Khoản vay xanh là công cụ tài chính xanh được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, các ngân hàng cung cấp chính bao gồm BIDV, MB, VPBank và TPBank

Khoản vay xanh là công cụ tài chính xanh được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, các ngân hàng cung cấp chính bao gồm BIDV, MB, VPBank và TPBank

Hệ thống ngân hàng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong triển khai năng lượng tái tạo, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu có 46 - 72 GW điện mặt trời và 32 - 44 GW điện gió vào năm 2030, môi trường phát triển tài chính xanh cần được cải thiện mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư.

Đầu tư toàn cầu vào hạ tầng phát thải thấp tiếp tục tăng ngay cả trong bối cảnh thách thức do căng thẳng thương mại và mối quan ngại về an ninh năng lượng, đạt 2.100 tỷ USD trong năm 2024, gần gấp đôi so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, phát thải CO2 từ năng lượng lại lập kỷ lục mới ở mức 37,8 gigaton, chủ yếu do chỉ có 15% vốn đầu tư vào năng lượng sạch được phân bổ cho các nước đang phát triển ngoài Trung Quốc, cũng chính là những quốc gia có lượng phát thải tăng nhanh nhất.

Theo đó, cần chuyển hướng thêm nguồn tài chính cho năng lượng sạch tới các nước đang phát triển để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu rủi ro khí hậu, vì đây sẽ là những thị trường có lượng phát thải tăng nhanh nhất trong tương lai.

Việt Nam - quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong triển khai năng lượng tái tạo, với công suất điện mặt trời và điện gió tăng từ mức gần bằng 0 vào năm 2018 lên 21 GW vào năm 2022.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1663/QĐ-NHNN cho phép ngân hàng triển khai các hoạt động liên quan đến tín dụng xanh như xây dựng quy trình ESG nội bộ để đánh giá rủi ro tín dụng, giám sát khoản vay và báo cáo. Ngoài ra, cơ quan này đặt mục tiêu tăng tỷ trọng tín dụng xanh lên 10% tổng tín dụng vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.

Theo ưu tiên tăng trưởng xanh và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, các ngân hàng Việt Nam cung cấp một số dịch vụ tài chính xanh, bao gồm các công cụ nợ như trái phiếu và khoản vay xanh; vốn cổ phần và quỹ đầu tư; các công cụ liên kết ưu đãi như các khoản vay liên kết bền vững (SLL), hoặc cơ cấu tài chính hỗn hợp; tiền gửi, bảo lãnh.

Những công cụ này sẽ trở nên thông dụng hơn khi tài chính xanh trở thành trọng tâm trong tham vọng của quốc gia về vị thế trung tâm tài chính quốc tế.

Khoản vay xanh là công cụ tài chính xanh được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, các khoản vay xanh chiếm gần 4,5% tổng dư nợ tín dụng, những ngân hàng cung cấp chính bao gồm BIDV, MB, VPBank và TPBank. Mặc dù con số này còn thấp so với mục tiêu 10% vào năm 2025 nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực, vì lĩnh vực tín dụng xanh của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2017 - 2024 đạt 22%.

Việc phát hành trái phiếu xanh khá phổ biến trên toàn cầu, quy mô thị trường đạt 575 tỷ USD vào năm 2023. Công cụ này tại Việt Nam chưa được sử dụng nhiều, nhưng gần đây có các dấu hiệu tích cực hơn. Chẳng hạn, tháng 11/2024, Vietcombank đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường. Đầu năm 2025, HDBank phát hành trái phiếu xanh tư nhân, huy động được 118 triệu USD cho năng lượng tái tạo và các dự án hạ tầng phát thải thấp khác. MB đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu xanh với tổng giá trị từ 100 - 300 triệu USD trên thị trường quốc tế trong năm nay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Việt Nam đang đẩy mạnh công cụ vốn cổ phần và quỹ đầu tư thông qua các hoạt động đồng đầu tư, tài trợ quỹ và đầu tư trọng điểm cho các dự án năng lượng sạch. Ví dụ, HSBC và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã cam kết hỗ trợ tài chính 12 tỷ USD để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam với tư cách là đơn vị đồng phát triển kiêm nhà đầu tư chính.

Ngoài ra, các khoản vay liên kết bền vững (SLL) gắn điều khoản vay với các chỉ số về tính bền vững dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Năm 2024, HSBC Việt Nam đã cung cấp SLL cho Gemadept, MUFG Bank cung cấp SLL cho Yusen Logistics Việt Nam, các khoản vay tập trung lần lượt vào giảm phát thải các-bon trong hoạt động tại cảng và trong lĩnh vực vận tải.

Các chương trình bảo lãnh tín dụng cho hoạt động phát hành trái phiếu xanh và phát triển năng lượng tái tạo đã và đang được triển khai để giảm thiểu rủi ro cho các dự án đầu tư. Một ví dụ điển hình là khoản bảo lãnh một phần trị giá 50 triệu USD năm 2022 của GuarantCo, thuộc Tập đoàn Phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG), cho trái phiếu xanh của EVNFinance.

Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho phát triển ngân hàng xanh và tài chính xanh

Thông qua thúc đẩy khoản vay liên kết bền vững, đánh giá rủi ro ESG và tận dụng tài chính ưu đãi để giảm chi phí vay, các ngân hàng Việt Nam có thể huy động được vốn đầu tư cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.

Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong những năm tới. Theo đó, Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh gần đây hướng tới triển khai 46 - 72 GW điện mặt trời và 32 - 44 GW điện gió vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam dự kiến huy động 27,6 tỷ USD đầu tư hàng năm trong giai đoạn 2026 - 2030, gần gấp ba mức đầu tư hàng năm cho năng lượng hiện tại. Do đó, Việt Nam cần cải thiện môi trường phát triển tài chính xanh để thúc đẩy đầu tư.

Một trong các nội dung then chốt cho cơ quan chính quyền là xây dựng khung quản lý toàn diện, bắt đầu từ việc hoàn thiện danh mục phân loại xanh và các hướng dẫn chuẩn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh.

Phân loại xanh của ASEAN, phân loại xanh của EU, cũng như các hệ thống phân loại xanh quốc gia tại Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan có thể là cơ sở tham chiếu mang lại thông tin hữu ích cho Việt Nam. Việc hoàn thiện khung quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ tập trung vào tài chính bền vững.

Một số chính sách khác nhằm thúc đẩy tài chính xanh bao gồm xây dựng khung pháp lý cho trái phiếu xanh, khoản vay liên kết bền vững và tín chỉ các-bon, thiết lập các yêu cầu về công bố rủi ro môi trường cũng như mục tiêu về tài chính xanh cho các ngân hàng và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, có thể thành lập Nhóm công tác về Tài chính xanh để phối hợp phát triển danh mục phân loại xanh, giúp phân loại các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động này. Dựa trên kinh nghiệm từ Singapore và Indonesia, nhóm công tác nên là một cơ quan liên bộ - bao gồm đại diện từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các tổ chức tài chính then chốt - phụ trách định hướng quá trình phát triển hệ thống phân loại, quy trình dự án và các yếu tố chính khác thúc đẩy tài chính xanh.

Ngoài ra, thiết lập thị trường các-bon cũng sẽ khuyến khích tài chính xanh ở Việt Nam bằng cách cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính khác tạo nguồn thu từ việc giảm phát thải, định hướng quyết định đầu tư và huy động vốn cho giải pháp phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam, dưới sự điều phối của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đang phát triển thị trường các-bon và sự tham gia của các ngân hàng trong việc định hình thiết kế thị trường sẽ đảm bảo hệ thống cung cấp các tín hiệu đầu tư hữu ích. Định giá các-bon sẽ mang đến một thị trường các-bon minh bạch, hiệu quả, giúp cải thiện khả năng huy động vốn cho dự án và khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho giải pháp phát thải thấp.

Hệ thống ngân hàng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng

Các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các ngân hàng có thể mở rộng công cụ cho vay và đầu tư xanh như khoản vay và trái phiếu liên kết bền vững (SLL và SLB) gắn với các chỉ số về giảm phát thải.

Ba Lan, quốc gia có tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng cao hơn Việt Nam, là ví dụ điển hình khi có một doanh nghiệp nhà nước lớn phát hành SLB bằng nội tệ với giá trị tương đương 250 triệu USD vào năm 2020. Trái phiếu này liên kết chi phí vốn (lãi suất và phí) với các mục tiêu về giảm phát thải và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Theo đó, doanh nghiệp đã phân bổ nguồn tài chính huy động được cho các dự án mới về xây dựng lưới điện truyền tải và phát triển năng lượng tái tạo.

Các ngân hàng tại Việt Nam có thể hỗ trợ những dự án xanh với quy mô nhỏ hơn tiếp cận nguồn tài chính mới thông qua chứng khoán xanh. Chứng khoán hóa là tổng hợp các khoản vay cho dự án xanh quy mô nhỏ thành một công cụ tài chính duy nhất có thể bán cho các tổ chức đầu tư, thường có ngưỡng đầu tư tối thiểu. Thông qua tập hợp các dự án, chứng khoán hóa giúp giải quyết những rào cản về quy mô và rủi ro, cho phép phân bổ vốn đến các sáng kiến xanh quy mô nhỏ với khả năng huy động tài chính hạn chế.

Các ngân hàng cũng có thể thực hiện “stress test” (kiểm tra khả năng phục hồi) và sàng lọc dựa trên ESG để đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

Sự hợp tác giữa các ngân hàng trong nước và quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng đối với công tác nâng cao năng lực thẩm định dự án, đánh giá rủi ro và giám sát. Những ngân hàng phát triển đa phương như IFC, ADB và PIDG có vị thế thuận lợi để hỗ trợ các ngân hàng của Việt Nam thông qua cung cấp các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng và cơ cấu tài chính hỗn hợp. Việc giảm chi phí vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với năng lượng tái tạo, lĩnh vực hạ tầng thường yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cao hơn nhưng có chi phí vận hành thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch, tác động đáng kể đến khả năng huy động tài chính tổng thể của các dự án trong lĩnh vực này.

Ví dụ, trang trại điện gió quy mô lớn đầu tiên của Indonesia đã huy động vốn kết hợp từ tài chính ưu đãi của Tập đoàn Tài chính phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và khoản vay thương mại của một ngân hàng Nhật Bản.

Để khai thác thêm nguồn tài chính ưu đãi, các ngân hàng trong nước và quốc tế tại Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức từ thiện có khả năng hỗ trợ tài chính cho những dự án năng lượng tái tạo, chẳng hạn các nghiên cứu khả thi về điện gió ngoài khơi, vốn mang lại tác động lớn nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao. Theo phân tích chi tiết trong báo cáo Nghịch lý khí hậu (Climate Paradox) gần đây của Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu, nguồn tài chính từ thiện có mục tiêu đóng vai trò quan trọng để triển khai các công nghệ mới và giảm thiểu rủi ro cho một số dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo của các ngân hàng tại Việt Nam.

Lộ trình tương lai

Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng trong nước, nhưng vẫn cần triển khai thêm những biện pháp khác để hiện thực hóa các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng. Các biện pháp bao gồm nâng cao năng lực về tài chính xanh thông qua các công cụ mang tính đổi mới, tăng cường quan hệ hợp tác trong nước, quốc tế và củng cố các khung quản lý nâng cao.

Thông qua thúc đẩy khoản vay liên kết bền vững, đánh giá rủi ro ESG và tận dụng tài chính ưu đãi để giảm chi phí vay, các ngân hàng Việt Nam có thể huy động được vốn đầu tư cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Hơn nữa, các biện pháp này có thể giúp nâng cao khả năng thích ứng cho nền kinh tế và cải thiện an ninh năng lượng, đồng thời giúp củng cố vị thế của Việt Nam như một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tin bài liên quan