Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đứng trước nhiều nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, số ca nhiễm Covid gia tăng mạnh, lưỡng đảng của Mỹ bất đồng về các gói cứu trợ... là những thông tin khiến giới đầu tư bất an.

Phố Wall có phiên giao dịch giằng co do ảnh hưởng từ các cổ phiếu có kết quả kinh doanh trái ngược vừa được công bố.

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch thứ Tư (22/7), cả 3 chỉ số chính của phố Wall vẫn duy trì được đà tăng, dù không quá mạnh. Kết quả kinh doanh của 75 công ty trong S&P 500 đã cố bố, có tới 77,3% doanh nghiệp vượt qua ky vọng, dù kỳ vọng hiện tại thấp hơn nhiều so với bối cảnh bình thường.

Thêm thông tin kinh tế tích cực khác, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 6 đã tăng mức kỷ lục 20,7%, theo Hội Môi giới quốc gia. Trong khi đó, chỉ số giá nhà ở Philadelphia tăng 3%, vượt trội so với thị trường chung cả nước.

Tuy nhiên, giới đầu tư đang đứng trước nhiều nỗi bất an. Đầu tiên phải kể đến căng thăng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Washington tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, tiểu bang Texas, đồng thời Tổng thống Trump tuyên bố có thể đóng cửa nhiều lãnh sự quán Trung Quốc khác.

Trung Quốc đã phản đối gay gắt và theo thông tin, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán.

Căng thẳng giữa 2 siêu cường này ngày càng gia tăng trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, chính trị, vấn đề dịch bệnh...

Trong khi đó, tại nước Mỹ, số ca nhiễm mới Covid không ngừng gia tăng và trong ngày hôm qua có thêm hơn 1.000 người chết vì virus này, nâng tổng số người chết lên gần 142.000 người. Trong khi đó, đảng Dân chủ và Cộng hòa lại đang có bất động về gói kích thích kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ USD, trong khi thời hạn để hỗ trợ cho hàng triệu người Mỹ mất việc chỉ còn vài tuần.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Dow Jones tăng 165,44 điểm (+0,62%), lên 27.005,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,72 điểm (+0,57%), lên 3.276,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,76 điểm (+0,24%), lên 10.706,13 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu quay đầu giảm khi căng thẳng Mỹ - Trung được đẩy lên một nức thang mới khi Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, đồng thời truy tố 2 công dân Trung Quốc với tội danh đánh cắp thiết kế vũ khí.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 62,63 điểm (-1,00%), xuống 6.207,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 67,58 điểm (-0,51%), xuống 13.104,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 67,16 điểm (-1,32%), xuống 5.037,12 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á có sự trái chiều, trong khi chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông giảm điểm, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông do nỗi lo số ca nhiễm Covid gia tăng trên thế giới, cùng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thì chứng khoán Trung Quốc lại có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với thông tin cơ quan quản lý thị trường sẽ cải cách chỉ số Shanghai Composite sau 30 năm. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm điểm khi đóng cửa, nhưng mức điểm gần như không đổi.

Kết thúc phiên 22/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 132,61 điểm (-0,58%), xuống 22.751,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,27 điểm (+0,37%), lên 3.333,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 577,72 điểm (-2,25%), xuống 25.057,94 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,17 điểm (-0,00%), xuống 2.228,66 điểm.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng USD giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc và Ân Độ tăng đã đẩy giá vàng tăng vọt trong phiên thứ Tư lên mức cao nhất gần 9 năm.

Kết thúc phiên 22/7, giá vàng giao ngay tăng 29,7 USD (+1,61%), lên 1.871,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 21,2 USD (+1,15%), lên 1.865,1 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu lại giảm mạnh khi số liệu vừa công bố cho thấy, tồn kho của Mỹ gia tăng trong tuần trước và căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho của Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng 4,9 triệu thùng, trong khi giới phân tích kỳ vọng giảm 2,1 triệu thùng. Trong khi đó, sản lượng tăng 100.000 thùng mỗi ngày, lên 11,1 triệu thùng, trong khi nhu cầu lại có xu hướng giảm trở lại.

Kết thúc phiên 22/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,02 USD (-0,05%), xuống 41,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,07%), xuống 44,29 USD/thùng.

Tin bài liên quan