Giới đầu tư bán tháo trong sự hoảng loạn

Giới đầu tư bán tháo trong sự hoảng loạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Năm (10/9), phố Wall quay lại đà giảm khi nhóm cổ phiếu công nghệ, được coi là dẫn dắt thị trường trong thời gian gần đây, tiếp tục bị bán tháo. 

Số liệu của Bộ Lao động công bố vào đầu hôm thứ Năm cho thấy, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước vẫn nằm ở mức cao, bên cạnh tình trạng sa thải vẫn tiếp diễn trong các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp.

Theo Bộ Lao động Mỹ, đã có thêm 884.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến hết ngày 5/9, không thay đổi nhiều so với tuần trước đó.

Mặc dù, đây là lần thứ ba số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, song con số trên vẫn cao hơn so với mức 700.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận trong một tuần vào thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.

Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ dự luật phân bổ khoảng 300 tỷ USD để kích thích nền kinh tế do Đảng Cộng hòa đề xuất. Hai phe Dân chủ và Cộng hoà tại Thượng viện vẫn bế tắc trong việc tìm tiếng nói chung về gói cứu trợ kinh tế mới.

Chỉ số đo lường biến động chung của thị trường chứng khoán CBOE ghi nhận đạt mức cao nhất gần ba tháng. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn khi dữ liệu vẽ ra một bức tranh hỗn độn về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Các chỉ số chính ở Phố Wall đồng loạt giảm điểm. GIới quan sát cho rằng, đây có thể là một đợt bán tháo hỗn loạn hơn và trượt sâu hơn.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones giảm 405,89 điểm (-1,45%), xuống 27.534,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 59,77 điểm (-1,76%), xuống 3.339,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 221,97 điểm (-1,99%), xuống 10.919,59 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa giảm điểm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách cho đến khi lạm phát đạt mức mục tiêu khoảng 2%/năm. ECB cho biết, các biện pháp kích thích hiện tại của họ là đủ và có khả năng được sử dụng một cách trọn vẹn.

Trong khi đó, tình hình xung quanh vấn đề Brexit vẫn tiếp tục căng thẳng. Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo London nên khẩn cấp hủy bỏ kế hoạch phá vỡ hiệp ước “ly hôn” nhưng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson từ chối và thay vào đó tiếp tục thúc đẩy bằng một dự thảo luật có thể khiến thành quả suốt 4 năm đàm phán chìm xuồng.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -9,52 điểm (-0,15%), xuống 6.003,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 28,32 điểm (-0,21%), xuống 13.208,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 19,05 điểm (-0,38%) xuống 5.023,93 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng khi dữ liệu cho thấy, số đơn đặt hàng máy móc tốt hơn dự kiến ​​và sự phục hồi của Phố Wall phiên đêm hôm trước củng cố phần nào tâm lý giới đầu tư.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm do tâm lý thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cổ phiếu của hơn 300 công ty khởi nghiệp lao dốc vào đầu phiên bởi các nhà quản lý thắt chặn nạn đầu cơ trên thị trường ChiNext, vốn đa số tập hợp các start-up về công nghệ.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 202,93 điểm (+0,88%), lên 23.235,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,80 điểm (-0,61%), xuống 3.234,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 155,39 điểm (-0,64%), xuống 24.313,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,67 điểm (+0,87%), lên 2.396,48 điểm.

Giá vàng tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ một phần bởi tỷ giá USD yếu hơn, bên cạnh đà sụt giảm của thị trường chứng khoán. Các chuyên gia đánh giá, tháng 9 và 10 có thể tạo ra sự hỗn loạn nghiêm trọng trên thị trường tài chính. Những bất ổn mới sẽ có lợi cho thị trường kim loại quý vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn.

Kết thúc phiên 10/9, giá vàng giao ngay tăng 0,40 USD (+0,02%), lên 1.946,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 8,50 USD (+0,44), đứng ở mức 1.955,30 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày 10/9, ăn mòn mức tăng trong phiên trước đó do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu khi dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng, dù con số này đã thấp hơn so với dự kiến.

Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,75 USD (-1,97%), xuống 37,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,81 USD (-2,00%), xuống 39,77 USD/thùng.

Tin bài liên quan