Gỡ tắc cổ phần hóa, thoái vốn: Tập trung vào khâu tổ chức thực hiện

Gỡ tắc cổ phần hóa, thoái vốn: Tập trung vào khâu tổ chức thực hiện

(ĐTCK) Năm 2018 sắp qua, song nhiều địa phương chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Ngỡ rằng, một bước ngoặt mới trong công cuộc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được thực thi trong năm nay, nhưng thực tế đã cho thấy nhiều chướng ngại, cản trở tiến trình quan trọng này. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) chia sẻ góc nhìn với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Là công ty chứng khoán được Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 vinh danh nhà tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu, từ thực tế hoạt động của mình, ông có nhận xét gì về cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018?

Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 6 giải pháp trọng tâm nhằm tái cơ cấu, đổi mới hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 12/2017/NQ-TW, song cho đến thời điểm này, có thể thấy kế hoạch năm 2018 không thể hoàn thành.

Theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ có 85 doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa, bao gồm 64 doanh nghiệp mới và 21 doanh nghiệp chuyển từ năm 2017 sang. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, mới có 10 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị trên 30.000 tỷ đồng.

Hoạt động thoái vốn cũng chậm tương tự. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về việc phê duyệt Danh mục nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn.

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2018, chỉ có 18 đơn vị thực hiện thoái vốn được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 13 đơn vị thực hiện thoái vốn).

Thực trạng ách tắc này thể hiện ngay trong kết quả cung cấp dịch vụ tư vấn của các đơn vị như SHS. Từ đầu năm 2018 đến nay, SHS chỉ ký mới được 2 hợp đồng tư vấn CPH và 1 đơn vị vừa được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Trên thực tế, có nhiều tổng công ty, tập đoàn có nhu cầu cổ phần hóa, nhưng vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu tư vấn. Đối với hoạt động tư vấn thoái vốn, mặc dù năm 2018, chúng tôi ký mới được khoảng 30 hợp đồng tư vấn thoái vốn, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số lượng hợp đồng đã hoàn thành đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 10%).

Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn là do đâu?

Chúng tôi đánh giá, có 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự thay đổi về mặt chính sách. Cuối năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2018) thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 Ông Vũ Đức Tiến.

Ngày 4/5/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2018/TT-BTC và Thông tư số 41/2018/TT-BTC hướng dẫn về bán cổ phần lần đầu và xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Ngày 1/8/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH về phương án sử dụng lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do có sự thay đổi về chính sách nên phải mất một khoảng thời gian các doanh nghiệp mới có thể áp dụng các văn bản mới vào thực tiễn.

Hoạt động thoái vốn cũng chịu ảnh hưởng lớn từ sự thay đổi về mặt chính sách. Cụ thể, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/5/2018 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) có nhiều quy định mới về hoạt động thoái vốn.

Cùng với đó, Thông tư số 59/2018/TT-BTC (hiệu lực từ 1/9/2018) sửa đổi Thông tư 219/2015/TT-BTC có thêm hướng dẫn về xác định giá khởi điểm liên quan đến quyền sử dụng đất thuê và giá trị văn hóa, lịch sử.

Những thay đổi lớn về mặt chính sách trong lĩnh vực thoái vốn khiến cho nhiều doanh nghiệp lúng túng về cách thực hiện (đặc biệt liên quan đến việc xác định giá khởi điểm). Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và xin thêm hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền, đến nay nhiều doanh nghiệp mới mạnh dạn áp dụng các quy định vào thực tiễn.

Thứ hai là khó khăn từ các vấn đề xử lý tài chính. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như khó khăn trong định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, xử lý đất đai hay bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế chưa thuận lợi, thì còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan như lo ngại của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, kết quả yếu kém của công ty, khi phải thực hiện kiểm toán và đánh giá lại giá trị để thực hiện cổ phần hóa.

Thứ ba là quyết tâm của doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả cổ phần hóa được bao nhiêu, chất lượng thế nào vẫn phụ thuộc phần lớn vào người đứng đầu. Đơn vị nào có sự quyết tâm vào cuộc của bộ phận lãnh đạo thì tiến độ cổ phần hóa nhanh.

Để chữa căn bệnh chậm trễ như vậy, theo ông, đâu là những giải pháp cần được thực thi?

Trong thời gian qua, Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về thể chế, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản xử lý những vấn đề chưa rõ ràng trong cơ chế, chính sách hay những lỗ hổng mà nhà đầu tư quan tâm liên quan đến đất đai, định giá doanh nghiệp… Các quy định mới đã góp phần tạo ra quy trình minh bạch, chặt chẽ, công khai hơn.

Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, cần rà soát lại các danh mục thoái vốn, cổ phần hóa. Đơn vị nào làm chậm thì phải nhắc nhở, kiểm điểm. Trường hợp doanh nghiệp thuộc danh mục thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp đã đăng ký năm 2017, 2018 không làm được thì cần mạnh dạn chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đối với cổ phần hóa, cần yêu cầu công bố công khai rõ ràng lộ trình thực hiện, theo tiến độ từng quý, 6 tháng, ghi rõ tên người chịu trách nhiệm. Ghi rõ như vậy sẽ làm rõ đầu mối xử lý vướng mắc cũng như rõ trách nhiệm người đứng đầu. 

Thời gian qua, có những tập đoàn lớn, cổ phiếu thuộc nhóm blue-chips trên sàn nhưng vẫn xin Chính phủ giãn tiến độ thoái vốn với lý do thị trường chứng khoán xấu, điều đó có hợp lý không, theo ông?

Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ viện dẫn lý do thị trường chứng khoán xấu để giãn thoái vốn sang năm 2020 là không đầy đủ. Vì thực tế cho thấy, vẫn có không ít trường hợp thoái vốn, IPO thành công. Vì sao trên thị trường có những đợt bán vốn thành công, có những đợt chào bán lại thất bại?

Nếu chỉ viện dẫn lý do thị trường chứng khoán xấu để giãn thoái vốn sang năm 2020 là không đầy đủ. Vì thực tế cho thấy, vẫn có không ít trường hợp thoái vốn, IPO thành công.    

Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lý do là phải xem xét cách thức thực hiện của những bên có liên quan. Một thương vụ IPO muốn thành công, ngoài yếu tố nội lực thị trường thì còn phải xét đến kết quả hoạt động, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp; tỷ lệ chào bán; giá chào bán và mức độ truyền thông về đợt chào bán.

Thương vụ TKV thoái vốn tại Vinacomin Land do SHS tư vấn, thực hiện thoái vốn tháng 10 - 11/2018, là giai đoạn thị trường chứng khoán không thuận lợi, nhưng đến nay, số lượng nhà đầu tư đăng ký mua đã vượt khối lượng chào bán. Thương vụ này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư do tỷ lệ chào bán cao (98% vốn điều lệ). Các bên bán vốn đã làm nổi bật được các lợi thế tiềm năng của doanh nghiệp, vì thế đợt chào bán rất thành công. 

Khó có công thức chung để khẳng định thương vụ IPO, thoái vốn nào đó sẽ thành công. Song, vẫn có những kinh nghiệm nên được nhân rộng, những bài học thành công cần được chia sẻ, ông nghĩ sao?

Chúng tôi cho rằng, bài học thành công đó chính là việc nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thành công trong thời gian qua. Để đạt được sự thành công trong công tác cổ phần hóa (đảm bảo sự thay đổi về chất), trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần lưu ý đến nhiều yếu tố như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tồn tại về tài chính; đưa ra cơ cấu vốn điều lệ tối ưu (tỷ lệ nhà nước nắm giữ, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán đấu giá công khai), giá bán hợp lý, thời điểm bán phù hợp…

Thực tế cho thấy, nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, doanh nghiệp có nhiều khả năng cổ phần hóa thành công do được chủ động hơn trong việc điều hành, quản lý và không bị vướng vào các thủ tục hành chính như khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp này, tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể người lao động được phát huy, năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng mạnh.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị cũng đóng vai trò quan trọng để mang lại thành công cho quá trình cổ phần hóa. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý các tồn tại trước khi cổ phần hóa.

Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên càng cần nhiều thời gian để chuẩn bị, đảm bảo khả năng chắc thắng ở mức cao nhất có thể.

Một kinh nghiệm mà chúng tôi ghi nhận được trong quá trình triển khai cổ phần hóa cho các doanh nghiệp là tập trung cổ phần hóa tại công ty mẹ trước, việc này giúp quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh và thuận lợi hơn so với phương án cổ phần hóa các công ty con rồi đến công ty mẹ như cách làm thường thấy. 

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp nhà nước ngày 21/11/2018, gỡ tắc cổ phần hóa, thoái vốn là một trong những nội dung được tập trung trao đổi. Theo ông, giải pháp nào cần phải thực hiện ngay?

Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ sẽ quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, thậm chí vượt kế hoạch này; tập trung mạnh hơn vào khâu tổ chức thực hiện, vào trách nhiệm, chế tài với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu; đồng thời, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch về lộ trình, tiến độ, kết quả và trách nhiệm người thực hiện.

Với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi tin tiến trình này sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Tin bài liên quan