Hàng không châu Á thiệt hại vì Corona dù tin rằng "ảnh hưởng chỉ là ngắn hạn"

Hàng không châu Á thiệt hại vì Corona dù tin rằng "ảnh hưởng chỉ là ngắn hạn"

(ĐTCK) Các hãng hàng không châu Á, vốn đang vật lộn hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, lại đón thêm cơn gió xoáy khi virus Corona bùng phát, buộc WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu.

Sinapore Airlines vừa cho biết, hãng sẽ giảm công suất phục vụ tại 7 thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải. CEO Goh Ghoon Phong của Singapore Airlines từ chối cung cấp thông tin chi tiết nhưng nhấn mạnh rằng “tình trạng hiện tại sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch chỉ trong ngắn hạn”.

Trước đó, vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (30/1/2020), ANA Holdings (Nhật Bản) trở thành hãng hàng không châu Á mới nhất công bố hoạt động kinh doanh đi xuống rõ rệt.

“Lượng vé bán ra cho du khách xuất phát từ Trung Quốc giảm khoảng một nửa trong tháng 2/2020, so với cùng kỳ năm ngoái”, CEO ANA Ichiro Fukuzawa nói và cho biết thêm, tổng thể, lượng vé từ Trung Quốc tới Nhật Bản đã giảm khoảng 40%. Trước đó, Công ty công bố kế hoạch chuẩn bị thu hẹp hoạt động tạm thời tại Trung Quốc.

Giới chuyên gia dự báo, lượng khách du lịch trong thời gian tới sẽ giảm xuống, khi mọi người hạn chế du chuyển để phòng tránh dịch bệnh.

Tại Trung Quốc, “3 cây đại thụ” là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines cũng là 3 nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch cúm Corona, theo Paul Yong, chiến lược gia tại DBS Group Holdings.

Số lượng từ website theo dõi các chuyến bay Flightradar24 cho thấy, gần 20% các chuyến bay nội địa Trung Quốc bị hủy, khi Bắc Kinh “đóng cửa” một số thành phố.

Hàng không châu Á thiệt hại vì Corona dù tin rằng "ảnh hưởng chỉ là ngắn hạn" ảnh 1

“3 cây đại thụ” là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines cũng là 3 nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch cúm Corona

Trong khi đó, Cathy Pacific Airways (Hồng Kông), cùng nhiều hãng hàng không khác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan – khu vực có hoạt động du lịch phụ thuộc lớn vào du khách Trung Quốc, đều chịu thiệt hại.

“Các hãng hàng không Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Australia cũng chịu ảnh hưởng, nhưng mức độ thấp hơn”, Paul Yong cho biết và nhấn mạnh, nếu tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay tiếp tục giảm xuống mức dưới 50% trong hơn 2 tháng, việc báo thua lỗ trong nửa đầu năm là dễ hiểu. Thông thường, tỷ lệ này vào khoảng 80% mới đảm bảo tình hình kinh doanh lành mạnh.

Diễn biến hiện tại của dịch cúm Corona gợi nhắc tới dịch SARS khởi nguồn từ phía Nam Trung Quốc năm 2002 và sau đó nhanh chóng lan rộng thông qua đường hàng không. Tại một số thời điểm, lượng khách di chuyển bằng đường hàng không giảm khoảng 25% tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khiến doanh thu của các hãng hàng không giảm khoảng 8%, tương tương 6 tỷ USD riêng năm 2003.

“Chúng ta nhiều khả năng sẽ chứng kiến diễn biến tương tự khi dịch Corona đang bùng phát”, S&P Global nhận định.

Kể từ năm 2003, châu Á đã chứng kiến ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, nhờ sự gia nhập của các hãng hàng không giá rẻ, như AirAsia (Malaysia), Lion Air (Indonesia), IndiGo (Ấn Độ). Điều này khiến các hãng hàng không truyền thống chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Hiện tại, dịch cúm Corona sẽ trở thành “ngọn lửa” mới nhất thử thách sức chịu đựng của các doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan