Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/7: Nhà đầu tư thận trọng khi VN-Index ở vùng giá cao

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/7: Nhà đầu tư thận trọng khi VN-Index ở vùng giá cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực rung lắc đã trở nên rõ nét hơn đối với thị trường khi VN-Index đã liên tiếp tăng 7 phiên và tạo nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư tại khu vực điểm 1.170 điểm.

Trong phiên hôm qua, lực cầu sôi động và lan tỏa các nhóm ngành tiếp tục giúp thị trường giao dịch khởi sắc từ sớm. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản là điểm sáng với hàng loạt mã nóng trở lại đường đua, tăng tốc mạnh về giá cùng giao dịch sôi động.

Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm ngành trụ cột khiến thị trường chưa thể tăng tốc. Chỉ số VN-Index đóng cửa chỉ duy trì đà tăng nhẹ nhưng đã xác lập phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp và xác lập đỉnh mới trong năm nay.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 18/7, áp lực từ vùng cản quanh 1.170 điểm đã khiến bảng điện tử phân hóa mạnh từ sớm, nếu không muốn nói rằng sắc đỏ lấn át, nhưng nhờ nhóm bluechip tương đối vững chắc đã giúp VN-Index không hẳn mất đà, mà chỉ giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu.

Lực cầu thận trọng với chỉ số ít mã đi ngược thị trường như POM và VNS khi sớm tăng trần lên 8.450 đồng và 25.900 đồng, nhưng thanh khoản không quá ấn tượng.

Trong khi đó, nhà đầu tư cũng tiết giảm cung giá thấp, với sắc đỏ dù có gần 270 mã tính riêng trên HOSE sau hơn 1 giờ giao dịch, nhưng không mã nào giảm quá sâu.

Thông tin mới đến thị trường có lẽ là việc HOSE đã công bố danh mục thành phần chỉ số VN30 có hiệu lực trong sáu tháng, tính từ ngày 07/8/2023 đến 02/2/2024.

Theo đó, cổ phiếu NVL, PDR rời khỏi rổ VN30. Thay vào đó là hai mã ngân hàng SHB và SSB.

Trong đó, cổ phiếu SHB đang có mức tăng tốt nhất trong nhóm ngân hàng khi nhích 3% và khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh, còn SSB nhích nhẹ, với chỉ hơn 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản sụt giảm thấy rõ và sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng VN-Index kết phiên trên tham chiếu nhờ một số cổ phiếu ngân hàng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 174 mã tăng và 253 mã giảm, VN-Index tăng 1,86 điểm (+0,16%), lên 1.174,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 376,4 triệu đơn vị, giá trị 7.494,3 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 581 tỷ đồng.

Như đã đề cập, một số cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ cột như VPB, BID, SHB, TPB, cùng GAS, khi giúp VN-Index có được hơn 2 điểm tích cực.

Trong đó, VPB là cổ phiếu tăng tốt nhất và dẫn đầu trong rổ VN30 với mức tăng 2,4% lên 20.950 đồng, thanh khoản cũng tốt nhất thị trường khi có hơn 25,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Theo sau là TPB +1,9% lên 18.600 đồng và SHB +2,9% lên 14.150 đồng. Đây cũng là hai mã có khối lượng khớp lệnh chỉ đứng sau VPB, khi đều có hơn 15,1 triệu đơn vị mỗi cổ phiếu.

Các mã tăng khác còn GAS và VIB nhích hơn 1%, còn lại VNM, VHM, HDB, MSN, CTG, BID tăng nhẹ từ 0,1% đến 0,8%.

Ở chiều ngược lại, không bluechip nào giảm mạnh, với SSI, NVL, MWG và PDR giảm 1% đến 1,5%, còn lại VJC, VRE, PLX, GVR, FPT chỉ mất điểm nhẹ. Cùng với đó, HPG, MBB, SAB, TCB, VCB và VIC đứng giá tham chiếu.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền thận trọng khiến chỉ một số ít cổ phiếu đáng chú ý như POM tăng trần +7% lên 8.450 đồng, khớp 0,73 triệu đơn vị và VNS cũng tăng trần +6,8% lên 25.900 đồng, khớp 0,33 triệu đơn vị.

Tăng tốt khác chỉ còn PGD +6,4% lên 57.900 đồng, SGT +5,4% lên 15.600 đồng, KPF +4,4% lên 8.480 đồng, CKG +3,8% lên 24.600 đồng, APG +3,5% lên 8.210 đồng, PTC +3,1% lên 7.890 đồng. Các cổ phiếu nhích hơn 2% chỉ còn NBB, QCG, DCM, VCG, TV2, PHC, BWE, TDG, nhưng phần lớn thanh khoản không cao, ngoại trừ VCG khớp hơn 8,2 triệu đơn vị, DCM khớp gần 4 triệu đơn vị…

Trái lại, cũng như đầu phiên khi lực cung giá thấp không xuất hiện, khiến các mã giảm gần như chỉ mất điểm nhẹ.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên đã dần thoái lui và về dưới tham chiếu khi kết phiên, dù mức giảm cũng không đáng kể.

Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 230,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 48 triệu đơn vị, giá trị 566,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,46 triệu đơn vị, giá trị 71,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật là IVS của CTCP Chứng khoán Guotai Việt Nam, khi tăng trần +9,5% lên 11.500 đồng, khớp hơn 1,05 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng khác như IDJ +3,6% lên 5.800 đồng, LAS +3,2% lên 12.800 đồng, PVC +2,1% lên 19.600 đồng, các mã TAR, IDC, API, APS, DVM chỉ tăng nhẹ.

Các cổ phiếu giảm có SHS, CEO với khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn khi có 6,16 triệu và 5,13 triệu đơn vị, nhưng mức giảm không lớn, với SHS chỉ mất 0,7% xuống 14.600 đồng, CEO -1,9% xuống 20.500 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên và tạm nghỉ trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%), xuống 86,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,87 triệu đơn vị, giá trị 327,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,73 triệu đơn vị, giá trị 17,4 tỷ đồng.

Khá nhiều cổ phiếu đảo chiều và về tham chiếu như BSR, BBT, C4G, VHG, ABB, NED, KVC, BOT…trong đó, BSR vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất UpCoM khi có hơn 2,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở những nơi khác, G36 +6% lên 10.600 đồng và khớp lệnh chỉ đứng sau BSR với 1,98 triệu đơn vị, tăng khá còn có PXS +6,1% lên 7.000 đồng, còn OIL, AAS, VGI chỉ tăng nhẹ.

Các cổ phiếu giảm điểm có SBS, TVN, FPL, TCI, CEN với mức giảm trên dưới 2,5%, còn DDV và VTP chỉ giảm nhẹ, khớp từ 0,32 triệu đến hơn 1,27 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan