Người dân chưa tiếp cận được tín dụng cho nhà ở xã hội (Trong ảnh: Người dân xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn, Hà Nội). Ảnh: Dũng Minh

Người dân chưa tiếp cận được tín dụng cho nhà ở xã hội (Trong ảnh: Người dân xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn, Hà Nội). Ảnh: Dũng Minh

Gói vay 120.000 tỷ đồng: Chưa cá nhân nào được vay?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã triển khai được gần một năm, song theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng - con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Lãi vay mua nhà ở xã hội còn cao

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết đã 3 lần công bố danh mục 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện được vay vốn trong gói 120.000 tỷ đồng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng. Ngoài ra, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Về phía doanh nghiệp, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mới có 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chưa có báo cáo nào cho thấy người dân vay được tiền từ gói 120.000 tỷ đồng này. Trong khi đó, theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, người thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố có thể vay mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,7-4,8%/năm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, cho dù mặt bằng lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm thời gian qua, nhưng mức lãi vay từ 7,5-8%/năm áp dụng cho người mua nhà và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội như hiện tại vẫn cao.

Theo ông Đính, cần nhìn nhận đúng bản chất đầu tư nhà ở xã hội là chính sách an sinh xã hội nên Nhà nước cần phải đứng ra làm, giờ khuyến khích doanh nghiệp làm thì Nhà nước phải tạo cơ chế thuận lợi về vốn, tiếp cận đất đai… để thu hút doanh nghiệp tham gia.

“Chỉ tính riêng từ lúc khởi công xây dựng đến khi hoàn thành một công trình nhà ở xã hội đã mất khoảng 2 năm, nếu tính cả thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thì kéo dài tới 5-7 năm, thậm chí nhiều hơn. Chưa kể, để đầu tư một dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải chi nhiều khoản, riêng vay ngân hàng thì chi phí vốn cũng đã chiếm trên 10% tổng chi phí, trong khi định mức lợi nhuận nhà ở xã hội chỉ 10% thì doanh nghiệp làm nhà ở xã hội có nguy cơ lỗ”, ông Đính phân tích.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thẳng thắn nói, về bản chất, gói 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói vay đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, còn với chủ đầu tư thì trong 3 năm cũng chỉ phù hợp với các dự án quy mô nhỏ hoặc trung bình, chứ không phải dự án lớn.

Một bất cập khác được ông Châu chỉ ra với gói vay này, đó là người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi một lần với lãi suất 7,5-8%/năm, tức là khi đã được giải quyết vay gói này thì sẽ mất cơ hội vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành với lãi suất thấp hơn đáng kể từ 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

“Dễ thấy người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ lựa chọn gói vay lãi suất thấp hơn nếu có. Tâm lý người thu nhập thấp đô thị là chờ đợi đến khi có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội cũng như có nguồn cung nhà ở xã hội mới để vay được ưu đãi. Chính vì vậy, khả năng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó giải ngân là hiện hữu”, ông Châu cảnh báo.

Nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt. Ảnh: Dũng Minh

Nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt.

Ảnh: Dũng Minh

Cần những ưu đãi thực sự

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa đạt kỳ vọng không nằm ở vấn đề lãi suất cao hay thấp, mà sự bất hợp lý vốn xuất phát từ chính chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó điểm mấu chốt là xác định mục tiêu và đối tượng thật sự của chương trình này.

Trên thực tế, chính sách nhà ở xã hội “tắc” ở mọi khâu, từ bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, chủ đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… đến chất lượng công trình, hạ tầng xã hội đi kèm và điều kiện được mua nhà ở xã hội, mà nhức nhối nhất là vấn nạn nhà ở xã hội xây xong bị bán sai đối tượng, thậm chí bỏ hoang vì không bán được.

Trong khi đó, người dân đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hiện có mức thu nhập chỉ đủ sống, thậm chí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người còn không đủ sống, không có tích lũy. Vì vậy, họ khó có thể mua nhà bởi không có khả năng trả tiền gốc, chứ chưa nói đến tiền lãi.

“Cần nhìn nhận rằng, người thu nhập thấp chỉ có thể thuê nhà, chứ chưa có đủ khả năng mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển thị trường cho thuê nhà ở xã hội, thay vì hối thúc thị trường bán nhà giá rẻ hiện nay. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những hỗ trợ cho doanh nghiệp về quỹ đất, nguồn vốn, có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp như miễn tiền thuê đất… để doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người dân thuê với giá hợp lý”, ông Ánh nêu quan điểm.

Cùng góc nhìn, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM cho rằng, Chính phủ nên có nhiều chính sách thông thoáng hơn, cải cách thủ tục hành chính… để các dự án nhà ở xã hội được xét duyệt một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.

“Hiện nay, thủ tục xây dựng dự án nhà ở xã hội rất nhiêu khê, lợi nhuận lại thấp… nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay. Ngoài ra, cần có gói tín dụng như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để người dân, doanh nghiệp có thể vay được vốn ưu đãi với lãi suất thấp, từ đó gia tăng nguồn cung sản phẩm ra thị trường cũng như khả năng tiếp cận nhà ở của mọi người”, ông Nghĩa nói.

Năm 2024, cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đây là mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm. Dài hạn hơn, đến năm 2030, mục tiêu là xây dựng khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai ở nhiều địa phương còn rất hạn chế so với nhu cầu, có thể kể đến là Hà Nội với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có 4.900 căn, đáp ứng 19%... Thậm chí, một số địa phương còn không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công trong 3 năm qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi…

Tin bài liên quan