Hướng tới môi trường kinh doanh đồng bộ thời 4.0

Hướng tới môi trường kinh doanh đồng bộ thời 4.0

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), các chuyên gia, nhà kinh tế, CEO nhiều tập đoàn lớn đã khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng đồng bộ với yêu cầu của thời đại 4.0. Điều này sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn của các ngành, nghề kinh doanh mới, giúp Việt Nam đạt được các giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ hội từ tầng lớp trung lưu đang tăng 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn cho các nước như Việt Nam. Việt Nam đang được hưởng lợi từ khối kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, khu vực đang sử dụng khoảng 2,4 triệu lao động.

Tuy nhiên, các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar, đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh trong thu hút các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động giá rẻ, tay nghề thấp. Trong một số trường hợp, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng thậm chí còn dẫn đến việc chuyển dịch công việc trở lại nước đầu tư FDI.

Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác cơ hội từ sự chuyển dịch này, để phát huy lợi thế mới. Ví dụ, đang xuất hiện tầng lớp tiêu dùng mới ở châu Á. Tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập trung bình tăng lên, dự báo từ 20% năm 2002 lên 80% vào năm 2030.

Ngay tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy nhiều gia đình có mặt tại các trung tâm mua sắm như Aeon, Royal City hay Lotte vào cuối tuần. Họ dành nhiều tiền bạc, thời gian hơn cho các hoạt động mua sắm và giải trí.

Xu hướng này sẽ tăng trong những năm tới và là cơ hội cho dòng đầu tư mới.

Cải thiện môi trường kinh doanh để trở thành thỏi nam châm hút FDI

Bà Nihad Ahmed, chuyên gia kinh tế cấp cao của FocusEconomics

Được coi là một trong những con hổ mới của Đông Á, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai về thu nhập bình quân đầu người trên thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc.

Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, thu nhập hộ gia đình trung bình cao hơn, đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong đời sống - xã hội trong 2 thập kỷ qua.

Đáng chú ý, tỷ lệ người sống dưới chuẩn nghèo giảm mạnh, số người được tiếp cận với y tế, giáo dục và hạ tầng cơ bản được cải thiện nhiều, tỷ lệ trẻ em tử vong giảm đáng kể... Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống, học tập của người dân được nâng cao.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến dài, từ vị trí thứ 82 năm 2017, lên vị trí thứ 68 năm 2018 (theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB).

Tuy nhiên, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong ASEAN còn chưa cao, nhiều chỉ số mới đứng thứ 6, báo hiệu sự cần thiết phải đẩy manh cải cách. Tôi cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu trở thành một nam châm lớn hơn để thu hút FDI.

Hướng tới môi trường kinh doanh đồng bộ với thời đại kỹ thuật số

Bà Nena Stoiljkovic, Phó chủ tịch của IFC châu Á - Thái Bình Dương

Những gì nền kinh tế Việt Nam đạt được trong 30 năm qua thật đáng chú ý. Cải cách kinh tế và chính trị từ năm 1986, với công cuộc Đổi mới, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp.

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường hiện đại, hội nhập, Việt Nam cần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững bằng cách khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là cơ hội vàng cho đất nước tạo nên những bước phát triển đột phá, có thể đạt ngang tầm với các xu hướng công nghệ và kinh tế toàn cầu.

Với 54% dân số sử dụng Internet - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 46,46%, Việt Nam đã nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ mới như Internet vạn vật, dữ liệu lớn và robot để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Khi công nghệ trở thành then chốt trong việc nâng cao mục tiêu phát triển của quốc gia, công nghệ có thể cải thiện đáng kể năng suất nông nghiệp, bảo tồn nguồn nước và giảm khí nhà kính của Việt Nam.

Tại thời điểm này, công nghệ đã tham gia  sâu vào mọi lĩnh vực, bao gồm bán lẻ, logistics, giáo dục và chăm sóc sức khỏe... Nhưng điều quan trọng là có được sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để Việt Nam tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng thông tin và lực lượng lao động chất lượng cao, trong khi tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tóm lại, Việt Nam có thể tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của mình bằng cách xây dựng một hành lang pháp lý cho nền kinh tế số hóa và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang số hóa - từ quản trị công đến mô hình kinh doanh và xã hội trong nền kinh tế số.

Trình độ nhân lực thấp sẽ là trở ngại lớn cho phát triển

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đang được thúc đẩy bởi sản xuất mở rộng và xuất khẩu mạnh mẽ, nông nghiệp được cải thiện, tiêu thụ nội địa tăng và đầu tư mạnh từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệptrong nước.

Thu ngân sách tăng trong năm 2017 đã giúp giảm thâm hụt ngân sách và giảm tổng nợ công từ 63,6% GDP (năm 2016) xuống  61,3% GDP vào cuối năm 2017. Cùng với việc kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã thu hút FDI vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động nhờ nguồn cung dồi dào lao động trẻ tuổi.

Tuy nhiên, khi công nghệ sản xuất hiện đại hơn, người lao động không đáp ứng, hệ quả là Việt Nam sẽ khó thu hút được đầu tư công nghệ cao để phát triển bền vững. Nếu không giải quyết được vấn đề trình độ nhân lực, có thể trở thành trở ngại lớn cho nguyện vọng phát triển của Việt Nam.

Xây dựng một nền văn hóa hợp tác để biến kết quả nghiên cứu thành ứng dụng

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành HSBC tại Việt Nam

Chủ đề của WEF ASEAN năm nay là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ tư” rất phù hợp với mục tiêu của Chính phủ về xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ kinh tế đến phát triển xã hội. Đó là một cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt để theo kịp với các nước trong khu vực và thế giới.

Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư bao gồm Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo, robot và nền tảng sản xuất mới. Các công nghệ này sẽ thay đổi sản xuất toàn cầu.

Với cuộc cách mạng này, Việt Nam có thể nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra các mô hình kinh doanh bền vững mới để khởi nghiệp, rút ngắn cuộc hành trình trong công nghiệp hóa, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nói rằng, các ngành công nghiệp trong thời đại 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 18 tỷ USD mỗi năm.

Trong năm 2017, khoảng 67% dân số Việt Nam có thể truy cập Internet, xếp thứ 13 trong số 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất.

Tôi thực sự hy vọng Chính phủ có thể tạo ra một hệ sinh thái nuôi dưỡng  thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng một nền văn hóa hợp tác lành mạnh để biến kết quả nghiên cứu thành các ứng dụng thực tế.

Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu

Ông Raymond Mallon, Cố vấn cấp cao Chương trình Cải cách kinh tế Australia - Việt Nam

Tôi lạc quan về triển vọng ngắn và trung hạn của nền kinh tế Việt Nam do những cải thiện gần đây trong xây dựng nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô, những tiến bộ trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và các nỗ lực cắt giảm rào cản kinh doanh.

Đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra  nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ấn tượng...

Mặc dù vậy, những thách thức vẫn còn. Hiệu quả của chi tiêu công vẫn là một mối quan tâm đặc biệt. Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, mở rộng cơ hội tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho các lực lượng thị trường.

Các khoản đầu tư cần tập trung giải quyết các vấn đề môi trường, cải thiện kết cấu hạ tầng, có giải pháp giảm tắc nghẽn giao thông đô thị. Chính phủ cũng cần có nhiều hành động cụ thể để đảm bảo lập kế hoạch và sử dụng đầu tư công hiệu quả hơn.

Đặc biệt, giáo dục cần  được cải thiện theo mục tiêu  đáp ứng được nhu cầu của một nền kinh tế phát triển trên nền tảng sáng tạo và tri thức.

Chính phủ cũng cần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và sử dụng chi tiêu của nhà nước. Đây vẫn là một vấn đề quan trọng, cần tiếp tục được cải thiện để nâng cao hiệu quả đầu tư tổng thể, từ đó tăng thu ngân sách…

Bất chấp những thách thức này, với những nỗ lực cải thiện trên, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Tin bài liên quan