Giao dịch chứng khoán sáng 12/5: Nhóm thủy sản, dệt may hút dòng tiền

Giao dịch chứng khoán sáng 12/5: Nhóm thủy sản, dệt may hút dòng tiền

(ĐTCK) Áp lực chốt lời dần xuất hiện khi thị trường đã tăng 5 phiên liên tiếp và chạm vùng kháng cự mạnh quanh 830 điểm, nhưng dòng tiền vẫn dành sự quan tâm lớn đến 2 nhóm cổ phiếu được đánh giá sẽ khởi sắc nhờ EVFTA là dệt may và thủy sản - đặc biệt là chế biến, xuất khẩu tôm.

Những thông tin tích cực từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hậu đại dịch, đã giúp tâm lý nhà đầu tư hứng khởi hơn. Dòng tiền nội trong những phiên gần đây tham gia khá mạnh, là động lực giúp thị trường liên tục bứt phá qua các mốc kháng cự cao hơn.

Sau tuần khởi sắc đầu tiên của tháng 5, chỉ số VN-Index tiếp tục tiến bước và chớm vượt đỉnh cao nhất của tuần trước với việc ghi nhận mức tăng gần 15 điểm khi kết phiên 11/5.

Theo nhận định của KBSV, thị trường sẽ trải qua diễn biến rung lắc mạnh hơn trong những phiên tới khi chỉ số động lượng RSI bắt đầu bước vào vùng quá mua và tại điểm VN-Index tiếp cận vùng kháng cự mạnh 83x, tương ứng kênh tăng điểm trung dài hạn, vốn đã bị xuyên thủng trong nhịp giảm điểm trước, bây giờ đóng vai trò là ngưỡng cản.

Bước vào phiên giao dịch sáng 12/5, áp lực bán gia tăng mạnh sau 5 phiên tăng vọt khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip sau nhiều phiên đóng vai trò là trụ đỡ chính dẫn dắt thị trường, đã chuyển hướng trong phiên sáng nay và trở thành những gánh nặng chính khi phần lớn đều đảo chiều giảm điểm.

Tuy nhiên, sau khoảng 20 phút giao dịch, khi chỉ số VN-Index thủng mốc 820 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá sôi động đã giúp thị trường bật ngược đi lên và thử thách ngưỡng kháng cự 830 điểm.

Mặc dù dòng tiền tham gia khá tích cực nhưng áp lực bán thường trực khiến chỉ số VN-Index diễn biến rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Sau sóng ngân hàng, dầu khí trong những phiên trước, trong phiên sáng nay, các cổ phiếu trong nhóm dệt may đua nhau tạo sóng khi đồng loạt khởi sắc, điển hình như TCM, GMC, NPS, TNG đồng loạt tăng trần.

Sự thăng hoa trên xuất phát từ công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sắp đến. Trước đó, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Theo đó, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Áp lực chốt lời cùng rổ VN30 kém tích cực đã kéo thị trường chùng xuống, nhưng may mắn là lực bán không quá lớn, qua đó, VN-Index giằng co và kết phiên chỉ mất điểm nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 181 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index giảm 1,28 điểm (-0,15%), xuống 827,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 182,4 triệu đơn vị, giá trị 3.242,5 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,1 triệu đơn vị, giá trị 344 tỷ đồng.

Rổ VN30 có tới 19 mã giảm, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ, trừ HPG -2,1% xuống 23.450 đồng; MWG -2,7% xuống 82.700 đồng; NVL -1,9% xuống 53.000 đồng; VJC -1,4% xuống 117.000 đồng; MSN -1,6% xuống 62.100 đồng; VRE -1,8% xuống 25.000 đồng.

Trong khi đó, một số lại tăng khá tốt bù đắp như BVH +3% lên 49.600 đồng; MBB +1,8% lên 17.100 đồng; TPB +2,7% lên 19.250 đồng, cùng VNM, TCB nhích hơn 1,2% và SAB +1%.

Thanh khoản MBB vươn lên dẫn đầu nhóm và cũng là cao nhất HOSE với hơn 8,4 triệu đơn vị khớp lệnh; STB và HPG có trên 6,5 triệu đơn vị; ROS có 4,3 triệu đơn vị, giảm nhẹ 0,9% xuống 3.460 đồng; VPB có 4 triệu đơn vị; nhóm TCB, SSI, POW, CTG có từ 2,38 triệu đến 3,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường, sự chú ý vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu dệt may như TCM, GMC, và nhóm cổ phiếu thủy sản CMX, ACL, ANV, AGM, TS4, khi tất cả đều tăng kịch trần, trong đó, TCM thanh khoản cao nhất với 1,35 triệu đơn vị khớp lệnh.

Theo dữ liệu thì xuất khẩu tôm Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. So với các nhóm thủy sản khác như cá tra, cá ngừ… (chủ yếu là sụt giảm) thì mức này được đánh giá khả quan.

Trong đó, thị trường Mỹ tăng 11,5% là mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Tiếp theo, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019.

Phần còn lại ở nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa với PVD, ITA, HAG, DPM, DCM, LDG, HBC, DXG, FLC, HAI tăng điểm, còn HSG, ASM, DLG, HCM, GTN, DAH, NKG, PVT chốt phiên trong sắc đỏ.

Đáng kể, TTB tăng kịch trần +6,9% lên 3.430 đồng; VCI +6,4% lên 22.350 đồng; DBC +5,5% lên 31.700 đồng; AST +4,8% lên 54.300 đồng…

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index có nhịp giảm khá mạnh ngay khi mở cửa, và trồi dần lên sau đó và giao dịch giằng co quanh tham chiếu cho đến hết phiên.

Giao dịch đáng chú ý ở TNG, khi nhận hiệu ứng chung từ nhóm dệt may, tăng kịch trần +9,5% lên 13.800 đồng, khớp lệnh hơn 3,83 triệu đơn vị và không có lệnh bán ra.

Còn lại diễn biến phân hóa, nhưng các cổ phiếu lớn đều giảm như SHB -0,6% xuống 17.400 đồng; VCG -0,4% xuống 25.300 đồng; VCS -1,4% xuống 64.400 đồng; PVS -0,8% xuống 12.600 đồng; CEO -1,4% xuống 7.100 đồng; SHS -2,3% xuống 8.600 đồng; TAR -5,5% xuống 31.200 đồng, trong khi ACB, NVB, NDN đứng giá tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu nhỏ HUT đứng tham chiếu, KLF tăng kịch trần, thanh khoản đều đứng nhất nhì sàn, lần lượt 7,5 triệu và 3,93 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,23%), xuống 111,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,48 triệu đơn vị, giá trị 294,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,6 triệu đơn vị, giá trị 44,15 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm khá sâu khi mở cửa, và sau đó hồi phục, tạm kết phiên trong sắc xanh nhạt.

Trong nhóm các mã được giao dịch nhiều nhất thì đáng tiếc BSR và LPB đứng tham chiếu, C4G và OIL giảm, còn lại đều tăng như TND, VIB, VGI, VGT, C36, ACV, PXL, LTG, CTR, QNS, MPC…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 53,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,05 triệu đơn vị, giá trị 108,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Tin bài liên quan