HSBC: Rủi ro năng lượng do El Niño gây ra có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn tại Việt Nam

HSBC: Rủi ro năng lượng do El Niño gây ra có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC mới công bố báo cáo “ASEAN Perspectives - Hiện tượng El Niño đổ bộ” cho thấy, trong đợt El Niño lần này, xuất khẩu gạo và sản lượng cà phê cũng có thể gặp một số áp lực do nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Thương mại: lĩnh vực dễ tổn thương

Theo Báo cáo, lĩnh vực nông nghiệp của ASEAN chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ El Niño. Khi nhiều quốc gia đã tiến lên trong chuỗi giá trị, quy mô tuyệt đối của ngành nông nghiệp trở nên nhỏ bé, chiếm khoảng 10% GDP ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo quan điểm của HSBC, không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của nông nghiệp.

Cũng theo Báo cáo, không chỉ vì ASEAN là khu vực sản xuất chính các loại nông sản khác nhau, mà tỷ lệ việc làm tập trung trong lĩnh vực này vẫn còn khá lớn. Điều này thể hiện rõ nhất ở Thái Lan, nơi thu nhập từ nông nghiệp là nguồn tiêu dùng nội địa quan trọng. HSBC cho rằng, có ba sản phẩm chính dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của El Niño.

Thứ nhất là gạo, loại lương thực chính trong khu vực. Trong lịch sử, các đợt El Niño thường gây ra sụt giảm sản lượng gạo cùng với các chính sách thương mại tương đối hạn chế làm trầm trọng thêm tình trạng này. Trong những năm qua, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã nỗ lực tăng cường an ninh lương thực, tập trung vào việc tăng năng suất lúa gạo.

“Tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn có mức độ phụ thuộc cao vào nhập khẩu ngũ cốc. Hai trường hợp ngoại lệ trong ASEAN là Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba, cả hai quốc gia này cộng lại chiếm gần 30% thị phần của thế giới, sau Ấn Độ với 40%”, các chuyên gia HSBC nhận định.

Được biết, đợt El Niño năm 2015-2016 đã khiến sản lượng tại hai thị trường này giảm hơn 10%, nhắc các nhà hoạch định chính sách nhớ về tính nghiêm trọng của tình hình. Tại Thái Lan, nông dân được khuyên chỉ nên trồng một vụ lúa để thích ứng với lượng mưa thấp và tình trạng thiếu hụt nước. Hậu quả là xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 7%, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA).

Báo cáo nhận định, điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước khác trong khu vực, vì hầu hết các quốc gia ASEAN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo từ hai nước này. Tuy nhiên, khả năng phục hồi dự kiến của Ấn Độ có thể bù đắp phần nào hạn chế này.

Thứ hai là dầu cọ. Khi nói về các mặt hàng, ASEAN nổi tiếng với sự thống trị thị trường dầu cọ toàn cầu. Tổng sản lượng của Indonesia và Malaysia chiếm 85% lượng dầu cọ của thế giới (tiếp theo là Thái Lan với 4% thị phần), và dầu cọ cũng chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu ở mỗi quốc gia. Trong khi El Niño vừa mới bắt đầu, chính quyền ở cả hai quốc gia đã cảnh báo về khả năng gián đoạn thu hoạch dầu cọ. Indonesia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp ở bảy tỉnh, chủ yếu là các khu vực sản xuất dầu cọ.

Thứ ba là cà phê. Không giống như hai loại hàng hóa trên, cà phê là một mặt hàng “thứ yếu”, nhưng tác động sẽ lan rộng đối với người tiêu dùng toàn cầu, nhất là những người xem cà phê là một nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Mặc dù chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 1%) – tương tự như dầu cọ – Việt Nam và Indonesia cung cấp 25% lượng cà phê của thế giới, chủ yếu là hạt Robusta, được biết đến với vị đắng và độ axit cao hơn. Trước đó, sản lượng cà phê ở cả hai nền kinh tế này đã giảm 10% trong năm 2015-2016, gợi ra câu hỏi về tác động của El Niño lần này.

“Đặc biệt, USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta tại Indonesia niên vụ 2023/24 sẽ giảm 20% do mùa khô đến sớm, ảnh hưởng đến hơn 60% diện tích cà phê. Những người đam mê các loại cà phê Nanyang truyền thống ở ASEAN, hay được gọi là Kopi, được làm từ hạt Robusta, nên chú ý đến điều này”, HSBC nhận định.

El Niño có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp

Một tác động phụ khác là sự gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng, Báo cáo đã lấy Việt Nam và Malaysia làm ví dụ, vì rủi ro từ El Niño xuất hiện ở cả hai đất nước này. Vào đầu tháng 6, các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều gã khổng lồ điện tử bao gồm Samsung và Foxconn, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện.

“Mất điện là do thiếu hụt thủy điện, nguồn cung cấp điện chính ở miền bắc, vì nắng nóng và hạn hán do El Niño gây ra đã khiến nước trong các hồ chứa cạn kiệt, thậm chí mực nước ở các đập lớn ở miền bắc cũng giảm đến mực nước chết”, Báo cáo chỉ rõ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả các hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn. Sau khi một số nhà sản xuất thiết bị điện tử cắt giảm sản xuất, tình trạng mất điện gần đây đã bắt đầu giảm bớt, cho phép các nhà máy kéo dài thời gian hoạt động.

“Tuy nhiên, rủi ro năng lượng do El Niño gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn, vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với thách thức khi số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm”, HSBC nhận định.

Điều may mắn, theo Báo cáo, các nhà hoạch định chính sách ASEAN ý thức rõ tác động của El Niño, ban hành các cảnh báo sớm và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho những gián đoạn kinh tế tiềm ẩn. Các quốc gia đã phải viện đến những giải pháp như công nghệ tạo mưa nhân tạo, tăng nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp nhất định và hạn chế phần nào các hoạt động sản xuất nhằm giảm thiểu những gián đoạn có khả năng xảy ra do El Niño.

Mối quan hệ với lạm phát

Lịch sử cho thấy, không có mối quan hệ rõ ràng nào giữa El Niño và lạm phát ở ASEAN, bất chấp những thách thức phổ biến trong sản xuất lương thực.

Nhưng điều này không có nghĩa là El Niño không ảnh hưởng đến giá cả. Điều này có thể xảy ra thông qua nhiều kênh khác nhau – bao gồm nhưng không giới hạn ở các kênh: Giảm hoàn toàn nguồn cung lương thực; Nhu cầu năng lượng đầu vào cao hơn, chẳng hạn như dầu, để giúp bù nhiệt; Rủi ro đối với các nước nhập khẩu thực phẩm ròng là các nước xuất khẩu thực phẩm cấm xuất khẩu.

Tuy nhiên, tính chất có thể đoán được của El Niño trong những năm qua đã cho phép các nền kinh tế ASEAN định vị chiến lược của mình nhằm giảm thiểu tác động của El Niño đối với giá lương thực, hay ít nhất là sản xuất, ngay cả trước khi mùa khô diễn ra. Theo Ngân hàng Thế giới (2019), các biện pháp can thiệp chính sách chung trong ASEAN bao gồm giới thiệu các giống cây trồng chịu hạn, mở rộng hệ thống tưới tiêu, nhập khẩu lương thực kịp thời và bảo quản ngũ cốc đúng cách để tránh hư hỏng. Những can thiệp chính sách này hiệu quả hơn trong việc làm dịu tác động của El Niño đối với giá cả, nhưng lại kém hiệu quả trong việc giảm thiểu tổn thất trong sản xuất lương thực.

Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng, đợt El Niño này có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Các nhà khoa học phát hiện các sự kiện El Niño có cường độ mạnh như năm 1982-1983 và 1997-1998 đã làm giảm thu nhập toàn cầu do ảnh hưởng đến sản xuất và chế biến nông sản toàn cầu, đồng thời tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

"Theo quan điểm của chúng tôi, El Niño có tác động kinh tế khác nhau giữa các khu vực thông qua việc thay đổi sản xuất nông nghiệp và cung cầu năng lượng”, Báo cáo của HSBC nhận định.

Tin bài liên quan