IMF cảnh báo về rủi ro nợ gia tăng ở Trung Đông, Trung Á hậu đại dịch

IMF cảnh báo về rủi ro nợ gia tăng ở Trung Đông, Trung Á hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm Chủ nhật (11/4), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, các quốc gia ở Trung Đông và Trung Á cần hạn chế vay nợ vì nợ chính phủ tăng cao do đại dịch đang đe dọa triển vọng phục hồi của các quốc gia này.

Khu vực Trung Đông và Trung Á bao gồm khoảng 30 quốc gia từ Mauritania đến Kazakhstan đã có ​​sự phục hồi kinh tế trong quý thứ ba liên tiếp khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp ngăn chặn Covid-19.

Tuy nhiên, triển vọng vẫn chưa chắc chắn và các con đường phục hồi sẽ khác nhau tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng cũng như các mức độ thiệt hại của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch và chính sách tài khóa của các quốc gia.

Jihad Azour, Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á nói với Reuters: “Sự phục hồi đã bắt đầu, nhưng sự phục hồi bắt đầu không đồng đều và không chắc chắn”.

"Triển vọng là không chắc chắn vì những di sản của tiền Covid-19 vẫn còn đó, đặc biệt là đối với các quốc gia có mức nợ cao”, ông cho biết.

IMF cho biết, những quốc gia tiêm chủng sớm bao gồm các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, Kazakhstan và Morocco sẽ quay lại mức GDP tiền đại dịch như trong năm 2019 vào năm tới, trong khi việc phục hồi các mức đó dự kiến ​​sẽ mất một năm nữa đối với các quốc gia khác.

"Nhu cầu tài chính cao có thể hạn chế không gian chính sách cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi”, IMF cho biết trong Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế và Khu vực.

Nhu cầu thấp hơn và giá hàng hóa giảm đã làm xói mòn tài chính của các quốc gia vào năm ngoái. Ở Trung Đông và Bắc Phi, thâm hụt tài khóa đã tăng lên 10,1% GDP trong năm 2020 từ 3,8% GDP trong năm 2019.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng khiến nhiều quốc gia tăng nợ do một phần ảnh hưởng từ việc tận dụng thanh khoản dồi dào trên thị trường toàn cầu để có thêm chi tiêu cần thiết nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.

IMF cảnh báo rằng nhu cầu tài chính dự kiến ​​sẽ tăng trong hai năm tới, các thị trường mới nổi trong khu vực Trung Đông và Trung Á có thể cần khoảng 1.100 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022 từ mức 784 tỷ USD trong năm 2018-2019. Điều này có thể gây rủi ro về ổn định tài chính và có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Các quốc gia có nợ nước ngoài cao cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay của họ và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường.

“Mặc dù mức dự trữ ngoại hối cao có thể cung cấp hỗ trợ cho các thị trường mới nổi của khu vực nhưng các quốc gia có nợ nước ngoài cao và không gian tài chính hạn chế sẽ dễ bị tổn thương. Các quốc gia cần thực hiện các chính sách và cải cách để giúp giảm nhu cầu tổng tài chính công tăng cao và giảm thiểu mức độ vay nợ của chính phủ theo thời gian", IMF cho biết.

Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến nghị sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính và tiền tệ, cũng như mở rộng thị trường nợ trong nước và mở rộng cơ cấu nhà đầu tư.

Tin bài liên quan