Hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, bền vững

Hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, bền vững

(ĐTCK) Hội trường lớn khách sạn Sheraton không còn một ghế trống, cánh báo chí được bố trí thêm ghế ngồi ở sảnh ngoài theo dõi các diễn giả phát biểu qua màn hình lớn. 

Điều này đã phản ánh sức nóng của buổi công bố Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Báo cáo hoàn thành sau hơn một năm làm việc với nhiều tâm huyết và công sức của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Song quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đây là tài liệu tham khảo có giá trị cho nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong triển vọng dài hạn 20 năm tới và những năm trước mắt, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035.

Nhiều chỉ tiêu định lượng đã được cụ thể hóa cho một Việt Nam trong tương lai với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trung bình 6%/năm, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000 USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010; trên 50% người dân sống ở khu vực đô thị; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%; một sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây…

Để đạt được những mục tiêu đó, các chuyên gia đã chỉ ra 6 đột phá Việt Nam phải thực hiện, bao gồm xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy hòa nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và chuyển dịch không gian phát triển.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh đến việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp bứt phá. Ông khẳng định rằng, cần coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia. Những chính sách hiện thực hóa thông điệp này sẽ tạo điều kiện để tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm 90% trong nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Đồng thời, gia tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân, động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Kỳ vọng về những thay đổi đột phá trong tương lai là rất lớn, bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, kiến nghị trong báo cáo sẽ được Chính phủ nghiên cứu đưa vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là 5 năm tới, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và cập nhật kiến nghị quan trọng với tiến trình phát triển. Việc theo dõi những tác động từ cải cách chính sách trong đời sống kinh tế - xã hội cũng sẽ được thực hiện thường xuyên và sẽ là tiền đề cho sự đổi mới, sáng tạo liên tục.

Tương lai Việt Nam sẽ thịnh vượng, đó là niềm tin mạnh mẽ của giới quan sát quốc tế khi chứng kiến những quyết tâm và động thái chính sách của Việt Nam gần đây. Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới kể lại câu chuyện của đất nước ông để thấy rằng, khi có quyết tâm và hành động, mục tiêu tưởng rất xa sẽ đạt được. Hàn Quốc hơn 20 năm trước đây lạc hậu và kém phát triển, có tới một nửa số người dân tin rằng, sẽ chẳng còn cơ hội nào đối với “xứ sở kim chi”.

Vậy nhưng bằng cách xây dựng được một chiến lược đúng, có những giải pháp hành động đột phá, tập hợp được nội lực của toàn đất nước, Hàn Quốc ngày nay đã lột xác hoàn toàn. “Trông người, ngẫm ta” để hy vọng Việt Nam sẽ viết lên một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Tin bài liên quan