Giao dịch chứng khoán sáng 9/3: Lực bán vẫn lớn

Giao dịch chứng khoán sáng 9/3: Lực bán vẫn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên lao dốc chiều qua, thị trường nỗ lực trở lại trong phiên sáng nay, nhưng lực bán vẫn lớn khiến thị trường gặp khó. Ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.480 điểm bây giờ tạm thời đang là ngưỡng cản của VN-Index.

Trong phiên hôm qua, lực bán mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index có phiên lao dốc mạnh, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.480 điểm, vượt ra ngoài dải dưới bolliger band và tiếp cận ngưỡng hỗ trợ mới là đường MA 100 (1.470 điểm).

Các tín hiệu kỹ thuật khác cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu tiêu cực. Dải bolliger đang có xu hướng mở rộng xuống phía dưới, MACD phân ký, đường ADX đang có xu hướng tăng mạnh, trong khi RSI đang theo xu hướng giảm.

Bước vào phiên sáng nay, một số nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy đầu phiên giúp thị trường lấy lại sắc xanh, VN-Index trở lại ngưỡng 1.480 điểm, sắc xanh chiếm ưu thế. Tuy nhiên, với các thông tin không mấy tích cực từ bên ngoài với căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng vọt, gây áp lực lên lạm phát, còn phố Wall tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không cảm thấy yên tâm.

Ngay sau khi nhận thấy dòng tiền bắt đáy hoạt động, lực bán đã nhanh chóng được đẩy vào, khiến VN-Index quay đầu và lùi thẳng qua tham chiếu, từ mức tăng hơn 9 điểm lúc đầu phiên, đã đảo ngược thanh giảm hơn 9 điểm sau 1 tiếng giao dịch.

Sắc sắc đã dần bị thay thế bởi sắc đỏ khi cả sàn HOSE có tới gần 350 mã giảm, trong khi chỉ có hơn 80 tăng so với con số 250 mã đầu phiên.

Gần như toàn bộ các nhóm đều giảm giá, ngay cả các nhóm ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa, năng lượng tăng như thép, dầu khí, phân bón cũng bị chốt lời và đồng loạt quay đầu giảm, chỉ còn vài ba mã giữ được đà tăng nhẹ.

May mắn cho VN-Index không bị giảm sâu khi VCB sau phiên giảm mạnh hôm qua đã được kéo hồi hơn 1,5% sáng nay và đây cũng là một trong 2 sắc xanh lẻ loi của nhóm ngân hàng, cùng với TPB.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán toàn bộ đều khoác đồng phục đỏ rực, bất động sản cũng chỉ còn lác đác vài ba sắc xanh nhạt, còn lại đều giảm với mức giảm mạnh.

Nhóm dược phẩm, thủy sản, điện…, cũng chỉ có một vài ba mã tăng, còn lại đều giảm.

Trên thị trường còn xuất hiện một số sắc tím ở các mã có tính đầu cơ cao như TGG, AAM, hay 2 mã liên quan đến dầu khí là PIT, PMG. Trong khi đó, các mã mang tính đầu cơ khác như OCG, TSC lại giảm sàn. Cùng giảm sàn còn có PTC, TAC, MCP, EMC.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,08%), xuống 1.472,54 điểm với 142 mã tăng (14 mã trần), trong khi có tới 310 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 546,7 triệu đơn vị, giá trị 17.450 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,3 triệu đơn, giá trị 615,2 tỷ đồng.

VN-Index hãm đà rơi là nhờ các mã trụ được kéo, trong đó VCB sau phiên giảm sâu hôm qua đã được kéo tăng 1,84% lên 83.000 đồng sáng nay, đóng góp 1,8 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, nhóm dầu khí dù chịu áp lực chốt lời, nhưng với việc giá dầu thô Brent lên ngưỡng trên 131 USD/thùng đã lần lượt trở lại, trong đó mã đầu ngành GAS tăng 1% lên 121.900 đồng. PLX cũng tăng 2% lên 62.500 đồng. Cùng với VJC, VIC, PNJ, GMD, FPT giúp hãm đà giảm của thị trường.

Ngoài VCB, nhóm ngân hàng cũng có thêm nhiều mã được kéo tăng như TPB, CTG, ACB, TPB, nhưng mức tăng khiêm tốn. Trong khi đó, BID là mã giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng khi giảm 1,92% xuống 40.800 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 1 điểm, lớn nhất trong các mã tiêu cực.

Nhóm chứng khoán cũng đã có 4 sắc xanh nhạt so với toàn sắc đỏ nửa đầu phiên sáng. Tương tự là nhóm bất động sản cũng có nhiều mã chuyển màu xanh, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm thế chủ đạo.

Nhóm phân bón cả 3 mã BFC, DPM và DCM đều lấy lại được sắc xanh, trong đó BFC tăng mạnh nhất 5,34% lên 38.450 đồng, DPM tăng 2,1% lên 63.300 đồng và DCM tăng 1,9% lên 43.000 đồng

Nhóm thép phân hóa rõ nét khi chia đôi xanh đỏ, nhưng các mã lớn trong nhóm đều có sắc xanh, trong đó HPG tăng nhẹ 0,4% lên 49.650 đồng, HSG tăng 1,24% lên 40.900 đồng, NKG tăng 2,24% lên 50.200 đồng. Thanh khoản HPG vượt trội các mã trong nhóm, cũng như nhóm bluechip với 17,76 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HAG trên sàn HOSE.

Về các mã thị trường, HAG dù có thanh khoản tốt nhất với 19,13 triệu đơn vị và mở cửa tăng hơn 1%, nhưng lực bán lớn khiến mã này đóng cửa giảm 1,7% xuống 11.500 đồng. Các mã khác như ITA, FLC, HNG, GEX, ROS, HQC, LDG, TTF… cũng chìm trong sắc đỏ, thậm chí TSC còn giảm sàn xuống 21.050 đồng, khớp 8,4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn hơn 4,8 triệu đơn vị. Trong khi OGC thoát được mức sàn khi đóng cửa ở mức 13.400 đồng, giảm 2,9%, khớp 4,2 triệu đơn vị.

Nhóm tăng trần ngoài các mã đã liệt kê nửa đầu phiên sáng, còn có thêm nhóm vận tải biển như GMD, HAH, VOS, VTO và một vài mã khác như TNT, YEG, ABT…

Sàn HNX cũng lao mạnh nửa đầu phiên, nhưng sau cũng hồi lại và chỉ còn giảm nhẹ khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,42 điểm (-0,54%), xuống 443,46 điểm với 77 mã tăng (11 mã trần), trong khi có 146 mã giảm (2 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 90 triệu đơn vị, giá trị 2.509 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 95,6 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí vẫn là đầu tàu trên HNX với PVS tăng 3,4% lên 39.300 đồng, khớp 9,2 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. Trong khi PVC còn tăng mạnh hơn 8,3% lên 33.900 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị, thậm chí có lúc lên trần 34.400 đồng.

Ngoài ra, CEO cũng có sắc xanh nhạt 0,5% lên 64.800 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị, HUT cũng tăng 0,6% lên 36.000 đồng, thanh khoản hơn 2,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS giảm 1,9% xuống 42.400 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị, thậm chí có lúc giảm sàn xuống 38.900 đồng. IDC cũng giảm 2,2% xuống 72.400 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị.

UPCoM dù cũng có lúc rung lắc và lao mạnh nửa đầu phiên sáng theo 2 sàn niêm yết, nhưng may mắn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,47%), lên 113,14 điểm với 120 mã tăng, 165 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,2 triệu đơn vị, giá trị 1.349 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 143,3 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí chính là động lực chính giúp UPCoM có được sắc xanh, trong đó BSR tăng 0,7% lên 28.900 đồng, khớp lớn nhất với 6,54 triệu đơn vị. OIL tăng 1,4% lên 21.400 đồng, khớp 2,48 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của MSR, tân binh GEE, IDP, SJG, MVN. Trong khi đó, VGT giảm 3,1% xuống 25.300 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị, VGI giảm 1,5% xuống 33.500 đồng, hay các mã ngân hàng BVB, ABB…

Tin bài liên quan