vị, giá trị 657,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị hơn 156,4 tỷ đồng.

Đa số các cổ phiếu ở top đầu thanh khoản vẫn giảm, chỉ còn CEN nhích nhẹ 1,1%, VFS +4% lên 20.600 đồng, cùng PAS và FTM đứng tham chiếu.

Còn lại đều giảm, trong đó, BSR -2,8% xuống 23.900 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với gần 10 triệu đơn vị, C4G -3,6% xuống 13.500 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị, SBS -5,3% xuống 9.000 đồng, khớp 2,06 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều kết thúc giảm, trong đó, VN30F2209 giảm 0,9 điểm, tương đương -0,07% xuống 1.264,1 điểm, khớp lệnh hơn 295.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chi phối, với CSTB2201 phiên này có giao dịch lớn nhất khi khớp lệnh hơn 1,73 triệu đơn vị, giá giảm 23,6% xuống 420 đồng/cq, CVHM2210 -4,5% xuống 210 đồng/cq, khớp 1,58 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan