GS-TSKH. Nguyễn Mại: Bản đồ FDI của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
Trong bước phát triển ngoạn mục của kinh tế Việt Nam sau 35 năm Đổi mới, có những đóng góp to lớn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
GS-TSKH. Nguyễn Mại: Bản đồ FDI của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi

GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng của Việt Nam trong hành trình đó, đã chia sẻ với Báo Đầu tư về điều này.

ĐỊNH VỊ RÕ VAI TRÒ CỦA FDI

Thưa ông, những đóng góp to lớn của khu vực FDI với kinh tế - xã hội Việt Nam đã được khẳng định. Hai năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 tràn đến, kinh tế - xã hội gặp khó khăn, những đóng góp đó càng lớn hơn nữa. Là người đã theo sát hành trình 35 năm thu hút FDI của Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?

GS-TSKH. Nguyễn Mại.
GS-TSKH. Nguyễn Mại.

Dù đúng là khu vực FDI đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam trong 35 năm Đổi mới vừa qua, nhưng dư luận hiện vẫn có cái nhìn tiêu cực về khu vực này. Có người nói, khu vực FDI được ưu ái nhiều, chèn ép khu vực doanh nghiệp trong nước. Lại cũng có ý kiến cho rằng, FDI vào nhiều nhưng hiệu quả thấp, ít chuyển giao công nghệ, rồi chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường…

Tại sao lại là chèn ép? Đừng chỉ nhìn vào việc kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn (năm 2021, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 332,25 tỷ USD, khu vực FDI đóng góp 73,6% - PV) mà cho rằng, doanh nghiệp trong nước bị chèn ép. Những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa đều rất lớn. Với tỷ trọng 25-27%, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã lên tới 80-90 tỷ USD/năm, gấp 3 lần so với chỉ 10 năm trước đây. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhờ vào các doanh nghiệp FDI mà có thể tăng trưởng xuất khẩu.

Ví dụ với ngành dệt may, da giày. Hãng Nike vừa công bố, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nước sản xuất đồ Nike lớn nhất thế giới, chiếm 51% tổng sản lượng toàn cầu. Trung Quốc giờ chỉ còn 21%. Việc chiếm tỷ trọng lớn như vậy đã giúp cho Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới, đến mức tờ Tạp chí Hoàn Cầu của Trung Quốc đã phải đặt câu hỏi rằng, người Trung Quốc đang đi giày Nike liệu đó biết đấy là những đôi giày được sản xuất tại Việt Nam hay không? Không có doanh nghiệp FDI, không có sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội địa, làm sao chúng ta có được vị thế đó?

Hay ví dụ với xuất khẩu đồ điện tử, thiết bị di động. 55% sản lượng điện thoại di động của Samsung cũng đang được sản xuất tại Việt Nam. Họ đâu có chèn ép ai, vì có doanh nghiệp nào của Việt Nam làm sản phẩm này đâu? Vingroup đã từ bỏ lĩnh vực này, còn Bkav thì sản xuất với số lượng rất nhỏ. Trong khi đó, gần 50 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là của Việt Nam cả, do chúng ta làm ra.

Còn nói chuyện thu ngân sách còn ít, chuyển giao công nghệ, chuyển giá, trốn thuế…, thì đúng là có chuyện đó, có những đóng góp từ phía khu vực FDI khiến chúng ta chưa thỏa mãn lắm, có tính hai mặt của đồng tiền, nhưng nhiều khi vấn đề cũng nằm ở năng lực quản trị của ta. Nếu năng lực quản trị của ta tốt hơn, thì những điểm yếu này sẽ được hạn chế.

Vậy phải đánh giá thế nào về những đóng góp của khu vực FDI, thưa ông?

Điều này, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã nói nhiều rồi. Trong văn kiện Đại hội XIII, rồi trong cả Nghị quyết 50/NQ-TW mà lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành đều cũng đã đánh giá rất rõ ràng về vai trò, tầm quan trọng, những đóng góp của khu vực FDI.

Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu”. Còn Nghị quyết 50/NQ-TW khẳng định: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm rằng, chúng ta cần có những tiếp cận đúng đắn nhất về khu vực FDI. Tôi lấy ví dụ thế này, khu vực FDI đã tạo được việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Chỉ số này ở Việt Nam có vẻ không được quan tâm nhiều lắm, trong khi ở các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, tạo việc làm là chỉ tiêu hàng đầu.

Nước Mỹ vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 52 năm qua và họ rất mừng vì điều đó. Bởi thất nghiệp sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề, từ trợ cấp thất nghiệp, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, rồi thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội…

Vừa rồi, VinFast đầu tư sang Mỹ và đã nhận được khoản ưu đãi thuế hơn 20 triệu USD từ chính quyền bang California. Vì sao họ được nhận? Đó là vì dự án của VinFast sẽ giúp tạo ra ít nhất 1.065 việc làm. Chính quyền bang California hẳn đã tính toán và biết rằng, lợi ích mà họ có được lớn hơn con số đó.

Đấy là chuyện rất đáng nói. Ở Việt Nam, khu vực FDI cũng đã tạo ra rất nhiều việc làm và đó là chuyện quan trọng. Họ thúc đẩy xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Còn nếu nhìn xa hơn, tôi đã nhiều lần nói, chính nhờ khu vực FDI, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ.

Ông đang muốn nói tới ngành viễn thông, công nghệ thông tin? Chúng ta vẫn hay nhắc tới hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Telstra vào những năm đầu tiên sau Đổi mới, sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987?

Ngành viễn thông, công nghệ thông tin chỉ là một ví dụ. Tôi tin chắc rằng, nếu không có hợp đồng BCC giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam với Telstra (Australia) vào năm 1988, thì Việt Nam sẽ không thể có một ngành viễn thông phát triển vượt bậc ngày nay. Chúng ta bây giờ ngay cả một bà “oshin” cũng có smartphone. Internet phát triển và giá rẻ là một trong những nước đi đầu về phát triển 5G… Nếu không có “buổi khởi đầu Telstra”, thì làm sao chúng ta có được điều đó!

Cũng tương tự như vậy là ngành công nghiệp dầu khí. Chính Liên doanh Vietsovpetro, rồi sau đó là BP, Total, Shell… đã góp phần quan trọng đưa dầu khí trở thành một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đó đã không chỉ mang vốn, mà còn là những công nghệ hiện đại nhất đến Việt Nam. Họ cũng đã góp phần rất quan trọng đào tạo ra đội ngũ nhân lực mà sau này đều là cán bộ chủ chốt của ngành dầu khí.

Một ngành khác mà chúng ta cũng có thể nhắc tới là xây dựng, khách sạn. Hãy nhìn các khách sạn 5 sao, nhìn các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, nhìn bộ mặt đô thị Việt Nam thay đổi nhanh chóng ra sao khi các đầu tư nước ngoài đến, thì sẽ thấy những đóng góp của khu vực này lớn như thế nào…

“BẮT” ĐẠI BÀNG” KHÓ LẮM!

Đúng là như vậy, thưa ông. Nhưng đó là những câu chuyện đã cũ. Thế giới đã thay đổi quá nhiều và bây giờ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, hay nói đúng hơn là chúng ta có quyền đòi hỏi và lựa chọn dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam?

Khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 50/NQ-TW được ban hành, chúng ta đã nói về điều này, về chuyện “nâng cấp” dòng vốn FDI, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam…

Tôi cho rằng, việc cần làm là phải nâng cấp bộ máy nhà nước, phát triển chính phủ số, chính phủ kiến tạo… Định hướng này chúng ta đã có, chỉ cần thực thi đầy đủ và hiệu quả mà thôi.

Nhưng đến nay, chúng ta chưa làm được nhiều. Chúng ta chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, chưa có biến chuyển nhanh sang kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, chưa xây dựng được nhiều khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh…

Bên cạnh đó, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM, dù đã có chính sách ưu đãi cao, ưu đãi đặc biệt với các dự án quy mô lớn và tác động quan trọng với quốc gia, nhưng đạt được kết quả khá khiêm tốn. Dự án đầu tư vào còn nhỏ, vẫn còn nhiều dự án dưới 1 triệu USD và như thế, đừng nói đến công nghệ tương lai, thành phố thông minh…

Chúng ta cũng chưa tận dụng được tốt các FTA thế hệ mới, nên cũng mới chỉ chủ yếu thu hút được FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN, mà chưa thu hút được nhiều đầu tư từ Mỹ, EU, từ các tập đoàn trong danh sách Fortune 500… như mong muốn.

Đó là những vấn đề cần quan tâm, nếu như muốn “nâng cấp” dòng vốn FDI. Thực ra, bây giờ, chuyện số lượng không còn là vấn đề nữa. Với khả năng thu hút 30-40 tỷ USD/năm, chúng ta đã vượt mục tiêu mà Nghị quyết 50/NQ-TW đề ra. Vấn đề chất lượng, hiệu quả thế nào? Bây giờ, phải nhìn hiệu quả trên góc độ khác.

Nghị quyết 50/NQ-TW đã đề ra nhiệm vụ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh…, nhưng chúng ta chưa thực hiện được. Nếu chúng ta xây dựng được “bộ lọc” này rồi, ví dụ như suất đầu tư ra sao, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường như thế nào, rồi giá trị gia tăng, khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước ở mức độ nào…, thì có thể đo lường chính xác thành quả thu hút và sử dụng vốn FDI.

Phải có tiêu chí rõ ràng như vậy. Châu Âu gần đây nói nhiều về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. Các loại sản phẩm hàng hóa, bao gồm cả từ Việt Nam, phải đảm bảo được tiêu chuẩn đó mới có thể xuất khẩu sang châu Âu. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, mới đây cũng đưa ra các cam kết về phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26. Vì thế, các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra cũng phải dựa trên các cam kết này thì mới lựa chọn được dòng vốn đầu tư có chất lượng.

Vậy còn chuyện thu hút “đại bàng”, thưa ông? Những năm gần đây, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta đã nói nhiều đến chuyện dòng vốn đầu tư dịch chuyển, chuyện đón “đại bàng” đến làm tổ. Liệu chúng ta có thể làm được điều đó?

“Bắt đại bàng” khó lắm. Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm “bắt” Intel. Tôi còn nhớ là ngay khi Intel bắt đầu quan tâm và “phát tín hiệu” muốn đầu tư một dự án ở Việt Nam, xác định đây là một dự án trọng điểm, vì vào thời điểm đó, Việt Nam chưa có dự án nào quy mô lớn và trong lĩnh vực công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã thành lập hẳn một tổ đặc nhiệm để xem xét, đàm phán với Intel. Không có tổ đặc nhiệm mà phải qua các bộ, đến Bộ Tài chính đòi thuế, đến Hải quan đòi thủ tục hải quan chặt chẽ… thì rất khó.

Là thành viên của tổ đặc nhiệm, lúc đó, tôi đã đại điện cho Chính phủ Việt Nam đến gặp ông Thân Trọng Phúc, là đại diện của Intel thời bấy giờ và nói rằng, giờ chúng ta không nên coi nhau là đối tác nữa, mà phải về cùng một phía, làm sao để cùng kéo Intel về Việt Nam. Cũng là người Việt Nam, nên ông Phúc đồng ý.

Intel lúc đó đang xem xét đầu tư tại 4 nước. Họ đã đưa ra một bản yêu cầu gồm 28 điều khoản. Tổ đặc nhiệm đã phân chia rõ ràng thành những yêu cầu không thể đáp ứng, không cần đàm phán và có thể đàm phán để từng bước “mặc cả”. Cách làm khoa học ấy đã khiến Intel rất ấn tượng. Họ cũng không nghĩ Việt Nam lại lập hẳn một tổ đàm phán như vậy. Hơn nữa, lúc ấy dự án của Intel là dự án duy nhất được Chính phủ chấp nhận hỗ trợ về tài chính, theo đề nghị từ phía nhà đầu tư. Khoản hỗ trợ này sau đó được tính cho đào tạo nhân lực. Khi đó, chúng tôi đã nói với Chính phủ rằng, với dự án này, không nên đặt nặng vấn đề tài chính, bởi ý nghĩa của nó còn lớn hơn thế. Và cuối cùng, Intel đã chọn Việt Nam, thậm chí đến bây giờ, họ vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Sau Intel, mới có Samsung, LG, Nokia… đầu tư vào và bây giờ, chúng ta mới có “cơ ngơi” như hiện nay.

Để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, Việt Nam cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. Từ kinh nghiệm của mình, một người đã theo sát hành trình 35 năm thu hút FDI của Việt Nam và có lẽ cũng là một trong những người đặt bút ký vào nhiều giấy phép đầu tư nhất ở Việt Nam, ông cho rằng, Tổ công tác nên hoạt động như thế nào để hiệu quả nhất?

Trong cuộc đời của mình, tôi đã ký khoảng 1.400-1.500 giấy phép đầu tư nước ngoài. Thời kỳ đầu thu hút đầu tư, gần như tất cả các giấy phép đều do tôi ký.

Có nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến việc này. Hồi đó, khi BHP (Australia) chuẩn bị ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam để khai thác mỏ Đại Hùng, chúng ta cũng mời họ đến đàm phán. Giá trị hợp đồng rất lớn và họ có vẻ rất băn khoăn bởi hợp đồng với đối tác Việt Nam thì rất dày, nhưng bản phê chuẩn của cơ quan chức năng Việt Nam thì đúng theo mẫu, chỉ có 3 trang. Tôi đã nói với ông Tổng giám đốc của BHP là nếu cần, ông ấy có thể tự soạn giấy phép, 10-15 trang cũng được, rồi hai bên cùng xem xét. Cuối cùng thì giấy phép đó đã được ký, dày hơn 10 trang và ông Tổng giám đốc của BHP đã khen ngợi rằng, là cán bộ quản lý nhà nước cấp cao nhưng tôi đã rất linh hoạt.

Một lần khác, một nhà đầu tư sản xuất máy ảnh của Nhật Bản đã đến Hà Nội tìm địa điểm đầu tư. Tôi đồng ý để họ đặt nhà máy ở Sài Đồng và nói rằng, các ông cứ đưa ra các ưu đãi của các nước khác, tôi sẽ đồng ý ở mức ưu đãi cao hơn. Tôi cũng đã đến KCN Sài Đồng để nói rằng, chúng ta đang cần thu hút đầu tư dự án này, phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư, đặc biệt là chuyện thuê đất, giá thuê đất… Có sự đồng thuận nên giấy phép này sau đó được ký rất nhanh.

Nói vậy để thấy là, để thành công, Tổ công tác đặc biệt phải được trao quyền rất lớn, được chủ động đàm phán và ra các quyết định của mình. Bây giờ phân cấp rồi, thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tỉnh, về các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư. Nếu có dự án lớn thì nên lập tổ đặc nhiệm như vậy và quy về một mối thôi, một người ra quyết định, đừng bắt “đại bàng” phải đi hết sở này, sở nọ để tìm hiểu, làm thủ tục.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà việc ra quyết định phải dựa trên khuôn khổ luật pháp và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt, nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư. Chỉ khi hài hòa được 4 lợi ích như vậy, chúng ta mới thu hút hiệu quả dòng vốn FDI.

BẢN ĐỒ FDI CỦA VIỆT NAM SẼ KHÁC

Những năm gần đây, luôn có những lời khẳng định về cơ hội để Việt Nam thu hút được dòng vốn lớn, nhưng thực tế như ông cũng vừa nói, là chưa có nhiều biến chuyển lắm. Ông có sợ rằng, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội này?

Chúng ta từng bỏ lỡ không ít cơ hội, mà bây giờ nhìn lại, tôi vẫn rất tiếc nuối. Một trong số đó là thời điểm năm 1995, khi khủng hoảng tài chính nổ ra ở châu Á, đồng Bath sụt giá, nhà đầu tư rút vốn ồ ạt ra khỏi Thái Lan, làm chao đảo cả khu vực. Sai lầm khi đó là chúng ta lại đi sửa Luật Đầu tư nước ngoài, bởi cho rằng đã ưu đãi quá đáng cho khu vực này, cần siết lại. Giá đừng sửa Luật thì khi Thái Lan, Malaysia, Singapore… “cháy nhà”, người ta sẽ sang Việt Nam, nhưng rồi chính chúng ta lại “đốt nhà” trước.

Nói vậy để thấy rằng, thể chế, chính sách là rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Một trong những lý do khiến Việt Nam ngay sau Đổi mới đã thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn bởi Luật Đầu tư nước ngoài, ban hành tháng 12/1987 là một trong những đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất khu vực. Ngày đó, khi thiết kế luật này, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.

Chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn ta thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30% mà không giới hạn tối đa. Chưa kể, còn hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư được thực hiện.

Và quan trọng hơn hết đó là việc Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) chính thức được thành lập vào tháng 3/1989 và sau đó, được giao nhiệm vụ là đầu mối để quản lý các hoạt động về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Là một ủy ban liên bộ, đầy đủ thẩm quyền trong tay nên phê duyệt dự án rất nhanh, khi cần thiết có thể trình thẳng lên Thủ tướng, nên thủ tục đầu tư khi ấy không ai kêu ca gì hết, nhà đầu tư rất hào hứng. Bởi vậy, sau đó, mới lần lượt có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Còn bây giờ, tôi thấy có 3 yêu cầu mà nhà đầu tư nước ngoài cần, mà chúng ta chưa giải quyết được.

Thứ nhất, mặc dù Chính phủ Việt Nam luôn có ý thức và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng đáng tiếc khâu thực thi lại chưa theo kịp. Bởi vậy, chúng ta chưa có một thể chế hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, ổn định như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta làm luật và sửa luật rất nhanh. Nếu không có sự ổn định về thể chế, thì không thể thu hút được “đại bàng”.

Hơn nữa, điều mà nhà đầu tư cần là thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, thời gian thực hiện nhanh, cấp phép nhanh. Vì sao chúng ta chưa đón được nhiều dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc? Đó là bởi họ dừng sản xuất ở Trung Quốc để chuyển đi thì phải nhanh, nhưng mất tới 1-2 năm để làm thủ tục thì họ sẽ mất đơn hàng, vậy ai lại chọn Việt Nam? Họ có thể sang Indonesia. Tổng thống Indonesia đã lệnh, dự án 70 triệu USD, tạo được 300 việc làm sẽ cấp phép trong một ngày. Philippines, Ấn Độ cũng có nhiều chính sách ưu đãi cao…

Cạnh tranh thu hút FDI là cạnh tranh quốc tế, phải nhìn ở góc độ như vậy. Nhưng ở góc độ khác, theo quan điểm của tôi, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… đều nằm trong cộng đồng ASEAN và trong cộng đồng này, nhiều nước đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư quá lớn, không cần thiết… Tôi cho rằng, ASEAN nên ngồi lại để cùng họp bàn, xác định thu hút đầu tư là thu hút cho ASEAN chứ không phải chỉ cho riêng một quốc gia nào, để không chạy đua ưu đãi đầu tư như vậy. Đây là chuyện lớn.

Thứ hai, chuyện sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn là một điểm yếu. Nếu chúng ta không đảm bảo được vấn đề này, nhất là với các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, thì họ không an tâm được.

Thứ ba, tham nhũng là một vấn đề, dù 2-3 năm gần đây, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong phòng chống tham nhũng. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang làm khó các nhà đầu tư bằng các thủ tục nhiêu khê, bằng các chi phí không chính thức… Bởi vậy, cần quan tâm hơn nữa cải cách môi trường đầu tư, làm sao thủ tục đơn giản, minh bạch, tiên liệu được và thống nhất cách hiểu từ trên xuống dưới.

Tôi cho rằng, việc cần làm là phải nâng cấp bộ máy nhà nước, phát triển chính phủ số, chính phủ kiến tạo… Định hướng này chúng ta đã có, chỉ cần thực thi đầy đủ và hiệu quả mà thôi.

Ông có tin vào triển vọng thu hút FDI của Việt Nam?

Tôi luôn có cái nhìn lạc quan về cơ hội thu hút FDI của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang phục hồi. Kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021. Các chuyến bay, đặc biệt là bay quốc tế bắt đầu được khôi phục. Rất nhiều FTA của Việt Nam với các đối tác cũng đã được ký kết, mang lại các cơ hội lớn. Cuối năm ngoái, các chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước đều luôn đi kèm với việc xúc tiến đầu tư rất hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, châu Âu đã cam kết đầu tư vào Việt Nam các dự án lớn. Đó đều là các dự án mà chúng ta đang cần.

Với các động thái đó và nếu chúng ta giải quyết được 3 trở ngại nói trên, cộng thêm việc xây dựng các tiêu chí để thu hút, đánh giá về FDI và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tôi tin là, chúng ta sẽ đón được nhiều hơn các nhà đầu tư lớn và dòng vốn đầu tư có chất lượng, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu. Bản đồ FDI của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới, đúng với Nghị quyết 50/NQ-TW.

Tin bài liên quan