Gạo Việt được mùa xuất khẩu

Gạo Việt được mùa xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông sản.

Được mùa xuất khẩu gạo

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng năm 2023, chỉ có nhóm nông sản, lâm sản tăng 3,7% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp lớn của mặt hàng gạo. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 4,5% về giá trị.

Với kết quả như vậy, có thể nói, gạo là điểm sáng xuất khẩu.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng là gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, đồng thời giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp. Đây là một trong những yếu tố giúp ngoại tệ thu về từ xuất khẩu gạo ngày càng lớn.

Từ đầu năm đến nay, ngành gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao, với giá trị gia tăng cao.

Điều này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Kỳ vọng tăng lợi nhuận

Xuất khẩu nông, lâm, thủy 4 tháng đầu năm 2023 đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ xuất khẩu gạo tăng 54,5%, các mặt hàng còn lại đều giảm.

Cụ thể, xuất khẩu cao su giảm 20,1%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4%; mây, tre, cói thảm giảm 29,2%; cá tra giảm 39,9%; tôm giảm 39,6%.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo những tháng tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang…, buộc các nước tăng cường dự trữ lương thực, nên ngành gạo có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho hay: “Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi”.

Các doanh nghiệp vừa có thể tăng sản lượng xuất khẩu và có lợi về giá bán, bởi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng, trong khi nguồn cung có hạn. Cụ thể, nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; trong khi giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại. Tại Trung Quốc, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo dự báo giảm hơn 3 triệu tấn.

“Nguồn cung lúa gạo hiện thấp hơn nhu cầu, nên đầu ra thuận lợi”, VFA nhận định. Tuy nhiên, vấn đề của ngành gạo là liên kết chuỗi giá trị sản xuất để đánh trúng nhu cầu thị trường, đàm phán được giá bán tốt.

Ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 7-8 triệu tấn, thu về 4 tỷ USD trong năm nay. Với tín hiệu thị trường thuận lợi như hiện tại, việc chinh phục mốc này không quá khó, nhưng làm sao để xuất khẩu nhiều với giá cao mới là đích mà các doanh nghiệp hướng tới.

Thực tế, năm 2022, nhu cầu lương thực trên thế giới tăng vọt đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu kỷ lục, nhưng chi phí sản xuất tăng cao cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như kỳ vọng.

Năm ngoái, ngành gạo xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn, kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 16% về lượng và 5,1% về giá trị so với năm 2021. Đây là kim ngạch cao nhất trong 10 năm của ngành gạo, giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tại hội nghị về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, diễn ra cuối tháng 4/2023, ông Nguyễn Ngọc Nam thừa nhận, dù việc xuất khẩu đang có thuận lợi khi cầu thế giới tăng, giá gạo ở mức cao, nhưng hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương xứng.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Nam cho biết, doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo.

Nhằm nâng cao hiệu quả, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để cải cách chuỗi từ khi gieo sạ, tới tạm trữ, chế biến, bảo quản, xuất khẩu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận, doanh thu đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ (mảng lương thực đem về 1.675 tỷ đồng, chiếm 68%), nhưng giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận gộp giảm 50%, còn 273 tỷ đồng.

Cũng do chi phí tài chính tăng gấp đôi, lên 147 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng, nên Lộc Trời báo lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 244 tỷ đồng. Cả năm ngoái, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% so với năm 2021, đạt hơn 11.690 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu do doanh thu từ mảng lương thực (chiếm 54% tổng doanh thu), đem về gần 6.431 tỷ đồng (tăng 58%), nhưng lãi sau thuế giảm nhẹ 1%, còn hơn 412 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2022, Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An đạt doanh thu hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22%, nhưng do nhiều chi phí tăng mạnh, Trung An báo lãi sau thuế giảm 27,5% so với năm 2021, còn 70 tỷ đồng.

Tin bài liên quan