Gió ngược cuối năm với các doanh nghiệp xuất khẩu

Gió ngược cuối năm với các doanh nghiệp xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều quý liên tục tăng trưởng dương, xuất khẩu tháng 11 giảm khá mạnh, gợi ra nhiều vấn đề cần lưu tâm với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nhu cầu giảm tốc

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11/2022 chỉ đạt 57,3 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng giá trị xuất, nhập khẩu giảm lần lượt 8,9% và 7,7% so với cùng kỳ (xem biểu đồ).

Lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính đã làm cho các dự báo về nhu cầu mua sắm trở nên kém lạc quan, kéo theo các đơn đặt hàng mới suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD liên tục tăng cao kể từ tháng 9 là tác nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm nhập khẩu từ nước ngoài do chi phí gia tăng.

Dù bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại đã mang đến nhiều triển vọng lạc quan hơn, nhưng cần ít nhất một quý tới để hoạt động xuất, nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng trở lại như giai đoạn đầu năm 2022.

Câu lạc bộ tỷ USD không thể đi ngược

Kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế 11 tháng đầu năm với các đối tác chính của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá tích cực, từ 9 - 18% so với cùng kỳ. Vậy nhưng, tình hình đã bắt đầu chuyển xấu trong tháng 11.

Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhất tại các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc và ASEAN. Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) là hai nền kinh tế có giá trị hàng xuất khẩu vào Việt Nam giảm nhiều nhất.

Một điểm sáng tích cực hiếm hoi là xuất khẩu sang Nhật (tháng 11) vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 13,2%, mặc dù cũng đã giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 30,9% của tháng trước đó. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng lần lượt là 39% và 22,4%

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thủy sản có xu hướng sụt giảm kể từ tháng 4/2022 do nhiều nhà bán lẻ đã ồ ạt nhập khẩu trước đó vì lo ngại lạm phát, dẫn đến lượng tồn kho cao. Chính điều này đã tác động đến giá trị những đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản tháng 11/2022 ghi nhận con số âm lần đầu tiên kể từ đầu năm, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 788,8 triệu USD

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang Hoa Kỳ luỹ kế 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức 2,04 tỷ USD, tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ, đóng góp giá trị xuất khẩu lớn nhất cho ngành thuỷ sản Việt Nam, chiếm gần 20%. Tuy nhiên, trong tháng 11/2022, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ suy yếu.

Trung Quốc là thị trường có tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tăng mạnh nhất và vượt xa các thị trường còn lại, đạt hơn 1,49 tỷ USD kể từ đầu năm (tăng hơn 70% so với cùng kỳ), chiếm 14,6% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sự khác biệt về mức độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu thủy sản giữa Trung Quốc và các thị trường khác xuất phát từ mức nền thấp của Trung Quốc trong năm 2021.

Giá trị xuất khẩu dệt may trong tháng 11 đạt 2,891 tỷ USD, tăng 7% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân xấp xỉ 3,2 tỷ USD/tháng của 10 tháng đầu năm. Đơn hàng mới của thị trường này trong những tháng cuối năm sụt giảm đã khiến cho giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm tốc theo.

Trước áp lực lạm phát kéo dài, người dân phải thắt chặt chi tiêu cho bán lẻ may mặc đã tác động trực tiếp đến số lượng tồn kho may mặc liên tục tăng lên mức cao sau đại dịch.

Theo ghi nhận tại thời điểm quý III/2022, tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho của các doanh nghiệp may mặc Mỹ đã liên tục tăng trưởng kể từ quý III/2021. Hiện con số này đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 20% so với quý trước. Xuất khẩu hàng may mặc khó có thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023 khi mà lạm phát kỳ vọng vẫn tiếp tục duy trì ở mức 7,5 - 6,3%.

Thực tế, doanh số bán lẻ quần áo tại Mỹ đã có dấu hiệu kém khả quan bắt đầu từ tháng 9/2022. Tổng mức bán lẻ quần áo trong tháng 10 chỉ đạt mức 23,5 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ và 10% so với mức đỉnh tháng 5.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại Mỹ phải mất từ 8 - 10 tháng để hồi phục dần từ đáy kể từ khi lạm phát đạt đỉnh. Do vậy, chúng tôi cho rằng triển vọng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam chỉ có thể tích cực trở lại vào nửa sau năm 2023, khi mà lượng đơn đặt hàng mới từ Mỹ phục hồi trở lại.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11 đạt mức 1,17 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang các thị trường chủ lực như Mỹ và Hàn Quốc giảm trung bình 20% so với cùng kỳ. Trái lại, xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Canada, Đức lại tăng trưởng dương, nhưng đây là những thị trường đóng góp tỷ trọng không lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… cùng với những bất ổn kinh tế được xem là nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang Mỹ vẫn đang là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Do đó, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển thị trường nhà ở Mỹ.

Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay thế chấp nhà ở tại Mỹ liên tục đi lên kể từ đầu năm 2022 và hiện đạt mức 6,81%/năm (tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái) đang khiến cho doanh số bán nhà tại quốc gia này sụt giảm mạnh. Chúng tôi cho rằng, xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn cho đến khi các yếu tố liên quan đến thị trường nhà ở Mỹ tích cực trở lại.

Tin bài liên quan