Việc bổ sung các dự án điện gió và điện mặt trời vào Quy hoạch Phát triển điện lực bị kéo dài và đình trệ khiến các dự án khó lòng đáp ứng tiến độ vận hành theo các mốc thời gian đã đặt ra. Ảnh: Đức Thanh

Việc bổ sung các dự án điện gió và điện mặt trời vào Quy hoạch Phát triển điện lực bị kéo dài và đình trệ khiến các dự án khó lòng đáp ứng tiến độ vận hành theo các mốc thời gian đã đặt ra. Ảnh: Đức Thanh

Hàng loạt dự án điện nằm chờ quy hoạch

Cả trăm dự án vào ngành điện, không kể quy mô lớn hay bé, do nhà đầu tư tư nhân trong nước, nước ngoài hay của doanh nghiệp nhà nước, dù đã được đề nghị đầu tư, nhưng chưa biết làm cách nào để triển khai.

Xanh, sạch cũng bí

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương cho biết, đã và đang nhận được rất nhiều đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng. Trong số đó có tới 5 dự án điện khí LNG có quy mô công suất cỡ cả ngàn MW/nhà máy; 210 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện chất thải rắn, 59 dự án điện gió. Về lưới điện, cũng có gần 100 dự án đang chờ điều chỉnh quy hoạch (4 dự án lưới điện 500 kV, 64 dự án lưới điện 220 kV và 23 dự án lưới điện 110 kV).

Theo Bộ Công thương, việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch Phát triển điện lực bị kéo dài và đình trệ khiến các dự án điện gió và điện mặt trời khó lòng đáp ứng tiến độ vận hành theo các mốc thời gian đã đặt ra tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hay Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg để nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi về giá.

Thậm chí, Bộ Công thương còn nhắc tới 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch, nhưng Bộ chưa có cơ sở để thẩm định bổ sung quy hoạch hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Với thực tế các nhà đầu tư chạy đua nước rút để có thể vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 với dự án điện mặt trời và trước ngày 1/11/2021 với dự án điện gió, thì việc tới giờ này mà dự án cứ nằm ngoài Quy hoạch khiến chủ đầu tư nhấp nhổm đứng ngồi.

Ngay cả Dự án Điện gió Kê Gà có quy mô 3.400 MW đang được nhắc tới gần đây, nhà đầu tư cho hay, ngày 11/3/2019, bản khảo sát chi tiết và kế hoạch làm việc để khảo sát khu vực Kê Gà rộng 2.000 km2 đã được Công ty Enterprize đệ trình Bộ Công thương để phê duyệt. Nội dung của kế hoạch gồm đánh giá tác động môi trường toàn diện, nghiên cứu địa kỹ thuật, đánh giá tài nguyên gió, kết nối lưới điện và phân tích tác động của việc kết nối, cùng với thiết kế các công trình phụ cho tua-bin, trạm phụ ngoài khơi, kế hoạch thực hiện dự án và kế hoạch tài chính…

Dẫu đặt ra kế hoạch chuỗi tua-bin đầu tiên hoạt động vào cuối năm 2022 và hoàn thành đề xuất 600 MW của giai đoạn xây dựng ban đầu trong năm 2023, nhưng với quy trình xử lý các dự án điện hiện nay, thì chưa biết bao giờ, Dự án Điện gió Kê Gà mới được bổ sung quy hoạch rồi đi đến nhận được quyết định đầu tư.

Tìm lối tắt có dễ

Mặc dù tại Quyết định số 995/QĐ-TTg (ngày 9/8/2018), Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành, quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ Công thương được giao thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực và quy hoạch năng lượng quốc gia, nhưng Bộ này cho biết, các dự án ngành điện vẫn đang bị tắc.

“Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, gây ra lúng túng khi có dự án mới, vì không biết có thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương với việc tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BTC về quy trình, thủ tục lập thẩm định phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành không đề cập cụ thể phạm vi lưới điện trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và lưới điện tích hợp trong quy hoạch tỉnh.

Việc chưa xác định rõ phạm vi nguồn và lưới điện được tích hợp trong quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh đang gây khó khăn cho việc thẩm định, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhất là với các dự án nguồn điện có công suất đến 50 MW và lưới điện áp cấp 110 kV trở xuống.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy định phạm vi lưới điện trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và phạm vi lưới điện trong quy hoạch tỉnh.

Với thực tế hiện nay, trước khi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ được thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định chuyên ngành trước đây. Theo đó, các nguồn điện trên 50 MW và lưới điện từ cấp 220 kV trở lên sẽ do Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh bổ sung quy hoạch; các dự án dưới cấp này sẽ do Bộ Công thương đảm nhiệm.

Tin bài liên quan