IMF: Cuộc chiến lạm phát, các sự kiện địa chính trị đe dọa tính ổn định của thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (11/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, rủi ro ổn định tài chính toàn cầu đang gia tăng, làm tăng nguy cơ định giá lại về sự hỗn loạn trên các thị trường, trong khi các thị trường mới nổi và thị trường nhà ở đặc biệt dễ bị tổn thương.
IMF: Cuộc chiến lạm phát, các sự kiện địa chính trị đe dọa tính ổn định của thị trường tài chính

IMF cho rằng, những thách thức đang rình rập nền kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát dai dẳng, suy thoái ở Trung Quốc và những căng thẳng đang diễn ra từ xung đột Nga-Ukraine làm tăng nguy cơ suy thoái nghiêm trọng xuống mức chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF cảnh báo rằng, rủi ro ổn định tài chính toàn cầu đã gia tăng kể từ báo cáo tháng 4/2022, khiến cán cân rủi ro "lệch đáng kể" theo chiều hướng giảm.

Các lỗ hổng thị trường kéo dài, thanh khoản thắt chặt, lạm phát dai dẳng và nỗ lực liên tục của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhằm tăng lãi suất để chống lại lạm phát đã kết hợp tạo ra một môi trường đầy rủi ro và biến động.

Báo cáo nêu rõ: “Với việc các nhà đầu tư nhanh chóng rút lui khỏi việc chấp nhận rủi ro trong thời gian gần đây khi họ đánh giá lại triển vọng kinh tế và chính sách, có nguy cơ dẫn đến việc định giá lại rủi ro một cách mất trật tự. Đặc biệt, sự biến động và thắt chặt điều kiện tài chính đột ngột có thể tương tác và được khuếch đại bởi các lỗ hổng tài chính đã có từ trước".

Các thị trường đã có một năm khốc liệt với chỉ số S&P 500 giảm 24% trong năm nay, trong khi trái phiếu toàn cầu bước vào thị trường giá xuống và đồng đô la đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, gây ra nhiều vấn đề cho phần còn lại của thế giới.

Đặc biệt, IMF cảnh báo rằng, bất kỳ sự suy thoái mạnh nào sẽ được cảm nhận sâu sắc bởi các nền kinh tế thị trường mới nổi vốn đang phải vật lộn với "vô số rủi ro" như chi phí đi vay cao, lạm phát cao và thị trường hàng hóa biến động. IMF cũng cảnh báo rằng, chênh lệch tín dụng đã mở rộng đáng kể và lãi suất cao hơn có thể tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở.

Tại Trung Quốc, IMF cảnh báo sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đã trở nên sâu sắc hơn và sự thất bại của các nhà phát triển bất động sản có thể tràn sang lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi các ngân hàng ở các nền kinh tế tiên tiến dường như có đủ vốn và thanh khoản, IMF lưu ý rằng, trong bài kiểm tra căng thẳng ngân hàng toàn cầu, có tới 29% ngân hàng ở thị trường mới nổi sẽ vi phạm các yêu cầu về vốn trong một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu vốn hơn 200 tỷ USD.

IMF cho biết, các ngân hàng trung ương phải hành động "kiên quyết" để kiểm soát lạm phát, đồng thời truyền đạt rõ ràng "cam kết kiên định" để đạt được nhiệm vụ này. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần giải quyết các lỗ hổng tài chính dai dẳng để đảm bảo đủ thanh khoản cho thị trường và giảm thiểu rủi ro bán tháo nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý tài chính nên giám sát chặt chẽ cơ sở hạ tầng giao dịch và tăng cường dữ liệu có sẵn cho các nhà giao dịch để giúp giữ cho thị trường hoạt động trơn tru.

Tin bài liên quan