Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng dự kiến được triển khai ngay trong quý I/2022. Ảnh: Dũng Minh

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng dự kiến được triển khai ngay trong quý I/2022. Ảnh: Dũng Minh

Gói cấp bù lãi suất 2%: Cần cách thức làm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất cách đây 13 năm khiến gói cấp bù lãi suất 2% lần này phải đứng trước yêu cầu mới về cách triển khai.

Điều kiện để được hỗ trợ

Triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực, gói cấp bù lãi suất hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ giúp đối tượng vay vốn sớm khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp vào sự phục hồi kinh tế nói chung.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm nay, ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chủ động xây dựng hành lang pháp lý thực thi Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho các đối tượng theo quy định dự kiến ngay trong quý I này.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, dự thảo quy định, đối tượng khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Danh mục và điều kiện cụ thể của các đối tượng này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút xây dựng.

Năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.

Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố, mức lãi suất hỗ trợ cho người vay vốn là 2%/năm tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023. Đồng thời, người vay không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn hoặc số dư lãi chậm trả. Việc hỗ trợ lãi suất sẽ tiếp diễn sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn hoặc số dư lãi chậm trả. Ngân hàng được tạm ứng 90% ngân sách để thực hiện cấp bù lãi suất. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Cần đúng đối tượng

Mục tiêu của chương trình cấp bù lãi suất là làm giảm chi phí tài chính cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch, giúp phục hồi hoạt động kinh doanh, hướng đến những ngành có đóng góp cho việc phục hồi kinh tế, cho nên điều quan trọng nhất là phải đúng đối tượng.

“Để khoản cấp bù lãi suất tới đúng đối tượng được thụ hưởng, doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại, rồi mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận hỗ trợ cũng là một cách làm, hoặc là Bộ Tài chính có thể trao vốn cho ngân hàng để khi cho vay, ngân hàng sẽ trừ đi phần hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất bởi hiểu rõ nhất tình hình doanh nghiệp qua việc nộp thuế. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần cấp bù lãi suất nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này.

Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.

“Một mặt mang lại tác dụng nhất định, nhưng hậu quả để lại cũng không hề nhỏ khi mà sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao, dẫn tới Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để xử lý. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đưa ra lưu ý, gói hỗ trợ mới phải có một quy trình triển khai rõ ràng, cụ thể, bởi năm 2009 thiếu cả quy trình, quy phạm và triển khai rất dàn trải, dẫn tới lạm phát leo thang, đầu tư chệch hướng vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản... Ngoài ra, cần hạch toán, quyết toán thông suốt, nhất là với hệ thống ngân hàng, đồng thời các ngân hàng không được thay đổi điều kiện tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng, cũng như lãi suất cho vay.

Cùng góc nhìn, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, gói cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, nhưng để thành công thì cần rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, đó là lựa chọn đối tượng một cách cụ thể để hỗ trợ gắn với tái cơ cấu, không nên làm đại trà để tránh thị trường tài chính bị méo mó, nợ xấu tăng...

“Cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng về ngành nghề, doanh nghiệp để hạn chế rủi ro trong hỗ trợ cấp vốn bù lãi suất, tránh lặp lại tình trạng hỗ trợ đại trà như trước đây. Nói cách khác, chủ trương đưa ra các gói cấp bù lãi suất lần này là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phải lựa chọn đúng và trúng đối tượng mới mang lại hiệu quả. Việc xác định các đối tượng cần hỗ trợ dựa trên 3 tiêu chí là đóng góp nhiều vào cơ cấu kinh tế, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự phục hồi”, ông Lịch nói.

Tin bài liên quan