Giao dịch chứng khoán phiên sáng 30/3: Tiền đầu cơ ồ ạt chảy, cổ phiếu penny nổi sóng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 30/3: Tiền đầu cơ ồ ạt chảy, cổ phiếu penny nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh đã tạo nên những con sóng lớn tại nhóm cổ phiếu penny trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, lực mua mạnh ngay từ sớm đã giúp VN-Index bật tăng ngay khi mở cửa, nhưng sự thận trong quay trở lại khiến chỉ số chỉ giằng co nhẹ quanh mốc 1.170 điểm.

Điểm hạn chế của thanh khoản trong phiên sáng cũng là cơ hội vào hàng trong phiên chiều, khi nghẽn lệnh không xảy ra, tâm lý theo đó hưng phấn đã giúp VN-Index nới đà tăng và vọt lên trên 1.175 điểm khi đóng cửa.

Theo BVSC nhận định, về tổng thể, sau khi hồi phục thành công từ vùng hỗ trợ quanh 1.150 điểm, chỉ số tiếp tục duy trì dao động trong kênh giá đi ngang 1.150 - 1.200 điểm. Xu thế dao động này có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, phiên tới, tổ chức FTSE Russell sẽ công bố kết quả đánh giá xếp hạng thị trường kỳ 1/2021. Sự kiện này có thể tạo ra sự ảnh hưởng đối với xu hướng thị trường.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 30/3, sự thận trong trong khoảng 30 phút đầu đã khiến VN-Index có nhịp đảo chiều quanh tham chiếu với biên độ hẹp.

Tuy nhiên sau đó, lực mua tự tin hơn ở một số cổ phiếu thanh khoản tốt, cùng một vài trụ đỡ lớn như VIC, CTG, BVH có mức tăng khá trên dưới 2% đã giúp VN-Index vọt lên trên mốc 1.180 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhóm cổ phiếu thị trường sau những phút đầu được phủ nhiều sắc tím đã hạ nhiệt, đáng kể như ROS, AMD, HAI, TSC, FIT và thậm chỉ là cả cổ phiếu nóng nhất sàn hiện nay là FLC.

Tuy nhiên, lực cầu chảy mạnh ngay sau đó đã hấp thụ hết lượng cung chốt lời, khiến sức nóng của ROS và FLC trở lại khi cả 2 tiếp tục lên mức giá trần.

Ngoài cặp đôi ROS - FLC, thì DLG cũng đang tạo sóng lớn khi lên mức giá trần 2.300 đồng, khớp hơn 18 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cũng tăng trần còn có AAT, HHP, HVH, FTM, TNT, QBS vẫn giữ được mức giá trần, nhưng thanh khoản thấp, chưa đến 1 triệu đơn vị.

Tân binh SSB vẫn tiếp tục hút mạnh dòng tiền và sớm leo lên mức giá trần +6,9% lên 26.350 đồng.

Vượt lên trên 1.180 điểm sau nửa đầu phiên, thị trường dần phân hóa hơn và bảng điện tử nghiêng hẳn về số mã giảm.

Tuy vậy, với việc cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC nới đà đi lên, cùng giao dịch ở các mã thanh khoản tốt vẫn khởi sắc đã thúc đẩy VN-Index nhích thêm đôi chút lên quanh 1.182 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 194 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index tăng 6,40 điểm (+0,54%), lên 1.182,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 485,55 triệu đơn vị, giá trị 9.268,4 tỷ đồng, tăng gần 24% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 840,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC thực sự đã gồng gánh cho VN30, khi nhóm này có tới 17 mã giảm, nhưng VN30-Index vẫn tăng hơn 6 điểm.

Theo đó, VIC là mã tăng tốt nhất +4,61% lên 118.000 đồng, khớp hơn 3,71 triệu đơn vị. Tiếp theo là STB +3,9% lên 19.950 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng lớn nhất sàn HOSE với gần 46,8 triệu đơn vị, BVH +1,9% lên 60.300 đồng, MSN +1,2% lên 87.100 đồng, còn lại nhích nhẹ là VNM, CTG, TCB, NVL, VHM…

Đáng chú ý, cổ phiếu PNJ có thời điểm bị bán mạnh và giảm xuống mức giá sàn, trước khi được kéo trở lại, kết phiên còn tăng điểm +0,1% lên 85.100 đồng.

Ở các mã giảm, REE là mã giảm sâu nhất, kết phiên -2,4% xuống 53.000 đồng, nhóm VCB, VRE, VJC, HDB, MWG, SSI, BID giảm nhẹ từ 0,4% đến 0,9%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi FLC và ROS giữ nhiệt khi đều đứng ở mức giá trần tại 12.600 đồng và 4.760 đồng.

Trong đó, FLC khớp hơn 43,7 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 11,4 triệu đơn vị, ROS khớp hơn 40,5 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 2,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu liên quan là AMD, HAI cũng nhảy vọt, với HAI tăng trần lên 3.900 đồng, khớp hơn 11,1 triệu đơn vị, AMD +6,1% lên 4.000 đồng, khớp hơn 13,2 triệu đơn vị.

Đáng kể khác là DLG, khi cũng tăng hết biên độ +7% lên 2.300 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau FLC và ROS với hơn 18,7 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SSB cũng tương tự, khi +6,9% lên 26.350 đồng, khớp hơn 1,72 triệu đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, HAP bị chốt lời và giảm sàn -6,9% xuống 15.500 đồng, khớp hơn 3,28 triệu đơn vị. Trong khi VIX, HNG, LDG, HSG, IJC, KBC, MSB, LCG chìm trong sắc đỏ, khớp từ 1,52 triệu đến hơn 7,26 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật tăng mạnh ngay khi mở cửa, nhưng đã thu hẹp đà tăng sau đó, khi nhiều mã lớn hạ nhiệt, đáng kể là SHB.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 69 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index tăng hơn 3,13 điểm (+1,13%), lên 279,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112,8 triệu đơn vị, giá trị 1.756 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,12 triệu đơn vị, giá trị 62,3 tỷ đồng.

Giao dịch tại SHB tiếp tục là diễn biến đáng chú ý nhất, sau khi chớm đỏ khi mở cửa và được kéo nhẹ lên sau đó, trước khi bất ngờ có lô hơn 9,8 triệu cổ phiếu mua ở mức giá trần đã kéo mã này tăng hết biên độ và thu hẹp đà tăng sau đó cũng không lâu, kết phiên SHB +7% lên 22.900 đồng, tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35 triệu đơn vị.

Phần còn lại ngoài một số mã nhỏ ART, VIG, ACM, ITQ, FID tăng kịch trần, KLF +7,5% thì đều biến động nhẹ, như PVS, CEO, NDN đứng tham chiếu, trong khi THD, BAB, IDC, MBS giảm nhẹ trên dưới 1%, và SHS, NVB, TNG tăng không đáng lể.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích nhẹ khi mở cửa, nhưng sắc xanh nhạt này cũng chỉ giữ được sau nửa đầu phiên, và sau đó bị đẩy hẳn xuống dưới tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt có PAS, KSH ABB, C4G, VHG, PVV, ATB còn tăng, trong khi BSR -1,8% xuống 16.400 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 5,55 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,11%), xuống 80,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,1 triệu đơn vị, giá trị 426,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 156,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan