Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát dự án

Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát dự án

Gỡ vướng thúc đẩy tiến độ dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu

(ĐTCK) “Với tinh thần quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của địa phương và phối hợp chặt chẽ kịp thời của cơ quan chức năng, những khó khăn, vướng mắc của Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu và các dự án năng lượng khác tại địa phương trong quá trình triển khai sẽ sớm được giải quyết”. 

Đây là khẳng định của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu và các nhà đầu tư trên địa bàn ngày 26/5 nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu thúc đẩy tiến độ các năng lượng, đặc biệt là dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tại buổi làm việc với nhà đầu tư, báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu cho thấy, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).

Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình với diện tích 40 ha; tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100 ha), cách vị trí nhà máy điện 35 km. Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Hoa Kỳ) là tổng thầu EPC của dự án.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư vào cuối tháng 12/2020 và triển khai các công việc tiếp theo, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước tháng 12/2027. Hiện tại, nhà đầu tư đang quyết liệt thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng cam kết, quy định trong quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đảm bảo về mặt tiến độ.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, đã có một số rủi ro nằm ngoài ý muốn của nhà đầu tư có thể dẫn đến chậm tiến độ dự án theo quy hoạch điện 7. Cụ thể, dịch Covid19 kéo dài làm hạn chế đi lại của các chuyên gia kỹ thuật bắt buộc phải vào Việt Nam để triển khai các công việc cần thiết.

Việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép kịp thời theo quy định pháp luật của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam; việc triển khai dự án đường dây truyền tải 500KV đưa điện từ nhà máy lên lưới đúng tiến độ và đặc biệt là việc đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện PPA với EVN khoảng tháng 10/2020 là căn cứ, điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án.

Ông Ian Nguyễn, Giám đốc điều hành DOE đề nghị Chính phủ Việt nam cũng như chính quyền tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư và các đối tác trong quá trình thực hiện dự án. Mặc dù dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tới việc đi lại của các chuyên gia và công tác hành chính của các bên, song bằng các biện pháp thích hợp, DOE đã nỗ lực triển khai các công tác có liên quan đến dự án.

Ngoài dự án Nhà máy điên khí LNG Bạc Liêu, tại Bạc Liêu cũng đang triển khai 6 dự án điện gió, với tổng công suất 391,2 MW, theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030.

Đối với các dự án điện gió đã trình bổ sung quy hoạch, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất là 4.608,6 MW, trong đó tỉnh đang đề xuất bổ sung vào quy hoạch tổng sơ đồ VII với quy mô công suất 470MW đảm bảo hoàn thành phát điện lên lưới trước tháng 11/2021; các dự án còn lại đề xuất đưa vào quy hoạch giai đoạn sau.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt, thì tổng công suất tiềm năng điện gió có thể phát điện thương mại của tỉnh Bạc Liêu là hơn 2.507 MW, đây là con số khá lớn và là một trong những ưu thế của Bạc Liêu so với các địa phương khác. Tuy nhiên, đến nay công suất thực tế các dự án điện gió đang triển khai trên địa bàn chỉ có 391,2MW. Như vậy, tổng công suất qua 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 391,2/2.507 MW, tương đương với 15,6% tiềm năng quy hoạch, tỷ lệ rất thấp.

Để các dự án điện gió sớm hình thành, ông Trung đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung cho tỉnh 470 MW điện gió vào Quy hoạch điện VII Quốc gia. Phía UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ lựa chọn các dự án đã hội đủ điều kiện; đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện về việc phát điện trước ngày 1/11/2021, kể cả việc tham gia đóng góp kinh phí cải tạo, nâng cấp lưới điện để giải tỏa công suất, tính toán đầy đủ các nội dung về tài chính, kỹ thuật công nghệ, đấu nối lưới điện, giải phóng mặt bằng…

Với mong muốn sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực, theo ông Trung, rất cần một cơ chế mới, phù hợp với tình hình thực tiễn thì mới khơi thông nhanh các dự án, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ địa phương về các thủ tục, chính sách liên quan đến xây dựng các dự án về năng lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Trung tâm điện khí LNG Bạc Liêu có một vị trí rất quan trọng đối với phát triển hệ thống điện quốc gia cũng như việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung.

Trung tâm điện khí này có công suất lên tới 3.200 MW, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2024 và sẽ kết thúc sau đó khoảng 3 - 4 năm. Khi đưa vào hoạt động, Trung tâm sẽ đóng góp sản lượng điện lên đến khoảng 20 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Do đó, thực hiện hiện chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương rất quan tâm đến việc triển khai nhanh Trung tâm Điện khí LNG Bạc Liêu này.

Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để kiểm tra tiến độ thực hiện dự án này, đồng thời sớm tháo gỡ giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, đáp ứng mục tiêu là đến năm 2024 sẽ đưa tổ máy đầu tiên đi vào vận hành.

Ông Vượng cho biết, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu là dự án được triển khai theo hình thức IPP, dự án điện độc lập. Trước đây, đã có những dự án IPP nhưng chủ yếu do nhà đầu tư trong nước làm. Tuy nhiên, dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP.

Vì vậy, cần phải có cách tiếp cận mới trong việc đàm phán các thoả thuận của dự án như hợp đồng mua bán điện, qua đó rút ngắn được thời gian chuẩn bị dự án, sớm đưa dự án vào vận hành năm 2027-2028, tránh tình trạng như các BOT mất cả chục năm cho công tác chuẩn bị.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, đối với những đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu, Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ xem xét quyết định với tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án thuận lợi, đạt được mục tiêu đề ra.

Tin bài liên quan