Huy động vốn không phải điều kiện tiên quyết để thành công của start-up

0:00 / 0:00
0:00
Huy động vốn chỉ nên được xem như một trong những công cụ giúp start-up có thêm nguồn lực phát triển, chứ không phải là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công.
Huy động vốn không phải điều kiện tiên quyết để thành công của start-up

Gọi vốn chỉ là công cụ

Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng sôi động khiến các bản tin về những thương vụ huy động vốn, phương thức xây dựng bản thuyết trình gọi vốn… xuất hiện ngày càng nhiều. Huy động vốn, tăng doanh thu trở thành những chủ đề thường xuyên được bàn luận, nhưng khả năng sinh lời thì lại ít được nhắc đến. Câu chuyện về Jawbone - start-up hoạt động trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng tại thung lũng Silicon là một ví dụ.

Jawbone thành lập từ năm 1999. Trên hành trình phát triển của mình, Jawbone đã huy động hơn 900 triệu USD và được định giá hơn 3 tỷ USD vào năm 2014, nhưng tất cả số tiền đó không thể cứu start-up này khỏi thất bại. Tiền đổ vào càng nhiều, Jawbone càng “chệch đường ray”.

“Mô hình kinh doanh của họ không còn tập trung vào việc bán sản phẩm của mình, mà là gây quỹ nhiều hơn”, Charles Miglietti, đồng sáng lập Toucan Toco đánh giá.

Doanh nhân này nhấn mạnh, việc huy động vốn nên được xem như một công cụ giúp start-up tạo ra nhiều giá trị, lợi nhuận hơn thông qua sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang cung cấp. Bởi vì, một start-up được tạo ra là để giải quyết vấn đề mà các công ty khác chưa giải quyết được. Thế nên, nếu start-up phải gấp rút huy động tiền để có thể đánh bại đối thủ cạnh tranh cũng đồng nghĩa với khả năng sản phẩm/dịch vụ của họ không mang tính cách mạng.

Bài học từ sự tan rã sau khi gọi vốn của các start-up cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý giá về việc tìm kiếm đội ngũ sáng lập. Trong đó, khả năng lắng nghe trở thành yếu tố cần có cho mỗi nhà sáng lập. Đồng thời, phát triển công ty là mục tiêu cao nhất cần đạt được mỗi khi đúng trước vấn đề cần tìm câu trả lời, thay vì đề cao cái tôi của mỗi người.

Phạm Ngọc Duy Liêm, đồng sáng lập GoStream chia sẻ: “Đội ngũ GoStream từng khởi nghiệp và thất bại, nên đã thống nhất với nhau về quan điểm này trước khi cùng xây dựng công ty. Ngoài ra, nếu có thể thì số lượng nhà sáng lập cho mỗi công ty nên là số lẻ để đa số thắng thiểu số mỗi khi cần đưa ra quyết định”.

Trở lại với cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, may mắn ra đời đúng thời điểm livestream phát triển, nên chỉ sau 3 tháng thành lập, GoStream (start-up cung cấp công cụ livestream đa nền tảng dành cho người bán hàng, tiếp thị và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội) đã có lãi và sau một năm đã đạt được mức lợi nhuận vượt kỳ vọng của cac nhà sáng lập.

Vì vậy, trong giai đoạn ban đầu, họ không có ý định gọi vốn, mà chỉ muốn “túc tắc” bán dịch vụ ra thị trường. Cho đến khi tham gia một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đội ngũ GoStream có những ước mơ lớn hơn và họ bắt đầu nhận vốn đầu tư từ Zone Startups Việt Nam, VinaCapital. Tính đến nay, GoStream đã huy động được gần 1,5 triệu USD và chuẩn bị cho vòng kế tiếp.

Phạm Ngọc Duy Liêm, đồng sáng lập GoStream chia sẻ, khi gọi vốn, không cần sử dụng quá nhiều kỹ thuật, vì điều quan trọng cần đạt được là làm sao để hoạt động kinh doanh phát triển. Theo đó, đội ngũ GoStream không dành quá nhiều nguồn lực, thời gian để chuẩn bị cho quá trình huy động vốn, mà tập trung cải tiến sản phẩm.

Huy động vốn là một trong những cách cung cấp nguồn lực cần thiết để start-up đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng hơn. Bởi vậy, GoStream xem quỹ đầu tư là đối tác. Start-up này có mô hình kinh doanh, có cách tạo ra lợi nhuận và chứng minh rằng, nếu có vốn thì sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn. Khi đó, quỹ đầu tư rót vốn vào GoStream có thể cùng chia khoản lợi nhuận cao.

Đó là cách đội ngũ GoStream nhìn nhận về gọi vốn. Họ tin tưởng rằng, mục đích khởi nghiệp của họ không phải để gọi vốn, mà nhằm giải quyết một vấn đề đang xảy ra trong xã hội.

Những “cái bẫy” cần tránh

Phạm Ngọc Duy Liêm cho hay, sau khi hoàn tất gọi vốn, đội ngũ GoStream rất vui vì đã có thêm bạn đồng hành đặt niềm tin, nhưng niềm vui này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sau đó, cũng như bao start-up khác, họ phải bắt đầu vào hành trình “chạy” KPI và bắt buộc phải tiến đến các vòng huy động vốn kế tiếp để mở rộng quy mô.

Với kinh nghiệm tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures, quỹ ngoại từng rót vốn vào nhiều start-up Việt, bà Hoàng Thị Kim Dung cho rằng, gọi vốn luôn đi kèm với kỳ vọng và sự quyết tâm. Để thuyết phục nhà đầu tư đồng ý rót vốn, đội ngũ sáng lập cần đưa ra những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và sau khi gọi vốn thành công phải quyết tâm để đạt được những mục tiêu đã đề ra, nên sẽ phải chịu những áp lực không nhỏ.

Khi trong tay có tiền và gánh áp lực trên vai, các nhà sáng lập dễ gặp phải một “cái bẫy”. Đó là dùng nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng không bền vững.

“Một ví dụ điển hình là start-up dành quá nhiều tiền để chạy quảng cáo nhằm có thêm người dùng”, bà Kim Dung chia sẻ trên trang cá nhân.

“Cái bẫy” mà bà Kim Dung nhắc đến cũng từng xảy ra với đội ngũ GoStream. Phạm Ngọc Duy Liêm thẳng thắn thừa nhận, giai đoạn thử thách tinh thần đoàn kết nhất của đội ngũ này không phải khi mới thành lập, mà là khoảng thời gian họ hoàn tất một vòng gọi vốn. Bởi khi có nhiều tiền, mỗi thành viên sáng lập lại muốn đi một hướng khác nhau và rất dễ khiến start-up bị phân tán nguồn lực.

Đây chính là lúc đội ngũ nòng cốt phải giữ được sự tập trung vào phát triển sản phẩm, kinh doanh. Nếu không, khả năng chệch hướng phát triển, tan rã đội ngũ có thể xảy ra. Họ phải cùng ngồi lại và thống nhất chọn ra một đường hướng nhằm phục vụ mục tiêu duy nhất là phát triển công ty.

Tin bài liên quan