Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hỗ trợ doanh nghiệp, cần nhất là sự kịp thời

(ĐTCK) “Chúng tôi phải tính toán kỹ các nguồn lực để cố gắng duy trì sản xuất, công ăn việc làm cho người lao động, làm sao để hết dịch là bắt tay vào phục hồi sản xuất - kinh doanh, phát triển được ngay”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã chia sẻ như vậy về định hướng sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn trong thời điểm này.

Ðúng như lời bà Chủ tịch chia sẻ, với khoảng 20.000 người lao động, trong đó có những chuyên gia nước ngoài, việc đảm bảo cứ đến tháng người lao động nhận đủ thu nhập cũng là một áp lực không nhỏ.

Tính toán sơ bộ của Tập đoàn cho thấy, có tới 12.000 buồng phòng khách sạn, nhiều nghìn vòng chơi gôn bị hủy cho đến thời điểm này.

“Mỗi sân gôn có khoảng 300 caddy, trong khi Tập đoàn đang vận hành 7 sân gôn. Những lao động này không có thu nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, vì họ cũng khó có thể tìm được công việc khác ở thời điểm này”, đại diện BRG cho biết.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn này, bà Nga đề xuất Chính phủ, trước mắt gia hạn nộp tiền thuê đất từ tháng 2 đến tháng 6, xem xét gia hạn nộp tiền thuê đất 12 tháng, tức là kéo dài hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính là 5 tháng.

“Ðề xuất này có thể gây khó cho Chính phủ vì không thu được tiền trước, nhưng lại hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh”, bà Nga đề xuất.

Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đề nghị Chính phủ xem xét đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để doanh nghiệp có thể dồn nguồn lực đầu tư, đón đầu cơ hội thị trường hồi phục trở lại sau dịch.

“Có những dự án có điểm nghẽn về thủ tục pháp lý, thủ tục dự án đạt 70-80% rồi thì Chính phủ và các bộ, ngành tập trung xem xét, đẩy nhanh thủ tục thông thoáng tạo cơ hội cho doanh nghiệp đủ điều kiện để đầu tư. Ðây cũng là cách để các doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng, thúc đẩy GDP, ổn định sản xuất”, bà Nga kiến nghị.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet thì cho rằng, nguồn lực rất lớn cần tập trung giải phóng ở thời điểm này là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với tổng vốn ngân sách còn lại của cả năm 2019 và 2020 lên tới 600.000 tỷ đồng.

Hiện Vietjet đang thực hiện giảm bớt lao động, duy trì mức lương 2/3 so với trước dịch.

Với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thời điểm này còn phải chịu khó khăn kép khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đồng thời cuộc chiến giá dầu căng thẳng đã đẩy giá dầu thô giảm sâu.

Ðại diện BSR cho biết, chỉ trong vòng 4 ngày (từ 9/3 đến 12/3/2020) giá dầu thô Dated Brent đã giảm hơn 30%, từ mức 51,5 USD/thùng về mức 34,8 USD/thùng, còn nếu tính từ ngày 6/1/2020 có mức giá 69,96 USD/thùng, thì giá dầu thô Dated Brent đã giảm hơn 50%, đây là mức giảm mạnh nhất trong gần 30 năm qua.

Các tổ chức quốc tế như Platts, Goldman Sachs và các chuyên gia kinh tế còn dự báo kịch bản có thể xấu hơn với giá dầu Dated Brent, sẽ dao động ở mức 30 USD/thùng, thậm chí xuống ngưỡng 20 USD/thùng nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô nhằm ổn định giá trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nga đã không đồng ý với đề xuất này.

Việc nguồn cung giữ nguyên, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm, kết hợp với nền kinh tế đang gặp khó khăn, đã làm cho thị trường dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.

Hiện nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu trong nước đã giảm rất mạnh, các khách hàng của BSR gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng rất cao trong thời gian qua.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm Jet A1 có mức giảm sâu nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các chuyến bay trong nước và quốc tế bị cắt giảm trầm trọng.

BSR đã phải điều chỉnh dải công suất, nhằm đưa công suất của Nhà máy Dung Quất về mức tối ưu, vừa đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, vừa sản xuất sản lượng vừa đủ cho nhu cầu thời điểm hiện tại.

Công ty đã phối hợp và hỗ trợ các khách hàng để giải phóng hàng, giảm áp lực tồn kho và giảm thiểu giảm giá hàng tồn kho.

Công tác giao nhận dầu thô cũng được tối ưu hóa để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của việc giảm giá đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

BSR còn tích cực làm việc với các đơn vị cung cấp dầu thô truyền thống để thương thảo các hình thức hỗ trợ BSR trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

“Cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh (ngoài dầu thô), tăng cường quản trị chi phí, áp dụng các sáng kiến, cải tiến và giải pháp tối ưu trong quản lý, điều hành các hoạt động hàng ngày tại Công ty”, lãnh đạo BSR chia sẻ về các giải pháp mà Công ty đang áp dụng.

Tin bài liên quan