Giới đầu tư ồ ạt bắt đáy, phố Wall đảo chiều tăng điểm

Giới đầu tư ồ ạt bắt đáy, phố Wall đảo chiều tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall bất ngờ đảo chiều trong phiên ngày thứ Năm (24/2), khi giới đầu tư ồ ạt bắt đáy và tâm lý đã trở nên bình tĩnh hơn với tình hình chiến sự tại châu Âu.

Thị trường mở cửa lao dốc do ảnh hưởng từ cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, nhưng đà giảm dần được thu hẹp đáng kể sau đó và cả ba chỉ số chính đều tăng điểm khi đóng cửa nhờ đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Bên cạnh đó, giới đầu tư nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt Nga từ phương Tây chưa thực sự cứng rắn hơn các đòn trừng phạt trước đây, kể cả khi Tổng thống Mỹ Biden ngày hôm nay đã tiếp tục đưa thêm danh sách đen 13 công ty nhà nước của Nga bị cấm tiếp cận gọi vốn ở thị trường Mỹ.

Trang Briefing.com cho rằng, sự phục hồi của phố Wall một phần là do thông báo trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Những biện pháp này "không nghiêm trọng như một số người đã nghĩ".

Dù đảo chiều ngoạn mục, S&P 500 vẫn còn trong phạm vi điều chỉnh, tức giảm hơn 10% so với mức đỉnh gần nhất thiết lập vào ngày 03/1. Trong khi đó, Nasdaq Composite mở cửa giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 11/2021, nhưng đóng cửa chỉ còn giảm hơn 16% so với mức cao nhất mọi thời đại.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đều ghi nhận đà tăng mạnh với chỉ số phụ ngành tăng 3,5%, trong đó, những tên tuổi lớn như Netflix tăng 6,1%, Microsoft tăng 5,1%, Alphabet (Google) tăng 4%, Meta (Facebook) tăng 4,6%, Apple tăng 1,67%.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 92,07 điểm (+0,28%), lên 33.223,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 63,20 điểm (+1,50%), lên 4.288,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 436,10 điểm (+3,34%), lên 13.473,58 điểm.

Chứng khoán châu Âu lao dốc, giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, với cổ phiếu ngân hàng và nhà sản xuất ô tô chịu áp lực bán tháo, sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 3,28% xuống 438,96 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu đổ xô đến các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ và tháo giá cổ phiếu, sau khi lực lượng quân đội Nga tiến vào Ukraine bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu tiếp xúc nhiều nhất với Nga, bao gồm Ngân hàng Raiffeisen của Áo, UniCredit và Societe Generale, giảm từ 12,2% đến 23%, trong khi chỉ số phụ theo dõi toàn ngành ngân hàng giảm 8,2%, ngày tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 3/2020.

Các chỉ số khu vực chính bao gồm CAC 40 của Pháp, DAX của Đức và FTSE 100 của Anh đều giảm gần 4% do các nhà đầu tư lo ngại tác động tiềm tàng của các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây đối với Nga.

Chỉ số dầu khí của châu Âu mất 0,3%, giảm ít nhất trong số các ngành, do giá dầu tăng hơn 6%, đẩy dầu thô Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Cổ phiếu quốc phòng cũng là một điểm sáng, với BAE Systems của Anh, Re-install của Đức và Thales của Pháp tăng từ 3,4% đến 5,2%.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu có một cuộc gặp không chính thức vào thứ Năm, nhưng giờ đây đã trở thành một cuộc họp quan trọng, khi việc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế khu vực và làm phức tạp thêm con đường thoát khỏi lãi suất âm của ECB.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 290,80 điểm (-3,88%), xuống 7.207,38 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 579,26 điểm (-3,96%), xuống 14.052,10 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 259,62 điểm (-3,83%), xuống 6.521,05 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới ồ ạt bán tháo sau khi lực lượng quân đội Nga tấn công Ukraine.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, theo chân đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu sau khi Nga nã đạn vào Ukraine.

Chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 3%, sau khi Nga tấn công Ukraine và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lớn ở Đông Âu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong một tháng, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi quân đội Nga bắn tên lửa vào một số thành phố của Ukraine.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 478,78 điểm (-1,81%), xuống 25.970,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 59,19 điểm (-1,70%), xuống 3.429,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 758,72 điểm (-3,21%), xuống 22.910,56 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 70,73 điểm (-2,60%), xuống 2.648,80 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Năm suy yếu khi lực bán chốt lời chiến thắng những nỗi lo về tình hình chiến sự tại châu Âu.

Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay giảm 5,4 USD xuống 1.903,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm hơn 16 USD xuống 1.910 USD/ounce.

Giá dầu thô trong phiên có thời điểm vượt 100 USD/thùng, sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công tổng lực cả trên bộ, trên không và trên biển vào Ukraine.

Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại và đóng cửa dưới ngưỡng này, khi lo ngại của giới đầu tư về các biện pháp trừng phạt Nga vơi đi.

Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,71 USD (+0,77%), lên 92,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,24 USD (+2,26%), lên 99,08 USD/thùng.

Tin bài liên quan