Nhiều thủ tục được thực hiện “một cửa”
Sau thời gian thử nghiệm, từ ngày 1/7/2025, toàn bộ 34 tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh/thành phố và cấp xã/phường.
Đây không chỉ là sự kiện mang ý nghĩa về mặt hành chính, mà còn là một cột mốc đặc biệt đối với người dân và doanh nghiệp khi hàng loạt thủ tục công, đặc biệt là về đất đai, được giải quyết trực tiếp tại cấp xã/phường.
Cụ thể, theo quy định mới, cấp xã/phường được phân quyền thực hiện thủ tục đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Thời gian xử lý hồ sơ đã được quy định rõ ràng: Đối với thủ tục đăng ký đất đai lần đầu, thời gian thực hiện không quá 17 ngày làm việc; đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời gian thực hiện không quá 3 ngày làm việc từ khi có kết quả thẩm định đủ điều kiện.
Điều quan trọng là thời hạn này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, đồng thời cập nhật trên cổng dịch vụ công và ứng dụng hành chính công. Sau khi nộp hồ sơ cũng có thể dễ dàng tra cứu, kiểm tra tiến độ xử lý và thông báo qua tin nhắn điện thoại…
Tại TP.HCM, sau 2 tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hoạt động hành chính tại các phường, xã và trung tâm phục vụ hành chính công diễn ra tương đối ổn định. Người dân bước đầu ghi nhận sự chuyển biến tích cực, đặc biệt ở các lĩnh vực liên quan đến thủ tục xây dựng, nhà đất và hạ tầng đô thị.
Ghi nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai số 56 Đặng Như Mai, phường Cát Lái (trụ sở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức cũ) cho thấy, không khí làm việc những ngày cuối tuần khá nhộn nhịp, cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm.
Một cán bộ tại đây cho biết, dù vừa chuyển sang vận hành theo bộ máy mới, các thủ tục đăng ký đất đai thuộc thẩm quyền vẫn được giải quyết đúng quy trình, đảm bảo tiến độ tiếp nhận và hoàn trả kết quả cho người dân.
“Tôi vừa hoàn tất thủ tục nộp thuế và xóa nợ thuế đất đai sau nhiều năm vướng mắc do chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cứ nghĩ sẽ mất thêm vài tháng, nhưng lần này chỉ mất một buổi để nộp thuế và cập nhật thông tin mới vào sổ đỏ. Cán bộ hướng dẫn tận tình và hẹn sau 5 ngày làm việc sẽ có kết quả”, ông Dương Văn Thanh cư trú tại phường Linh Xuân cho hay.
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, sự đồng bộ trong tổ chức bộ máy hành chính mới đã giúp người dân tiếp cận thủ tục nhanh hơn, hạn chế tình trạng trùng lặp hay chồng chéo trong xử lý hồ sơ.
Một số khu vực có khối lượng công việc lớn đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và điều phối nhân sự để đảm bảo việc giải quyết hồ sơ không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp.
“Đòn bẩy” tăng thu hút vốn ngoại
Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị 2 cấp sau sắp xếp đơn vị hành chính được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” thu hút dòng dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản: Thủ tục hành chính chồng chéo và quá nhiều tầng nấc trung gian trong phê duyệt đầu tư, đất đai và quy hoạch.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi mô hình chính quyền đô thị 2 cấp được vận hành đồng bộ, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, khả năng ra quyết định của chính quyền địa phương được rút ngắn về thời gian, minh bạch hơn trong quy trình xử lý, từ đó tạo sự tin cậy và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận bất động sản.
Số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần) đạt khoảng 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ghi nhận sự bứt tốc với 5,17 tỷ USD, tương đương 24% tổng vốn FDI và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng rất cao trong 5 năm trở lại đây, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Bức tranh FDI tiếp tục cho thấy sự hiện diện áp đảo của các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Trong đó, Singapore giữ vững vai trò dẫn dắt với loạt dự án quy mô lớn.
Malaysia đã vươn lên vị trí thứ 5, tăng 20 bậc so với cùng kỳ, nhờ sự đóng góp từ dự án công viên Yên Sở tại Hà Nội - một phần trong chiến lược phát triển đô thị xanh kết nối khu vực phía Nam Thủ đô.
Ở phân khúc bất động sản nhà ở, thị trường tiếp tục ghi nhận các thương vụ M&A quy mô lớn đến từ nhà đầu tư ngoại. CapitaLand (Singapore) là một trong những bên hoạt động tích cực nhất khi liên tục mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam.
Mới đây, doanh nghiệp này đã hoàn tất thương vụ mua lại 25 ha đất tại phân khu Hải Đăng, thuộc dự án Vinhomes Ocean Park 3 (Hưng Yên) - nay đổi tên thành The Fullton.
Trước đó, CapitaLand đã mua lại một phần quỹ đất thuộc dự án Vinhomes Smart City (Hà Nội) để phát triển dự án Lumi Hanoi, đồng thời sở hữu dự án The Senique tại Ocean Park 1. Một “ông lớn” khác là Mitsubishi (Nhật Bản) đang cùng Vinhomes phát triển các tòa căn hộ thuộc phân khu The Paris.
Theo bà Đỗ Thị Thu Giang - Giám đốc Toàn quốc Dịch vụ định giá và tư vấn, SaVills Việt Nam, mô hình chính quyền đô thị 2 cấp hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng và phê duyệt dự án. Song, việc phân quyền được cho là sẽ dẫn đến sự khác biệt trong chính sách thu hút đầu tư giữa các địa phương.
“Chính quyền cấp tỉnh có thêm quyền tự chủ trong việc đưa ra ưu đãi thuế, cấp quyền sử dụng đất và ưu tiên phát triển hạ tầng. Vì vậy, sự cạnh tranh giữa các địa phương sẽ gia tăng, từng vùng sẽ chủ động thiết kế chính sách dựa trên lợi thế kinh tế riêng nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, bà Giang nói.
Đối với các nhà phát triển bất động sản quốc tế, điều này đòi hỏi cách tiếp cận chi tiết và phân tích sâu hơn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. Nhà đầu tư sẽ cần đánh giá mức độ cạnh tranh của từng địa phương thông qua các chỉ số như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời cân nhắc mức độ phù hợp giữa định hướng phát triển của địa phương và mục tiêu dự án.
“Sự hình thành của các khu vực đầu tư chuyên biệt như hành lang logistics hay khu công nghệ cao cũng sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định đầu tư của khối ngoại”, bà Giang chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Singapore, Thụy Điển, Hàn Quốc… đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Đơn cử, một doanh nghiệp Thụy Điển đang lên kế hoạch phát triển cơ sở sản xuất trị giá 1 tỷ USD, hay một số quỹ đầu tư bày tỏ ý định rót 5-7 tỷ USD vào thị trường trong nước. CBRE cũng ghi nhận các thương vụ hợp tác đáng chú ý như một tập đoàn Nhật Bản hợp tác với chủ đầu tư Việt Nam để phát triển dự án bất động sản tại Thừa Thiên Huế…
Theo bà Dung, nhà đầu tư ngoại đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW ban hành mới đây cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân, xây dựng môi trường kinh doanh bền vững.
Về pháp lý bất động sản, một tín hiệu rất tích cực là tại thời điểm cuối năm 2024, có khoảng 80.000 căn hộ tại TP.HCM chưa được cấp sổ hồng, nhưng đến nay đã có gần 80% hồ sơ được giải quyết. Đây là minh chứng cho thấy nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đang được thực hiện thực chất.