Hàng loạt dự án y tế ngàn tỷ tại TP.HCM “tê liệt” giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt dự án y tế tại TP.HCM có tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng đang không giải ngân được vì nhiều vướng mắc.
Nguyên nhân các dự án y tế không giải ngân được do vướng giải phóng mặt bằng, sau đó là vướng mắc về thủ tục đầu tư...

Nguyên nhân các dự án y tế không giải ngân được do vướng giải phóng mặt bằng, sau đó là vướng mắc về thủ tục đầu tư...

Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lẽ ra, việc đầu tư hệ thống y tế của TP.HCM cần phải “tăng tốc” để tránh “hụt hơi” như trong đợt dịch vừa qua. Thế nhưng, việc đầu tư hệ thống y tế vẫn gặp quá nhiều trắc trở. Trong 7 tháng của năm 2022, nhiều dự án bệnh viện của Thành phố có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không tiêu được đồng nào.

Điển hình là Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, kế hoạch vốn đã giao năm 2022 là hơn 1.000 tỷ đồng, song đến ngày 31/7/2022, Dự án không giải ngân được đồng nào. Dự án này đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay, nhưng do trục trặc hồ sơ liên quan đến đất đai, nên đến nay, Dự án vẫn không giải ngân được.

Bi đát hơn, Dự án Xây dựng Trung tâm Điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) lại gặp rắc rối từ việc nhỏ nhất là chặt cây xanh cũng phải làm rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, việc xây dựng Trung tâm Điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi Đồng 2, do có một số cây xanh nằm trong ranh giới công trình, nên phải chặt hạ để lấy mặt bằng thi công, nhưng thủ tục xin chặt hạ cây xanh phải đi xin lòng vòng qua rất nhiều cấp.

Để được chặt cây xanh, Bệnh viện Nhi đồng 2 phải gửi văn bản đến Sở Xây dựng TP.HCM xin “hạ” cây, rồi được sở này hướng dẫn thẩm quyền theo Văn bản 3421/UBND-ĐT ngày 5/9/2020 của UBND TP.HCM thuộc thẩm quyền của UBND quận 1 (nơi bệnh viện xây dựng). Sau đó, Bệnh viện lại phải gửi văn bản đến UBND quận 1 để “xin” chặt hạ cây xanh, thì quận 1 hướng dẫn làm theo Văn bản số 3421/UBND-ĐT. Do phải gửi văn bản đi lòng vòng nhiều cấp, Dự án mất nhiều thời gian thực hiện.

Một nguyên nhân nữa khiến Dự án Bệnh viện Nhi đồng 2 có tiền mà không tiêu được là do vướng giải tỏa mặt bằng. Dự án này được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 thực hiện từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Sốt ruột về tiến độ Dự án, ngày 14/7/2022, chủ đầu tư có Văn bản số 1307/BVNĐ2-HCQT gửi HĐND TP.HCM cùng UBND Thành phố và các sở, ngành có liên quan để xem xét sớm hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho Bệnh viện để xây dựng dự án.

Một dự án y tế quan trọng khác là Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh), vốn đã giao năm 2022 là hơn 277 tỷ đồng, nhưng cũng không giải ngân được đồng nào. Dự án này đang được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi có nghị quyết của HĐND TP.HCM điều chỉnh dự án thì mới tiến hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Do chưa giải tỏa được mặt bằng, nên dự án này chưa thể khởi công.

Ngoài các dự án nói trên, một loạt dự án nâng cấp bệnh viện giải ngân rất thấp trong 7 tháng năm 2022, như Dự án nâng cấp Bệnh viện Răng, hàm, mặt TP.HCM giải ngân 0%; Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi giải ngân được 22,8%; Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn giải ngân được 19,6%.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nguyên nhân các dự án y tế không giải ngân được do vướng giải phóng mặt bằng, sau đó là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đặc biệt, thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao khiến giá vật liệu tăng “phi mã”, nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ, nên tạm dừng dự án. Nhiều dự án sau dịch Covid-19 thiếu nhân công xây dựng trầm trọng, điển hình như Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, tổng mức đầu tư 1.854 tỷ đồng, nhưng chỉ có 120 công nhân thi công.

Đánh giá về hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư của xã hội. Đầu tư công hiệu quả sẽ có kết cấu hạ tầng tốt cho người dân được hưởng thụ; ngược lại, nguồn vốn đầu tư công chậm giải ngân, thì nền kinh tế sẽ bị kìm hãm. Theo ông Doanh, thời gian qua, dù được thúc giục rất nhiều, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Những địa phương, bộ, ngành chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc các dự án y tế tại TP.HCM chậm giải ngân đồng nghĩa với việc dự án bị chậm tiến độ. Hiện tại, nhiều bệnh viện tại Thành phố đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu khám chữa, bệnh. Ví dụ, Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn, mỗi khi trời mưa nước lại ngập lênh láng, người dân và bác sĩ phải lội nước bì bõm. Do Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn xuống cấp nghiêm trọng, nên UBND TP.HCM phải giao Sở Y tế phân tuyến khám chữa bệnh để giảm tải cho bệnh viện này.

Tin bài liên quan