Giới đầu tư giao dịch thận trọng, Phố Wall tiếp tục giảm

Giới đầu tư giao dịch thận trọng, Phố Wall tiếp tục giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Hai (23/10), khi lãi suất chuẩn có thời điểm vọt hơn 5% khiến thị trường rung chuyển, trong khi sự thận trọng cũng gia tăng bởi một số công ty lớn sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này, cũng như những dữ liệu kinh tế quan trọng khác cũng sẽ được công bố.

Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có thời điểm chạm mốc cao nhất kể từ tháng 7/2007 ở mức trên 5%, trước khi hạ nhiệt về dưới mốc này.

Trọng tâm khác của thị trường lúc này mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III, với Microsoft, Google, Amazon.com và Meta Platforms sẽ có thông báo vào cuối tuần này.

"Bất kể chúng ta thấy gì từ lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn trong tuần này, kết quả sẽ không biện minh cho mức định giá kỳ lạ của họ. Ngay cả với đợt sụt giảm của giá cổ phiếu công nghệ lớn trong ba tháng qua, chúng vẫn đang quá đắt”, David Bahnsen, giám đốc đầu tư tại The Bahnsen Group cho biết.

Bên cạnh các ông lớn công nghệ, Nhà sản xuất chip Intel, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và General Motors cũng nằm trong số các công ty lớn khác sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này.

Nhìn chung, lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 1,2% trong quý III đối với các công ty thuộc S&P 500, theo dữ liệu của LSEG.

Các nhà đầu tư cũng theo dõi căng thẳng ở Trung Đông sau khi Israel tăng cường bắn phá dải Gaza và cũng tấn công miền nam Lebanon, những dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột đang lan rộng.

Dữ liệu GDP của Mỹ, dự kiến sẽ có thứ Năm cũng sẽ được quan sát chặt chẽ trong bối cảnh dự báo rằng nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,2% trong quý thứ ba, điều này có thể đảm bảo chính sách tiền tệ của Fed tiếp tục giữ ở mức thắt chặt.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 9, thước đo lạm phát ưa thích của Fed cũng sẽ được công bố vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 23/10: Chỉ số Dow Jones giảm 190,87 điểm (-0,58%), xuống 32.936,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,21 điểm (-0,17%), xuống 4.217,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 34,52 điểm (+0,27%), lên 13.018,33 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm khi lợi suất trái phiếu tăng và lo ngại về cuộc xung đột Israel-Hamas khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,1% xuống 433,27 điểm.

Trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu chuẩn bị kêu gọi "ngừng bắn" trong cuộc chiến Israel-Hamas để viện trợ có thể đến tay người dân, Israel tiếp tục bắn phá khu vực bị bao vây.

Trong khi đó, Washington cảnh báo về một nguy cơ đáng kể đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông khi Israel bắn phá Gaza bằng các cuộc không kích.

Thêm vào áp lực đối với thị trường, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn đã có thời điểm tăng trên 5%, trước dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội và lạm phát quan trọng từ nước này được công bố vào cuối tuần này.

"GDP có thể sẽ cho thấy một quý III khá mạnh mẽ và thêm vào kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn", Laura Cooper, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của iShares EMEA tại BlackRock cho biết.

Phiên này, nhóm cổ phiếu khai thác mỏ giảm 1,1% do giá hầu hết các kim loại cơ bản bị ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị, trong khi cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi chạm mức thấp nhất kể từ năm 2012, trước khi hạ nhiệt sau đó. Lĩnh vực này đóng cửa giảm 0,6%.

Chỉ số FTSE MIB của Ý nằm trong số ít các chỉ số tăng điểm trên khu vực, tăng 0,7%, được thúc đẩy bởi mức tăng 2,6% của UniCredit khi ngân hàng này có kế hoạch mua 9% cổ phần của Alpha Bank.

Kết thúc phiên 23/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 27,31 điểm (-0,37%), xuống 7.374,83 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 2,25 điểm (+0,01%), lên 14.800,72 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 24,25 điểm (+0,50%), lên 6.850,47 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 31.000 điểm, khi xung đột leo thang Trung Đông khiến các nhà đầu tư lo lắng, khiến thước đo biến động sự sợ hãi tăng vọt lên mức cao nhất trong một năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83% xuống 30.999,55 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,75% xuống 2.238,81 điểm.

Chỉ số biến động Nikkei 225 tăng vọt lên tới 23,87 điểm, mức chưa từng thấy kể từ ngày 28/10/2022.

"Những lo ngại về căng thẳng Trung Đông có thể xấu đi sẽ tiếp tục là gánh nặng lên thị trường chứng khoán Nhật Bản", Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết.

Rủi ro gia tăng vào cuối tuần qua rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể trở thành một cuộc xung đột rộng hơn, với việc Washington cảnh báo về một rủi ro đáng kể đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực và tuyên bố triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến mới.

Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra, khi chứng kiến các đoàn xe viện trợ bắt đầu đến Gaza, trong khi Hamas thả hai con tin người Mỹ làm dấy lên hy vọng về việc thả những người khác.

Chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, theo đà giảm chung của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh lo ngại bắt nguồn từ xung đột gia tăng ở Trung Đông và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,47% xuống 2.939,29 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,04% xuống 3.474,24 điểm.

Nhiều yếu tố bất lợi và không chắc chắn đang diễn ra, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn của Mỹ, xung đột Trung Đông mở rộng và dữ liệu kinh tế quý III mạnh mẽ của Trung Quốc có thể được hiểu rằng sẽ dẫn đến khả năng các gói kích thích ít hơn trong quý IV, các nhà phân tích của UBS lưu ý.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc phải đối mặt với hai vấn đề thách thức cần các giải pháp khắc phục nhanh chóng là lợi suất toàn cầu cao và cuộc khủng hoảng bất động sản, Thomas Gatley, chiến lược gia Trung Quốc tại Gavekal Research nhận định.

Tâm lý thị trường còn bi quan hơn sau khi dữ liệu của Goldman Sachs cho thấy dòng vốn ngoại đã chảy ra khỏi Trung Quốc tăng mạnh lên 75 tỷ USD trong tháng 9, con số hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Trùng Cửu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, ảnh hưởng bởi đà lao dốc của phố Wall phiên trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,98 điểm, tương đương 0,76%, xuống 2.357,02 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,58% và SK Hynix mất 1,74%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution đi ngang.

Kết thúc phiên 23/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 259,81 điểm (-0,83%), xuống 30.999,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,77 điểm (-1,47%), xuống 2.939,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,98 điểm (-0,76%), xuống 2.357,02 điểm.

Giá dầu thô giảm khi các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông tăng cường nhằm ngăn xung đột giữa Israel và Hamas leo thang, làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,59 USD/thùng (-2,9%), xuống 85,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,33 USD/thùng (-2,5%), xuống 89,83 USD/thùng.

Tin bài liên quan