Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước)

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước)

Hơn triệu tỷ đồng chỉ là số tiền tạm thời nhàn rỗi

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế lên tiếng về sự lãng phí nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khi còn hơn một triệu tỷ đồng ngân sách chưa được sử dụng hiệu quả.

“Toàn bộ số tiền hơn một triệu tỷ đồng chỉ là tiền tạm thời nhàn rỗi, đã có kế hoạch chi, địa chỉ chi được quản lý, sử dụng hiệu quả”, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) khẳng định.

Ông giải thích thế nào trước việc NSNN đang khó khăn mà vẫn có hơn một triệu tỷ đồng không tiêu hết?

Nhiều người cho rằng, NSNN đang được sử dụng không hiệu quả, thậm chí lãng phí vì Nhà nước vẫn phải đi vay trong và ngoài nước, trong khi còn hơn triệu tỷ đồng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn lãi suất đi vay. Nghĩ như vậy là do chưa thật sự am tường về quản lý, sử dụng ngân quỹ quốc gia.

Theo Luật NSNN năm 2015, ngân quỹ nhà nước được hình thành từ quỹ ngân sách các cấp và tiền gửi của các quỹ tài chính nhà nước, đơn vị, tổ chức kinh tế tại Kho bạc Nhà nước.

Nói dễ hiểu, ngân quỹ nhà nước bao gồm ngân sách 4 cấp (cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã), cùng với hàng trăm ngàn tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước của các đơn vị, tổ chức; tiền gửi của các đơn vị được thu phí, lệ phí theo quy định về Luật Phí và lệ phí; tiền tạm thu, tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền...

Tất cả các tài khoản đều có cơ chế quản lý, thu chi riêng, đều đã có kế hoạch chi được cơ quan có thẩm quyền quyết định, thậm chí rất nhiều khoản chi đã được Quốc hội thông qua, không thể lấy khoản này chi cho cho khoản khác, mặc dù đều là nhiệm vụ chi của NSNN. Chính vì vậy mới có việc có rất nhiều khoản chi, nhưng chưa chi, nên tạm thời nhàn rỗi, trong khi có những tài khoản chi đã chi đúng tiến độ, chỉ đủ theo định mức.

Tôi xin nhấn mạnh, toàn bộ số tiền hiện tại hơn một triệu tỷ đồng là tiền ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi, đều đã có kế hoạch chi, trong khi chưa chi đến, theo quy định phải gửi vào ngân hàng, để tối đa hóa nguồn tài chính.

Vậy tại sao, Kho bạc Nhà nước chỉ gửi vào ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng với lãi suất cao, trong khi gửi Ngân hàng Nhà nước 895.000 tỷ đồng với lãi suất 0,8%/năm, thưa ông?

Nếu gửi số lượng lớn tiền ngân quỹ vào ngân hàng thương mại để lấy lãi suất cao, khi các chủ tài khoản cần chi tiêu mà ngân hàng không có đủ, đặc biệt khi cần khối lượng tiền lớn để giải quyết, xử lý những nhiệm vụ chi cấp bách như thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh chẳng hạn hoặc ngân hàng mất tính thanh khoản, phá sản, giải thể, thì hệ lụy vô cùng lớn.

Chính vì vậy, Luật NSNN quy định, Kho bạc Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất ngân quỹ nhà nước để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước; bảo đảm quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương, đóng vai trò như ngân hàng của Chính phủ và là ngân hàng duy nhất giúp Kho bạc Nhà nước đáp ứng được yêu cầu thanh toán đầy đủ, kịp thời tất cả nhu cầu thanh toán, chi tiêu của NSNN.

Như vậy, việc sử dụng tiền ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi thế nào, gửi ở đâu không phải do Kho bạc Nhà nước quyết định?

Đúng vậy. Theo quy định tại Nghị định 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là phải tạm ứng cho ngân sách trung ương, tiếp theo là tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh trong trường hợp bị tạm thời thiếu hụt. Sau đó mới được gửi có kỳ hạn các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng, nếu vẫn còn nguồn tạm thời nhàn rỗi mới thực hiện mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ.

Mặc dù gửi tiền vào ngân hàng thương mại càng dài thì lãi suất càng cao, nhưng không được gửi quá 3 tháng vì để bảo đảm khả năng chi trả của NSNN.

Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về khả năng thanh khoản và an toàn về việc sử dụng ngân quỹ nhà nước. Theo đó, ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời tất cả nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tại mọi thời điểm; các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng đúng mục đích và có khả năng thu hồi đầy đủ khi đến hạn, chứ không chỉ nhìn vào lãi tiền gửi thu được.

Tức là quản lý ngân quỹ nhà nước phải đặt an toàn thanh khoản và an toàn sử dụng lên trên hết, thưa ông?

Quản lý ngân quỹ đối với cá nhân, tổ chức, gia đình, doanh nghiệp cũng thường có rủi ro, với ngân quỹ quốc gia, thì tuyệt đối không để xảy ra rủi ro, vì nếu xảy ra rủi ro thì hậu quả không thể tưởng tượng được.

Chính vì thế, Bộ Tài chính luôn coi quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước là nhiệm vụ tối quan trọng. Để bảo đảm ngân quỹ nhà nước tuyệt đối an toàn, Bộ Tài chính phải tính toán hạn mức sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại; đầu tư vào trái phiếu chính phủ; xác định định mức tồn ngân quỹ tối thiểu phải duy trì để đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả cho các đơn vị giao dịch.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước là phải quản lý, sử dụng có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm nay, riêng tiền gửi nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại đã thu được 2.800 tỷ đồng tiền lãi.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, ngân quỹ nhà nước được bảo đảm tuyệt đối an toàn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi khoản chi tiêu cả cấp bách, thường xuyên, đầu tư, trả nợ của Chính phủ, đồng thời sử dụng hiệu quả, chứ không hề lãng phí, dù chỉ một đồng.

Tin bài liên quan