Giao dịch chứng khoán sáng 22/9: Áp lực bán tháo xuất hiện, thị trường lao dốc

Giao dịch chứng khoán sáng 22/9: Áp lực bán tháo xuất hiện, thị trường lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh và bắt đầu xuất hiện đà bán tháo đã khiến thị trường lao dốc, chỉ số VN-Index có thời điểm bay gần 40 điểm.

Trái với những suy luận của giới đầu tư, thị trường bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh ngày 21/9 dù đã có phiên hồi phục tốt trước đó. Chỉ số VN-Index đang bám sát đường trung bình động MA20 và ngưỡng 1.200 điểm vẫn là hỗ trợ tâm lý mạnh cho thị trường.

Tuy nhiên, việc chỉ số kết phiên với cây nến giảm điểm mạnh dạng marubozu cùng thanh khoản tăng, trong đó, sự suy yếu rõ rệt của nhóm ngành nhạy cảm với thị trường là nhóm chứng khoán, cho thấy tâm lý của giới đầu tư có phần tiêu cực hơn và đà tăng ngắn hạn sẽ khó tiếp tục trở lại.

Theo TVSI, trong các phiên còn lại của tháng 9, thị trường sẽ vận động tăng giảm trong biên độ 20 điểm để hình thành vùng nền tích lũy. Nếu chỉ số tiêu cực hơn dự báo và để mất vùng hỗ trợ mạnh quanh khu vực 1.190 điểm, nhà đầu tư nên thoát khỏi thị trường trong ngắn hạn.

Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán sáng cuối tuần ngày 22/9, trong bối cảnh tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, với cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm hơn 1%, khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tồi tệ hơn bởi lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed sẽ duy trì lâu hơn dự báo, chứng khoán trong nước cũng chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa.

Trên bảng điện tử, hàng trăm mã mất điểm, trong khi chỉ còn vài ba chục mã giữ được sắc xanh. Chỉ số VN-Index dễ dàng thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và tiếp tục có xu hướng lùi sâu hơn khi lực bán tiếp tục gia tăng mạnh.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực bán tháo dâng cao khiến thị trường cắm đầu lao dốc. Chỉ số VN-Index bay gần 40 điểm và rơi xuống mốc 1.175 điểm khi trên bảng điện tử, số mã giảm sàn đã vượt số mã tăng.

Toàn bộ các nhóm ngành trên thị trường đều giảm sâu, trong đó, chứng khoán vẫn đi đầu sự mất mát khi nhiều cổ phiếu đã giảm kịch sàn như CTS, AGR, APG, hay giảm sát sàn như SSI, VIX, HCM, BSI.

Các mã tác động mạnh nhất tới chỉ số chung hiện có VHM, HPG, VIC, GVR, và các cổ phiếu ngân hàng như VPB, BID, VCB.

Trái lại, một số mã trong nhóm thủy sản và dệt may đang ngược dòng thành công như ANV, IDI, GIL, TNG đang tăng trên dưới 2%.

Thị trường tạm khép lại phiên giao dịch sáng giảm mạnh với thanh khoản tăng vọt.

Cụ thể, sàn HOSE có tới 503 mã giảm (6 mã giảm sàn), gấp tới gần 17 lần số mã tăng (30 mã), VN-Index giảm 32,81 điểm (-2,71%), xuống 1.179,93 điểm. Thanh khoản tăng vọt với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 859,4 triệu đơn vị, giá trị 19.569,42 tỷ đồng, đều tăng hơn 127% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,45 triệu đơn vị, giá trị 450,28 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất GAS ngược dòng thị trường chung với mức tăng nhẹ 0,8%, còn lại đều mất điểm. Trong đó, các mã giảm sâu nhất là SSI giảm 5,9%, HPG giảm 4,9%, MWG giảm 4,4%, GVR giảm 4,1%, BCM, VHM và VIC cùng giảm 3,8%...

Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn là nhóm giảm sâu nhất thị trường dù một số mã đã thoát khỏi trạng thái nằm sàn. Chốt phiên sáng nay, chỉ còn duy nhất VIX giảm sàn, tuy nhiên, các mã khác như SSI, VCI, VND, HCM, BSI, FTS, AGR, ORS, VDS đều có mức giảm trên 6%. Trong đó, 3 mã SSI, VND, VIX có thanh khoản sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 49,8 triệu đơn vị và cùng đạt hơn 38 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép cũng có sự góp mặt của HSG và NKG chốt phiên giảm sàn, trong khi HPG thuộc top tạo sức ép lớn cho chỉ số chung khi lấy đi gần 1,7 điểm, chỉ thua VHM làm giảm hơn 2,1 điểm.

Trên sàn HNX, cả thị trường niêm yết và giao dịch UPCoM đều giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 24 mã tăng trong khi có tới 178 mã giảm (6 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 9,23 điểm (-3,67%), xuống 242,64 điểm. Thanh khoản cũng tăng vọt, vượt cả phiên giao dịch của ngày hôm qua với tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105 triệu đơn vị, giá trị 1.993,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 4 tỷ đồng.

Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 1,9 điểm (-2,06%), chốt phiên tại mốc 90,49 điểm khi có tới 267 mã giảm (37 mã giảm sàn) và chỉ 68 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,85 triệu đơn vị, giá trị 862,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,17 triệu đơn vị, giá trị 51,42 tỷ đồng.

Một số mã đáng chú ý có thanh khoản tốt trên UPCoM cũng trong xu hướng giảm mạnh.

Cụ thể, trên HNX, SHS thanh khoản tốt nhất với hơn 34,43 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 7,3% xuống mức đồng/CP. Các mã chứng khoán khác như PSI giảm 5,3%, EVS giảm 6,7%, MBS giảm 7,3%, BVS giảm 6,8%...

Đứng sau SHS về thanh khoản là PVS và CEO đều đạt khối lượng khớp gần 8 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt giảm 4,4% và 7,3%.

Trên UPCoM, BSR giảm 5% xuống mức 20.700 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu với 10,38 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trái lại, cổ phiếu CEN vẫn ngược dòng thị trường chung, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, CEN tăng 4,2% lên mức 10.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,95 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan