Giới đầu tư đặt niềm tin vào kết quả kinh doanh của các công ty lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên thứ Hai (29/1), khi giới đầu tư đặt kỳ vọng cao vào kết quả kinh doanh của các ông lớn công nghệ, cũng như cái nhìn tích cực về quyết định lãi suất của Fed trong tuần này.
Giới đầu tư đặt niềm tin vào kết quả kinh doanh của các công ty lớn

Một loạt các cổ phiếu megacap sẽ nằm dưới “ống kính” theo dõi chặt chẽ của nhà đầu tư trong tuần này, sau khi những dự báo đáng thất vọng từ Intel và Tesla trong tuần trước đó, dấy lên những lo ngại mới về việc định giá quá cao hiện tại của các cổ phiếu này.

Trong đó, gã khổng lồ Microsoft, có quan hệ đối tác với Open AI dự kiến sẽ báo cáo doanh thu quý cuối cùng của năm 2023 tăng 15,8%. Trong số những megacap khác Alphabet (Google), sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Ba, trong khi kết quả kinh doanh của Apple Meta Platforms (Facebook), Amazon.com cùng các công ty lớn khác như Exxon Mobil, Chevron, Qualcomm, Merck, Pfizer và Boeing sẽ đến vào cuối tuần này.

"Lợi nhuận có thể không biện minh cho mức giao dịch hiện tại, nhưng khi bạn tính đến việc Fed cắt giảm lãi suất, điều đó khiến bạn cảm thấy phần nào có vị thế tốt về thị trường và lạc quan rằng đà tăng có thể tiếp tục", Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth.

Với dữ liệu gần đây cho thấy một nền kinh tế mạnh mẽ và lạm phát có xu hướng giảm, hy vọng về một kịch bản Goldilocks (nền kinh tế hạ cánh mềm) đã tăng lên.

Vì vậy, trọng tâm toàn cầu trong tuần này sẽ là quyết định chính sách tiền tệ đầu tiên của Fed trong năm nay, dự kiến vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 29/1: Chỉ số Dow Jones tăng 224,02 điểm (+0,59%), lên 38.333,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,96 điểm (+0,76%), lên 4.927,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 172,68 điểm (+1,12%), lên 15.62804 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong hai năm trong phiên trước đó, được hỗ trợ bởi cổ phiếu năng lượng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 tăng 0,21% lên 484,84 điểm, với nhóm cổ phiếu dầu khí tăng 1%, ngay cả khi giá dầu thô mất đà trong một phiên giao dịch giằng co.

Mặt khác, ngành viễn thông giảm 0,8% với công ty Phần Lan Elisa giảm 4,5% sau khi công ty môi giới Inderes hạ khuyến nghị xuống "giảm tỷ trọng".

Cổ phiếu ngân hàng cũng đi xuống, giảm 0,5%, trong khi tài chính mất 0,4% do đà giảm 3,7% của Schroders, sau khi Exane BNP Paribas hạ cấp cổ phiếu của nhà quản lý quỹ Anh và Jefferies nêu lên lo ngại về phí bảo hiểm của công ty.

Trọng tâm của nhà đầu tư bây giờ sẽ là quyết định lãi suất của Fed vào cuối tuần này, với khả năng chỉ 50% xác suất sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Ba, theo CME FedWatch Tool.

"Fed có nhiệm vụ kép - lạm phát và việc làm", Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.

"Trong khi trước đây đã đi một chặng đường dài trong năm ngoái, thị trường việc làm vẫn rất chặt chẽ... Chủ tịch Fed, ông Powell đã nhấn mạnh vào sự cần thiết phải nhìn thấy một số điểm yếu trong thị trường lao động để xem xét nới lỏng các điều kiện tài chính”.

Kết thúc phiên 29/1: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 2,35 điểm (-0,03%), xuống 7.632,74 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 19,68 điểm (-0,12%), xuống 16.941,71 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 6,67 điểm (+0,08%), lên 7.640,81 điểm.

Giá dầu thô giảm do lĩnh vực bất động sản yếu của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu, khiến các nhà giao dịch phải đánh giá lại phần bù rủi ro nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Kết thúc phiên 29/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,23 USD/thùng (-1,6%), xuống 76,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD/thùng (-1,4%), xuống 82,40 USD/thùng.

Tin bài liên quan